Ứng dụng di động giúp phụ nữ Việt Nam chủ động theo dõi sức khỏe sinh sản
Ứng dụng do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp thực hiện, thiết kế cho hệ điều hành iOS và Android cùng các phiên bản cho máy tính (hệ điều hành Windows), phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Ứng dụng đã được thí điểm tại các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn và dự kiến nhân rộng ra các tỉnh khác, đặc biệt tại các địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số và lao động di cư.
Thông qua ứng dụng MCH247 này, các bà mẹ tại Việt Nam có thể tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản ở mọi nơi. (Ảnh minh họa) |
Thông qua ứng dụng MCH247 này, các bà mẹ tại Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giờ đây đã có thể tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở mọi nơi. Đây là một trong những can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa được triển khai nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận và sử dụng thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục không bị gián đoạn trong bối cảnh COVID-19.
Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), ông Trần Đăng Khoa cho biết ứng dụng đặc biệt hữu ích cho phụ nữ trong thời gian đại dịch COVID-19 trước yêu cầu hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội, hoặc trong các tình huống khủng hoảng nhân đạo khác. Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong và sau đại dịch.
Với bộ thiết bị này, Bộ Y tế có thể giám sát và hỗ trợ chuyên môn về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục từ xa cho tuyến tỉnh, tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao năng lực và chỉ đạo chuyên môn về các quy trình và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara tại Việt Nam khẳng định cam kết của cơ quan này tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế quản lý ứng dụng MCH 247 để người dân trên toàn quốc có thể tiếp cận ứng dụng này, góp phần đạt được mục tiêu: không có tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa. Không để phụ nữ nào phải chết khi sinh con.
Một nghiên cứu do UNFPA thực hiện tại 60 xã dân tộc thiểu số nghèo nhất vào năm 2022 cho thấy 55% phụ nữ dân tộc thiểu số có điện thoại di động và 41% truy cập Internet qua điện thoại thông minh. Internet là nền tảng để phát triển ứng dụng di động, quảng bá phương tiện chăm sóc sức khỏe từ xa để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục không bị gián đoạn do COVID-19 cùng các tình huống khẩn cấp khác. |