Tuyển sinh 2019: ĐH Ngoại thương đào tạo ngành gì để ra trường làm giám đốc (CEO)?
ĐH Ngoại thương đào tạo ngành gì để ra trường làm giám đốc (CEO)?
ĐH Ngoại thương đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2019 nhằm giải đáp những thắc mắc của thí sinh xung quanh những thông tin về tuyển sinh và xét tuyển đại học.
Tại chương trình, thí sinh đặt câu hỏi: "Em xem các chương trình truyền hình như "CEO - Chìa khóa thành công" hay "Thương vụ bạc tỉ" em rất thích hoạt động về kinh doanh. Như vậy, em muốn làm CEO thì nên theo học ngành nào của ĐH Ngoại thương?"
Trả lời câu hỏi trên, PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, muốn khởi nghiệp thành công, trở thành CEO giỏi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải học tập tốt.
PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trả lời câu hỏi của những thí sinh tham dự chương trình. (Ảnh: Huyền Trần). |
Hiện nay, một trong những chương trình phù hợp ở ĐH Ngoại thương là ngành Quản trị Kinh doanh. Khi theo học tại trường, sinh viên ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng chuyên sâu về kinh doanh. Đặc biệt, các bài giảng về cách thức khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp cũng được lồng ghép trong môn học.
Đại diện khoa Quản trị Kinh doanh cũng khẳng định, ngoài những kiến thức đã được học ở trường, sinh viên muốn trở thành CEO, cần có tố chất của nhà lãnh đạo, dám đương đầu, mạo hiểm và bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách. Các CEO giỏi đều có khát vọng trở thành lãnh đạo, họ hiểu mình muốn gì, hiểu xã hội cần gì và biết đồng cảm với họ.
Bên cạnh đó cũng có thí sinh đặt câu hỏi: "Học xong có trở thành CEO ngay được không?” Tại chương trình, ông chia sẻ, khi ra trường khó có thể trở thành giám đốc ngay lập tức mà cần phải có quá trình dài lâu. Các bạn phải có đam mê, có trải nghiệm giúp các em có được bản lĩnh để có thể khởi nghiệp và có thể trở thành một CEO (giám đốc) giỏi trong tương lai.
Nhiều thí sinh tham dự chương trình ngày hội tuyển sinh năm 2019 của ĐH Ngoại thương. (Ảnh: Huyền Trần). |
Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh - ĐH Ngoại thương cho rằng: “Chính sinh viên sẽ tự mình trả lời câu hỏi đó, nếu như bạn biết cách vừa làm, vừa học. Quá trình tích luỹ kinh nghiệm qua nhiều năm sẽ trở thành nhân tố quyết định đến thành công của từng người”.
“Đó là con đường dài, phải nỗ lực, biết thực hành, đam mê, dấn thân và mạo hiểm”, ông Phong khẳng định. Năm 2019, ĐH Ngoại thương đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh theo 3 cấp độ: tiêu chuẩn, chương trình tiên tiến, chất lượng cao.
Trong đó, chương trình tiêu chuẩn và tiên tiến được áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại của các trường đại học danh giá trên thế giới như ĐH Harvard (Mỹ). Bên cạnh kiến thức chung về Quản trị Kinh doanh, chương trình học còn có thêm nhiều đổi mới. Từ năm 2019, sinh viên sẽ được đào tạo theo 4 chuyên ngành chuyên sâu, bao gồm: Quản trị Đổi mới và Khởi sự, Quản trị Nguồn nhân lực, Quản trị Sự kiện và Truyền thông, Quản trị Doanh nghiệp và Dịch vụ.
Bao nhiêu điểm nên xét tuyển nguyện vọng vào ĐH Ngoại thương năm 2019?
ĐH Ngoại thương là một trong những trường dẫn đầu về điểm chuẩn tuyển sinh trong các năm, vì vậy điểm chuẩn năm 2019 của trường là bao nhiêu là vấn đề mà nhiều học sinh thắc mắc.
Trả lời cho câu hỏi: “Thí sinh đạt mức điểm từ 19 - 22 điểm tổ hợp khối A (Toán, Vật lí, Hóa học) thì có cơ hội đỗ vào ĐH Ngoại thương năm 2019 hay không, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu?”
Thí sinh thắc mắc về các chương trình đào tạo ở ĐH Ngoại thương năm 2019. (Ảnh: Huyền Trần). |
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương thông tin, mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào phổ điểm thi của từng năm. Điểm chuẩn năm nay sẽ phụ thuộc vào đề thi và nhiều yếu tố khác. Mức điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương thường đứng ở những tốp trường có điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn của hai cơ sở Hà Nội và TP HCM của ĐH Ngoại thương thì cũng tương đương. Duy nhất có cơ sở Quảng Ninh của nhà trường có mức điểm chuẩn thấp hơn.
Tuy nhiên, cơ sở Quảng Ninh năm nay chỉ có 150 chỉ tiêu, chủ yếu là hai cơ sở còn lại. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm thông thường đạt khoảng 97%. Đa số sinh viên có cơ hội kiếm được việc làm ngay từ khi còn đang học trong trường chứ chưa tốt nghiệp.
"Điểm mạnh của ĐH Ngoại thương chính là sự gắn kết giữa đào tạo trong nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp. Học ngành nào cũng có thể có thu nhập tốt, miễn sao các em phải trở thành những chuyên gia trong từng lĩnh vực nhất định.
ĐH Ngoại thương đã thành lập một trung tâm khởi nghiệp có nhiệm vụ hỗ trợ cho các em sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Các em được hỗ trợ cả về mặt chuyên môn, tài chính, mời chuyên gia tư vấn ở các nơi về hỗ trợ. Trung tâm khởi nghiệp còn thu hút sự tham gia của sinh viên trong nước và quốc tế", Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết.
Thi THPT quốc gia 2019: Những lưu ý khi đăng kí xét tuyển vào trường quân đội Thí sinh khi làm hồ sơ đăng kí xét tuyển vào các trường quân đội năm 2019 cần lưu ý những điểm sau đây. ... |
Mã ngành đăng kí xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2019 Dưới đây là mã ngành đăng kí xét tuyển vào các ngành của trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong kì thi THPT quốc gia ... |
Chi tiết mã ngành đăng kí xét tuyển ĐH Ngoại thương 2019 Dưới đây là mã ngành đăng kí xét tuyển vào các ngành của trường ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội và TP HCM) trong ... |
Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Toán lần 2 THPT chuyên Vĩnh Phúc Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đã tổ chức cho học sinh lớp 12 thi khảo sát chất lượng môn Toán. Dưới đây là đề thi ... |