UNICEF đánh giá cao việc Việt Nam ưu tiên chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do COVID-19
Thu Hoài 26/09/2021 17:22 | Nhân quyền


Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng đây là quyết định kịp thời để đảm bảo rằng trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha mẹ do COVID-19 sẽ nhận được những hỗ trợ cần thiết để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn và đầy thử thách này, để các em có được tình yêu thương và được quan tâm, cho dù không phải từ cha mẹ yêu quý của mình, và với sự quan tâm chăm sóc đầy yêu thương này, các em ó thẻ mạnh khỏe và phát triển hết tiềm năng của mình.
![]() |
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. |
Trong thông cáo, UNICEF cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất cho hơn 1.500 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mất cha mẹ do COVID-19. Con số này dự kiến sẽ nhiều hơn khi có thêm thông tin từ các tỉnh thành khác.
Bà Rana Flowers chia sẻ: "Tấm lòng hảo tâm và sự mong muốn được giúp đỡ các em của các cá nhân và các doanh nghiệp thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, UNICEF kêu gọi sự cẩn trọng để đảm bảo rằng những giải pháp đưa ra trong thời điểm căng thẳng và đầy thách thức này được lựa chọn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, được xây dựng để duy trì sự kết nối của trẻ em với cộng đồng, để trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình nơi các em có thể phát triển đầy đủ nhất.
"Trong khi cố gắng làm việc tốt, một số người cho rằng cho các em một nơi trú ngụ là giải pháp duy nhất. Nhưng không phải như vậy. Trên thực tế, Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, kết quả đánh giá nhiều năm về trẻ em trong các cơ sở tập trung, kết quả của nhiều năm nghiên cứu, và đáng buồn là bằng chứng từ nhiều năm bị mất đi cơ hội và phát triển của nhiều trẻ em, đã cho thấy rất rõ ràng rằng các cơ sở tập trung không phải là nơi đúng đắn hoặc thậm chí không phải là một nơi an toàn cho trẻ em. Chúng ta cần phải nhanh chóng cùng nhau tìm được môi trường "gia đình" cho các em", Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các địa phương bùng phát dịch lần thứ tư. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đã có hơn một nghìn trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi. Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
![]() |
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) trao "học bổng đỡ đầu" tới các em học sinh có cha, mẹ mất trong dịch COVID-19. |
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ban hành chính sách, kế hoạch của địa phương về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này tại các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; chỉ đạo việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ.
Theo UNICEF, những tổn hại trước mắt cũng như lâu dài đối với trẻ em do chia ly với gia đình và được sắp xếp để ở trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung được ghi nhận rõ ràng ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhận thấy những nơi như vậy không bao giờ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em, nhiều quốc gia đã không cho phép đưa trẻ em vào các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, và thay vào đó đã phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em đảm bảo có thể tìm kiếm và giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế; đảm bảo trợ cấp của Chính phủ để trẻ em có nguy cơ có thể được ở trong môi trường gia đình, trong cộng đồng của chính mình, được kết nối với những gì các em đã biết, có thể tiếp tục học ở mái trường quen thuộc, với những người bạn đã quen biết, và được nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Trẻ em trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung thường bị tách khỏi họ hàng người thân và cộng đồng địa phương. Không còn được cha mẹ chăm sóc, các em thường phải chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, cảm xúc và xã hội, để lại những hậu quả suốt đời. Những trẻ em này cũng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, sao nhãng và bóc lột.
Để ngăn chặn và ứng phó với cuộc khủng hoảng về trẻ em này UNICEF khuyến nghị rằng điều quan trọng là các chính phủ phải có những hỗ trợ thiết thực cần thiết về tình cảm và tài chính cho các gia đình họ hàng nhận nuôi trẻ. Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, thì chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi trẻ, sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ các em và chính phủ cần hỗ trợ và giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.
"Khi COVID-19 tiếp tục tàn phá các gia đình và cộng đồng, chúng ta phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi trẻ em trong một môi trường giúp các em phát triển thể chất, tâm lý, xã hội và cảm xúc. Lời kêu gọi hành động để đảm bảo trẻ em có thể phát triển trong môi trường dựa vào gia đình và cộng đồng chứ không phải ở các cơ sở tập trung giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết, khi cộng đồng chung tay giải quyết những thách thức chưa từng có do COVID 19 gây ra", bà Rana Flowers nhấn mạnh.



Truyền hình
Đáng chú ý
Việt Nam – UAE còn nhiều tiềm năng phát triển giao lưu văn hóa, ngôn ngữ

Bài viết mới
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để tăng quyền, lợi ích cho người lao động

TP.HCM chúc mừng cộng đồng Hồi giáo nhân tháng lễ Ramadan 2023

Chuyên đề

Quan hệ Việt Nam-Australia từ góc nhìn đối ngoại nhân dân

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Ngày Valentine, còn gọi là Ngày lễ tình yêu hay là Ngày lễ tình nhân diễn ra vào ngày 14/2 hàng năm. Ngày lễ này được đặt tên theo Thánh Valentinô, một trong số những vị thánh tử vì đạo Kitô giáo đầu tiên - và cũng là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa các đôi tình nhân và bạn bè khác giới. Trước đây, ngày Valentine là ngày lễ chỉ ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng ngày nay nó được phổ biến ở hầu hết các quốc gia.