Tượng An Dương Vương được công nhận là bảo vật quốc gia
Tượng đức vua An Dương Vương tại đền Thượng – Khu di tích Cổ Loa (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa). |
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật Quốc gia (đợt 11, năm 2022). Trong số 27 bảo vật Quốc gia lần này có pho tượng An Dương Vương (trên bức tượng ghi là Thánh tổ Hoàng đế An Dương) tại Khu di tích Cổ Loa.
Tương truyền, vào năm 1893, trong một lần tu bổ lớn đã phát hiện một kho đồng dưới nền điện nên đã đem đúc tượng đức vua An Dương Vương để thờ.
Tượng đức vua An Dương Vương làm bằng đồng hun, được tạc lớn hơn người thật theo thể tượng tròn, đúng theo quy chuẩn tạc tượng. Tượng đúc liền khối thể hiện kỹ cả bệ, mũ, quần, áo, hia. Tượng được tạc trong tư thế ngồi với phong thái ung dung đường bệ, khuôn mặt vuông vức, phương phi nhìn thẳng về phía trước, trán cao, mắt xếch, mũi dài thẳng, tai to, râu dài và đen, nét mặt nghiêm nghị, đầu đội mũ Bình thiên có trang trí lưỡng long chầu mặt nhật, thân mặt áo long bào cổ cao, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài khắc ba chỉ. Tại miếng hộ tâm dưới bụng có dòng chữ: “ Thánh tổ An Dương Vương hoàng đế”, đai ngọc to bản trễ xuống. Hai tay khép lại để trước ngực, ngón tay dài cầm hốt. Chân đi hài mũi cong khắc hình hoa cúc mãn khai.
An Dương Vương là vị vua có công lập nên Nhà nước Âu Lạc (Thế kỷ III TCN), định đô ở Cổ Loa, lãnh đạo nhân dân đắp thành kiên cố, chống giặc và phát triển nền sản xuất, đặc biệt có nhiều thành tựu trong nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim đúc đồng, chế tạo nông cụ và nông nghiệp lúa nước. Thành Cổ Loa được xem là một thành tựu lớn về kỹ thuật quân sự lúc bấy giờ. Hiện nay, Khu di tích Cổ Loa, nơi có thành cổ Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Cổ Loa được ghi vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Pho tượng An Dương Vương được đặt tại Đền Thượng được xây dựng trên một khu đất cao nằm ở phía Tây Nam thành Nội, thuộc địa phận xóm Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.