Tục thờ Mẫu Tam Tòa tại Việt Nam
Các con đã được phân chia một nửa theo mẹ Âu Cơ lên núi khai hoang, một phần theo cha xuống biển lập nghiệp, hình thành nên các dân tộc anh em trong một mái nhà Việt Nam. Truyền thuyết đã hình thành nên hai cha mẹ của dân tộc, song người Việt Nam vẫn luôn kính trọng tôn thờ. Niềm tin này cũng bắt nguồn từ phong tục tốt đẹp của cư dân nông nghiệp lúa nước, của nền văn minh lúa nước trong chính hệ văn minh Đông Nam Á.
Cũng có thể thấy rằng tục thờ Mẫu của người Việt đã được hình thành từ thờ kỳ sơ khai của dân tộc Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, tục thờ Mẫu của người Việt còn được thể hiện qua tư duy suy tôn các vị nữ thần có công và có đức với dân tộc trong quá trình lịch sử đất nước gặp nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, dân chúng cùng cực, đồng thời cũng là chỗ dựa cho cuộc sống tinh thần gần gũi với cộng đồng dân cư người Việt. Họ đã trở thành những thánh nhân trong lòng dân như: Bà Triệu, Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị, nữ tướng Lê Chân, Nguyên Phi Ỷ Lan.. Trải dài theo lãnh địa của Việt Nam, tục thờ Mẫu cũng được hình thành và phân bố theo suốt chiều dọc của đất nước như: Vùng Tây Bắc với tín ngưỡng thờ Mẫu điển hình của dân tộc Tày, Nùng được chi phối hình ảnh người mẹ Pựt Luông (mẹ Phật Lớn – Mẹ Cả của mường trời với lòng từ bi khoan dung độ lượng chăm lo cho cuộc sống con dân trần gian…), mẹ Bióc hay còn gọi là Mẻ Va (Mẹ Hoa – là người mẹ chủ về trông coi sự sinh sản và nuôi dưỡng trẻ nhỏ…). Trung tâm của tín ngưỡng vùng Bắc Bộ với Mẫu Liễu Hạnh tại thôn Vân Cát, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định ngày nay. Đối ngẫu với Bắc Bộ là điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Yana ở miền Trung (Thừa Thiên- Huế) và Tháp Bà – Nha Trang, nơi có dấu tích của văn hóa Chăm sinh sống đều có đền thờ vị thần mẹ xứ sở vĩ đại Pô Inư Nưgar và thờ Pô Inư Nưgar Hamu Ram (Hữu Đức – Ninh Thuận). Tại miền Nam là núi Bà Đen (Tây Ninh) thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
Hình tượng Mẫu Tam tòa
Tục thờ Mẫu đã nằm sâu vào tâm khảm của người Việt, mà đặc biệt khi chúng ta tìm hiểu vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, thì có thể thấy rằng tục thờ Mẫu với hệ thống cấu thành cơ bản trọn vẹn thành tín ngưỡng thờ Tứ Phủ với bốn tối thượng mang tính sáng tạo và cai quản trong bốn miền vũ trụ. Từ những nghiên cứu cho thấy rằng: bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sản phẩm của tư duy nông nghiệp lúa nước cầu mưa với ước vọng được mùa…cho nên các bị thần linh trong hệ thống điện thờ này vừa gần gũi với cuộc sống và tâm tưởng của người cư dân người Việt, nhưng lại vừa thiêng liêng tôn kính khi được suy tôn một quyền năng tối thượng của vũ trụ. Hơn nữa là, tín ngưỡng thờ Mẫu như là một tín ngưỡng dân dã tràn ngập trong không gian huyền bí tâm linh và có những ảnh hưởng đến các tôn giáo lớn khác trong khu vực và thế giới, như một đối trọng khôn khéo để bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đối với tôn giáo ngoại lại thì hình ảnh và vai trò của người Mẹ thần thánh không được đề cao khi du nhập vào văn hóa bản địa của người Việt. Nhiều khi chúng ta bắt gặp những nhận định giải thích về hình ảnh Thánh Mẫu được đồng nhất với Quán Thế Âm Bồ Tát: Thiên Thủ Thiên Nhãn được đồng nhất với Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Quán Âm tọa sơn được đồng nhất với Thánh Mẫu Đệ Nhị Sơn Trang và Quán Âm Nam Hải thì đồng nhất với Thánh Mẫu Đệ Tam Thỏa Phủ…thậm chí ở trong một chừng mực nhất định nào đó thì Đức Mẹ Maria cũng có sự đồng nhất tương tự.
Trong điện thần tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tòa – Tứ Phủ đứng đầu là Thượng Thiên Thánh Mẫu – đồng nhất với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là vị thần sáng tạo ra bầu trời, đồng thời là đại diện cho nguồn sinh lực vô biên, cốt lõi của sự sống và mọi nguồn hạnh phúc trên thế gian… vì vậy diện mạo của Thánh Mẫu luôn là với trang phục màu đỏ. Khi dâng lễ lên Thánh Mẫu cần có: Xôi nếp, thịt gà, hoa tươi, quả ngon, trầu cau, thuốc lá, rượu, chè, vàng mã kim ngân, nhang đăng, nước sạch…để kính cẩn dâng điện Mẫu, cầu cho xã tắc được bình an, muôn dân được ấm no hạnh phúc, cầu công danh sự nghiệp, làm ăn buôn bán với mong ước cho cuộc sống luôn tươi tốt. Di tích thờ cúng tọa lạc tại trung tâm tín ngưỡng Phủ Dầy (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Đồng Đăng (Lạng Sơn),…cùng nhiều hệ thống điện thờ khách trong tín ngưỡng thờ Mẫu trải khắp đất nước, đặc biệt tập trung nhiều ở Bắc Bộ với những địa phương gắn nhiều truyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ sau những ngày vụ mùa vất vả của cư dân Việt lại tổ chức các lễ hội truyền thống, vui nhộn nhất và háo hức nô nức là ngày tiệc hội Thánh Mẫu được tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách thập phương, hành hương về dự lễ đầu Xuân rất đông đúc để cầu chúc cho gia đình, bản thân mình và nguyện cầu mong được Mẫu mẹ che chở, phù hộ giúp đỡ gặp những lúc nguy biến.
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội 2014.
Thánh Mẫu Thượng Ngàn là bà mẹ của thế gian gắn bó với người Việt từ thời nguyên thủy, có truyền tích là con gái của Hùng Vương. Trước đây, không chỉ có mặt ở các cửa rừng núi mà còn có mặt ở khắp mọi miền theo hình thái của các làng xóm cổ truyền Việt Nam (rừng Báng- Đình Bảng- Bắc Ninh; rừng Ba Vì- Hà Nội; rừng Tam Đảo-Vĩnh Phúc…). Rừng là nơi có nhiều của cải vật chất phong phú đa dạng, để nuôi sống con người khi gặp tiết thời mất mùa và là nơi cư trú của muôn loài thú rừng, muôn cây đua nở sinh sôi và phát triển. Với sự suy tôn đó Thánh Mẫu Thượng Ngàn đã được thờ cúng trang trọng là những nơi có địa thế sơn thủy hữu tình với thiên nhiên núi rừng. Quyền cai trên Thượng ngàn gắn bó rừng cây xanh bạt ngàn, núi non hùng vĩ nên Mẫu Sơn Trang mang sắc phục màu xanh . Một số ngôi đền thờ chính như: Đền Đông Cuông tọa lạc tại địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, nơi cư trú của nhiều dân tộc tiểu số như: Tay, Dao. Đền Quốc Mẫu Tây Thiên tại thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo; đền Thượng, đền Trung và đền hạ nằm trong khu di tích Suối Mỡ tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; đền Công Đồng Bắc Lệ tọa lạc tại Xã Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn… Ngoài ngày lễ hội Mẫu chính thì tại các đền thờ Mẫu Thượng ngàn cũng có những ngày lễ tổ chức riêng để tưởng nhớ công ơn, giúp dân ban phúc đức, .. khi đến lễ thì du khách có thể sắm sửa như: Hoa quả tươi tốt, thuốc lá, trầu cau, mâm sơn trang gồm có phẩm thực dưới miền xuôi, tôm cá cua ốc…vàng mã y phục nón mũ hài phượng, rượu, chè…kính cẩn dâng lễ Mẫu Sơn Trang để thỏa lòng mong muốn cầu khấn của mình.
Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là vị thần sáng tạo ra mọi miền nước, ngòi, suối đầm, hồ, ao, sông biển. Thánh Mẫu được người nông dân Việt Nam hết sức tôn kính, và sợ hãi với quyền năng của Thánh Mẫu đem lại khi giận giữ thì sóng thần, lũ lụt triền miên làm cho mất mùa, khi yêu thương thì ban chi mưa thuận gió hòa cây cối được đủ nước tươi xanh sinh sôi, nảy nở vụ mùa no ấm. Hệ thống di tích các đền thờ được trải dài theo ven các dòng sông nước, các cửa sông đổ ra biển và được xây dựng ở hầu khắp các nơi trên cả nước, điều này nó như một đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn luôn được điều hòa đầy đủ cho vụ mùa tươi tốt, một số đền thờ chính: Đền Đà Hy thuộc xã Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang; đền Mẫu Thác Hàn Sơn có bến Đò Lèn ở Trung Hà, Thanh Hóa, đền Mẫu Thoải sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn, đền Ghềnh, Gia Lâm, Hà Nội… Quản cai nơi Thoải phủ Mẫu Đệ Tam mang sắc phục màu trắng, hàng năm đến ngày tiệc Mẫu nhân dân nô nức sắm sửa lễ vật thành kính dâng lên Thánh Mẫu gồm: Hoa tươi quả tốt, trầu cau, thuốc lá, chè, phẩm vật miền đồng bằng, vùng núi cao, vàng mã kim ngân màu trắng… cầu cho được sở cầu như ý sơ nguyện tòng tâm.
Lễ hội đền mẫu Âu Cơ diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm
Được phối thờ trong hệ thống Mẫu Tam Tòa, tín ngưỡng Mẫu Tứ Phủ còn thờ Thánh Mẫu Đệ Tứ Mẫu Địa, là vị thần sáng tạo ra miền đất bằng phằng, phì nhiêu màu mỡ tươi tốt. Khi quan niệm Trời Cha – Đất Mẹ mang đậm tư duy nông nghiệp sâu sắc thì vai trò của Đất Mẹ vô cùng quan trọng để phát triển sự sinh sôi của cây trái. Tục thờ Mẫu Địa nhằm mong cầu sao cho đất đai canh tác ngày được mở rộng tốt tươi. Điện thờ Thánh Mẫu được thường được thờ sau Tam Tòa Thánh Mẫu, tại Hà Nội, Phường Láng Hạ có ngôi đình mang tên Đình Ứng Thiên – thờ phụng Hậu Thổ Phu Nhân (Mẫu Địa) Mẫu Địa với sắc diện mang màu sắc vàng, là trung tâm đất trời ngày hội thường được diễn ra từ 6 – 8 tháng 3 âm lịch và ngày 26 tháng 9 âm lịch, thu hút nhiều du khách thập phương về vãn cảnh và hành lễ.
Suy cho cùng tục thờ Mẫu ở trong văn hóa tín ngưỡng thờ Tứ Phủ đã được đồng nhất với khát vọng truyền đời. Các vị thần là những bóng dáng mang tính chất dân gian được nảy sinh từ thực tế phát triển của nông nghiệp , đã được nuôi dưỡng bởi những khát khao ước vọng lớn lao theo dòng chảy lịch sử của người Việt. Hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước với yếu tố trực tiếp sản xuất là đất và nước mang yếu tố âm. Vì thế những ý niệm thiêng liêng đã kết tụ và nhân cách hóa tạo nên các vị thần mang diện mạo là nữ. Các vị thần này luôn luôn bên cạnh che chở giúp đỡ và trừng trị những thế lực tàn bạo, cưu mang con người thế tục, nên được người đời sùng kính suy tôn thành hình ảnh của một người Mẹ của trần gian.
Tục thờ Mẫu có một vai trò to lớn và thâm nhập rộng khắp trong cư dân người Việt nói riêng và cư dân Đông Nam Á nói chung, nên đền thờ Mẫu cũng là nơi linh khí hội tụ của nhiều vị thần linh dân dã, thậm chí có cả các vị thần linh ngoại nhập cùng một số nhân thần xuất thân từ các anh hùng trong lịch sử hào hùng của dân tộc, các vị này dần hình thành được hệ thống như sau: Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Ông Hoàng; Tứ Phủ Thánh Cô, Thánh Cậu…cùng một số thần linh khác trong hệ thống thần linh tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ.
Khi chưa có cách tiếp cận trí tuệ và khoa học chúng ta sẽ không có sự nhìn nhận đúng đắn trong suy nghĩ và hành động của mình dẫn đến hiện tượng mê tín trái theo những giá trí đẹp đẽ nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu đem lại là sự ấm no đầy đủ hạnh phúc sinh sôi. Tuy nhiên, ngày nay khi nền kinh tế thị trường phát triển của xã hội ngày cang quyết liệt sô bồ, thì một số bộ phận tín đồ thờ Mẫu đã hiểu sai, làm sai thậm chí là có tình để dẫn đến hậu quả khôn lường trong sự tiếp cận văn hóa dân gian bằng việc lạm dụng các hình thức thuộc thiết chế nghi lễ của tục thờ Mẫu. Điều này thể hiện bằng việc hình thức hóa quá mức về nghi thức hầu đồng hay hầu bóng với những lễ vật gây tốn kém chi phí, của người tham gia khi chưa có sự hiểu biết rõ ràng trên cơ sở khoa học và trí tuệ , ảnh hưởng môi trường không gian cảnh quan các di tích thờ linh thiêng tôn kính Thánh Mẫu Tam Tòa và Tứ Phủ.
Với tâm huyết của người nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa dân tộc, luôn tiếp cận các vấn đề khoa học và có sự đối sánh để tìm ra cách giải thích vấn đề hợp lý nhất, tôi luôn co mong muốn sẽ có được những đóng góp thiết thực nhất trong việc bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của người Việt nói chung và trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, bằng việc tuyên truyền, hướng dẫn đến mọi tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong tục thờ Mẫu Việt Nam.
Thạc sỹ Nguyễn Quang Trung