Tuyến đầu chống dịch bên bờ sông biên giới Sê Pôn
Quân dân đồng lòng
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo quản lý 16,427km đường biên giới, trong đó có 12,3km đường biên giới trên sông Sê Pôn. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai và duy trì 27 chốt cố định, 5 tổ cơ động và 1 tổ ca nô trên sông. Sau này, để đáp ứng tình hình thực tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã thiết lập thêm 3 chốt với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” ở khu vực biên giới.
Khi mới duy trì, các chốt được dựng tạm bằng gỗ lợp tôn hoặc bạt dã chiến, sau đó nhanh chóng được cấp trên đầu tư xây dựng chốt theo tiêu chuẩn bán kiên cố. Chốt lợp tôn hay chốt nhà bạt cũng nóng hầm hập dưới ánh nắng chói chang của “chảo lửa” miền Trung những ngày nắng nóng. Thế nhưng, điều ấy vẫn chưa là gì so với mùa mưa bão. Năm 2020, chỉ trong vòng hơn chục ngày, nước sông Sê Pôn dâng 6 lần khiến 2 khóm Duy Tân, Vĩnh Hoa (thị trấn Lao Bảo), 2 thôn Bích La Đông, Nại Cửu (xã Tân Thành) thuộc huyện Hướng Hóa gần như bị cô lập hoàn toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 cũng “ngập nóc”. Có những chốt nước sông dâng 6 lần thì 5 lần phải di chuyển sang vị trí khác.
Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn khi những người lính Biên phòng vừa căng mình bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa giúp dân “chạy” rồi khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhưng cũng chính trong khó khăn, vất vả ấy mà tình quân dân thêm bền chặt để giờ đây khi bão lũ đi qua thì người dân lại đồng hành với bộ đội trong cuộc chiến mới.
Đầu tháng 6-2021, Bộ Tư lệnh BĐBP trang cấp thêm vật tư phòng, chống dịch cho BĐBP Quảng Trị, trong đó có 15 chốt cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Chốt tiêu chuẩn có đầy đủ bàn ghế, giường ngủ, bếp, máy nổ... tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội sinh hoạt, làm việc. Việc đặt chốt phải thuận lợi trong quan sát, lại vừa đảm bảo trong mùa mưa lũ. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã tổ chức đến gặp gỡ, vận động người dân cho đơn vị mượn đất để dựng chốt kiên cố. Kết quả, 25/30 hộ dân đồng ý, 5 vị trí còn lại thuộc quản lý của xã Tân Thành.
Đại úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được giao phụ trách chung 3 chốt 21, 22, 23 và đều là các chốt nhà tạm, bạt dã chiến. Năm 2020, vừa cùng anh em “dỡ chốt” chạy lũ xong, Đại úy Lê Thừa Văn lại lên ca nô đi cứu dân bị ngập. Lũ rút, anh chỉ đạo Đội Vận động quần chúng giúp dân dọn bùn ra khỏi nhà, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ lương thực cho bà con. Bởi vậy mà bà Đoàn Thị Thu Thủy (ở thôn Long Quy, xã Tân Long), ông Trần Văn Quang, ông Trần Nhơn Nam (cùng ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo) đã đồng ý ngay khi Đại úy Lê Thừa Văn đề nghị cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mượn đất lâu dài để dựng chốt.
Kiên cường bám đường biên
Từ tháng 1-2021 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã phát hiện, bắt giữ 399 vụ/503 người xuất, nhập cảnh trái phép, khởi tố 2 vụ/3 đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Những tháng trở lại đây, các vụ xuất, nhập cảnh trái phép giảm so với tháng 1 và 2-2021. Một trong những nguyên nhân là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo “ken dày” các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 30-4-2021, mỗi chốt được tăng cường 2 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 1 công an viên và 1 dân quân tự vệ. Quân số tăng nên phân chia các bộ phận tuần tra dọc bờ sông, quan sát và “đón lõng” trên đường chạy song song với sông Sê Pôn.
Là địa bàn trọng điểm về tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu và tội phạm ma túy nên Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đến chi viện cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 24, chúng tôi gặp Trung tá Hoàng Văn Việt từ Đồn Biên phòng Ba Nang, Đại úy Phan Thanh Sơn từ Đồn Biên phòng Cửa Tùng tăng cường lên đây. Mới nhận nhiệm vụ nhưng các anh đã nhanh chóng bắt tay vào công việc và quen với cuộc sống trên chốt. Chốt được biên chế 5 người nhưng chỉ kê 3 chiếc giường. Lý giải cho điều này, Trung tá Hoàng Văn Việt cho biết: “Chốt quản lý, bảo vệ biên giới làm nhiệm vụ 24/24 giờ, có nghĩa là chúng tôi chia ca trực. Cán bộ ngủ nghỉ khi hết ca trực chứ không ngủ theo giờ giấc bình thường, cho nên không cần phải kê đủ giường đúng với quân số biên chế”.
Xác định nhiệm vụ lâu dài trên biên giới, bởi vậy mà tại nhiều chốt cố định, cán bộ, chiến sĩ tổ chức tăng gia để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đó là trồng rau củ, nuôi gà, vịt. Đất phù sa từ sông Sê Pôn đỏ rực cùng với sự chăm bón của người lính nên dù khí hậu khắc nghiệt, rau vẫn xanh tốt. Ở nhiều chốt, rau củ còn thừa, ăn không hết. Tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 22, giàn bầu quả nào quả ấy to và dài cả mét. Ăn không hết, bộ đội thái mỏng, phơi khô, cất vào túi bóng, buộc kín lại. Thiếu tá Thái Văn Vĩnh chia sẻ: “Lương khô của chúng tôi đấy. Không hẳn vì thiếu hay khó khăn trong tiếp phẩm mà cơ bản chúng tôi muốn chủ động thay vì bị động. Những ngày nhiều việc thì bầu khô ngâm nước, nấu với tép khô cũng rất ngon miệng, đảm bảo bữa cơm có rau củ”.
Trên các chốt, chúng tôi cũng gặp những “người bạn nhỏ” với những cái tên “Cô Vít”, “Cô Vy”, “Anh Vắc”... như một sự đánh dấu về quãng thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt trên biên giới. Ban đầu chỉ là những con chó nhỏ, qua thời gian đã kịp lớn lên rồi sinh đàn và được phân chia đi các chốt khác. Những “người bạn nhỏ” quấn quýt không chỉ lúc ở chốt, mà còn theo chân người lính Biên phòng đi tuần tra dọc đường biên giới. Thời tiết nóng, buổi đêm rắn thường bò ra đi kiếm ăn, những lúc ấy đã có “Cô Vy”, “Anh Vắc” đánh động phía trước. Cứ thế, những người lính đứng gác biên cương “mềm hóa” khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quân, dân biên giới vui ngày hội non sông
Do điều kiện đi lại khó khăn nên một số địa phương thuộc khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo được Hội đồng Bầu cử quốc gia đồng ý cho tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn 2 ngày so với quy định. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những hình ảnh về không khí bầu cử tại một số địa phương trên cả nước.
|
Siết chặt phòng tuyến chống dịch Covid-19 trên biên giới Tây Nguyên
Tuyến biên giới Tây Nguyên đi qua địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đăk Nông có tổng chiều dài hơn 593km, trong đó đường biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 154km, còn lại là biên giới Việt Nam - Camphuchia. Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 tại 2 quốc gia láng giềng diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4-2021 đến nay, một hệ thống phòng dịch quy mô chưa từng thấy trên biên giới các tỉnh Tây Nguyên đã được kích hoạt và đi vào vận hành ở cường độ cao nhất…
|
Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép khu vực biên giới
Mục đích của phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” là tuyên truyền nâng cao ý thức, xác định trách nhiệm của mỗi người dân ở khu vực biên giới về đại dịch Covid-19; phát huy đoàn kết, sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch và xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện phong trào này đang được lan tỏa rộng ở nhiều địa phương trên cả nước.
|