U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30: Giấc mơ thành sự thật
Huy chương vàng SEA Games luôn là khao khát, song cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Giấc mơ ấy đã kéo dài 60 năm, và là 28 năm kể từ khi thể thao nước ta hội nhập trở lại với khu vực năm 1991.
Trong quá khứ, mộng vàng bóng đá tại đại hội thể thao Đông Nam Á đã có lúc tưởng như rất gần, xong lại trôi xa tầm tay của người Việt. Bóng đá Việt Nam luôn thiếu một thứ gì đó, để luôn nhìn tấm huy chương ấy bằng sự ước ao.
Không phải chúng ta không có những cầu thủ tốt. Bóng đá Việt Nam đã từng sở hữu một thế hệ vàng ở thập niên 90 của thế kỉ trước, với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, sau đó là những Văn Quyến, Thanh Bình, Quốc Vượng đầu những năm 2000.
Nhưng tuyển Việt Nam trước đây, và U22 Việt Nam sau này đã luôn kết thúc trận chung kết SEA Games với một nỗi buồn vô hạn, bởi bóng đá nước ta khi đó luôn “dính dớp” trước những đối thủ kỵ rơ, mà đặc biệt là Thái Lan, đội đã từng thắng Việt Nam 4 lần hai đội gặp nhau ở trận đấu cuối cùng.
Chúng ta đã từng sở hữu nhiều hảo thủ trong quá khứ, nhưng luôn lỗi hẹn với tấm HCV SEA Games. (Ảnh: Baomoi). |
Không phải chúng ta không thi đấu hết mình. Còn nhớ tại trận chung kết 2003, Việt Nam vẫn nỗ lực chơi bóng cho đến thời gian chính thức, để rồi cả cầu trường Mỹ Đình nổ tung với cú volley dứt khoát của Văn Quyến.
Nhưng rồi tấm huy chương vàng kia vẫn quay lưng với chúng ta, để rồi chấm dứt cả 5 trận chung kết SEA Games, cảm xúc đọng lại cuối cùng trong lòng NHM Việt Nam vẫn là niềm tiếc nuối.
Cái chúng ta thiếu, có lẽ là sự chính xác trong những tình huống quyết định, có lẽ là sự thiếu bản lĩnh ở những thời khắc cần phải thể hiện, có lẽ là sự tự tin dù cho gặp bất cứ đối thủ nào, và đặc biệt, có lẽ là thiếu một HLV có đủ tầm để giúp toàn thể cả đội gắn kết và vực dậy tinh thần của họ trong những thời khắc ngặt nghèo.
Trước khi giải đấu này diễn ra, Việt Nam không cần HCV SEA Games để chứng minh chúng ta là những người giỏi nhất về bóng đá nam tại Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.
Xét ở cấp đội đội tuyển, Việt Nam đang là đội xếp cao nhất trên BXH FIFA của khu vực, và cũng là những nhà đương kim vô địch AFF Cup.
Ở lứa tuổi Olympic, U23 Việt Nam là đội bóng duy nhất của nơi coi là vùng trũng của thể thao thế giới này, từng dự chung kết U23 châu Á, cũng là những người hiếm hoi lọt vào tới bán kết của ASIAD. Và từ thời HLV Park Hang-seo, Việt Nam cũng chưa từng thua một đội bóng nào trong khu vực.
HCV SEA Games không phải là chỉ dấu để khẳng định một điều đã diễn ra, chúng ta đến với SEA Games, đơn giản để sự khao khát kia được chấm dứt.
Thực tế, trước khi bước vào hành trình chinh phục giấc mơ vàng, lực lượng của U22 Việt Nam không được coi là mạnh nhất trong lịch sử. Đội hình này, dù bao gồm cả hai cầu thủ quá tuổi là Trọng Hoàng hay Hùng Dũng, không được coi là ngang bằng nếu được đặt lên bàn cân với những thế hệ của Huỳnh Đức - Hồng Sơn, của Văn Quyến – Công Vinh, hay gần nhất là những đàn anh Xuân Trường – Công Phượng.
U22 Việt Nam đã thi đấu với lối chơi và tinh thần tuyệt vời tại SEA Games 30. (Ảnh: Thanh Niên). |
Và đoàn quân áo đỏ tại SEA Games 30 không phải đã không mắc sai lầm. Ở hai trận với Indonesia, và Thái Lan ở vòng bảng, lần lượt Tiến Dũng và Văn Toản đều có những pha xử lí không chính xác, khiến cho U22 Việt Nam gặp bất lợi. Những ám ảnh về sai số của các kì SEA Games trước đây đã có lúc quay lại, và khiến cho không ít con tim yêu bóng đá nước nhà cảm thấy lo lắng.
Ở giải đấu này, Việt Nam cũng không may mắn khi rơi vào bảng đấu có cả hai ứng cử viên vô địch là Thái Lan và Indonesia. Và thực tế cũng chỉ ra, một trong hai đội bóng đó là đối thủ của thầy trò HLV Park Hang-seo tại trận chung kết.
Nhưng toàn đội đã trụ vững, thi đấu ngoan cường của mình ở những giai đoạn khó khăn nhất. Những sự thiếu sót ấy của các thủ thành đã được những đồng đội khắc phục hoàn hảo, để rồi chúng ta có thể đứng lên từ chính nơi chúng ta đã vấp ngã. Cụm từ "bỏ cuộc" không có trong từ điển của những học trò HLV Park Hang-seo.
Bản lĩnh và sự tự tin của các nhà vô địch đã được các cầu thủ khẳng định một cách mạnh mẽ. Sân vận động Rizal Memorial ngày 10/12 đã thực sự là nơi chứng kiến kỉ niệm đáng nhớ: quốc ca Việt Nam đã vang lên hai lần tại đây, và khẩu hiệu "Việt Nam vô địch" đã gắn liền với SEA Games.
Việt Nam đã trở thành nhà vô địch SEA Games sau nhiều năm chờ đợi. (Ảnh: Vietnamnet). |
Để thế hệ này lại chinh phục được nỗi ám ảnh đeo đuổi suốt 60 năm qua, vai trò của HLV không thể không nhắc tới. Ông Park Hang-seo đã thổi một luồng năng lượng vô tận vào cho các học trò, để họ ra sân tự tin bất chấp đầu bên kia sân có là ai đi chăng nữa, để họ có thể vượt qua chính nỗi sợ bên trong của mình và chơi bóng với tinh thần vô cùng ngoan cường.
Chiến lược gia người Hàn Quốc trước khi trận đấu này diễn ra đã nói ông yêu Việt Nam, cảm thấy mình có trách nhiệm phải giành vàng về cho đất nước này. Và quả thật ông đã không khiến các CĐV nước nhà không phải thất vọng. Nước mắt NHM đã rơi, nhưng là những giọt lệ hạnh phúc.
Đại hội thể thao Đông Nam lần thứ 30 đã kết thúc với kỉ niệm đẹp, và giấc mơ vàng SEA Games cũng không còn là cơn mộng mị khắc khoải nữa. Giấc mơ ấy, đã trở thành hiện thực.