Tuần duyên Mỹ gia tăng hiện diện ở Biển Đông, thách thức Trung Quốc
Một tàu tuần duyên Mỹ tại Biển Đông. Ảnh: Wikimedia |
Theo tác giả bài viết, Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) đang tích cực tham gia vào các hoạt động hạn chế tham vọng hàng hải của Trung Quốc, đồng thời mở rộng phạm vi của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
"Việc Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân ngày càng tinh vi đến Biển Đông đã khiến Mỹ phải đánh giá lại chiến lược của mình, một sự điều chỉnh lại lực lượng có thể tạo ra căng thẳng mới trong khu vực Biển Đông", Asia Times nhận định.
Tác giả bài viết trên Asia Times đã đưa ra những dẫn chứng như trong những tuần gần đây, USCG đã nhanh chóng mở rộng việc triển khai các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực, nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích theo “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc khi nước này sử dụng các tàu dân quân hàng hải bán quân sự và hải cảnh để đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông.
Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy của USCG, nói với tác giả bài viết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng: “Những cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành và những hành động đang được lên kế hoạch. Chúng tôi đã hợp tác đào tạo với các đồng minh để tăng cường an ninh trong khu vực”. Cùng với đó, nước Mỹ đang "tập trung mạnh mẽ hợp tác với các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương có cùng chí hướng trong việc xây dựng một cách tiếp cận khu vực".
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Theo Asia Times, việc tăng cường hiện diện tại Biển Đông của USCG bắt nguồn từ những nỗ lực có hệ thống của Bắc Kinh nhằm thống trị khu vực Biển Đông và đe dọa chủ quyền của các quốc gia trong khu vực thông qua Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) ngày càng được củng cố của họ.
Dựa trên chiến lược "chiến tranh nhân dân trên biển", Trung Quốc đang tăng cường thực hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng việc hiện đại hoá nhanh chóng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) cùng việc sử dụng lực lượng tàu tuần duyên và các tàu bảo vệ bờ biển kiêm dân quân, Asia Times nêu rõ.
Trang báo cho biết, trước sự bành trướng ngang ngược ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện hai thay đổi chính sách quan trọng đối với Biển Đông.
Bên cạnh việc trao quyền tự chủ chính sách lớn hơn cho Hải quân Mỹ để thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải chống lại các yêu sách mở rộng của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cũng đã bắt đầu coi các tàu tuần duyên và bảo vệ bờ biển của Trung Quốc là vũ khí của PLAN. Sự thay đổi chính sách này đã được xác nhận vào đầu năm nay bởi Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ.
Washington cũng đã công khai cảnh báo rằng Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng bằng việc triển khai “chiến lược vùng xám”, khi có những hoạt động gây hấn nghiêm trọng nhưng không dẫn đến chiến tranh. Và như vậy sẽ không vi phạm hiệp ước bảo vệ lẫn nhau với đồng minh Philippines của Mỹ. Thông tin trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 9/6.
Trang báo cũng cho biết trong một sự thay đổi lớn khác trong chính sách khu vực của Mỹ, đó là USCG đã gia tăng hiện diện trong khu vực khi tham gia các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) cùng hải quân ở eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, USCG cũng đang thường xuyên mở rộng triển khai các hoạt động viễn chinh đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm việc đặt ba tàu tuần duyên ở đảo Guam, cũng như tăng cường tập trận chung với các đồng minh và đối tác ở Tây Thái Bình Dương.
Vào tháng 10, tàu tuần duyên USCGC Joseph Gerczak (WPC-1126) và Walnut (WLB-205) đã thực hiện nhiệm vụ chung với tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand HMNZS Otago, tàu Hải quân Hoàng gia Úc và các đối tác Nam Thái Bình Dương. Cùng tháng đó, USCG cũng tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên có tên Sama-Sama giữa Mỹ-Nhật Bản-Philippines.
Tàu hải quân Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Sohu |
Lầu Năm Góc cho biết các cuộc tập trận được thiết kế để thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực, duy trì và tăng cường quan hệ đối tác hàng hải, cũng như tăng cường khả năng tương tác trên biển.
Trong bài viết của mình, Asia Times cũng nói rằng, USCG đang giúp các đối tác trong khu vực phát triển và cải thiện khả năng bảo vệ bờ biển. Đơn cử như trong việc Mỹ cam kết bàn giao tàu USCG Morgenthau đã ngừng hoạt động cho Cảnh sát biển Việt Nam cùng với 24 tàu tuần tra Metal Shark. Đây là một phần của gói viện trợ chiến lược 2017.
*Xem thêm video tên lửa Trung Quốc:
“Trước sự cứng rắn và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, USCG đã đề xuất tham gia và hợp tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên gia và cá nhân”, Asia Times dẫn lời Đô đốc Shultz nói trong chuyến thăm Manila hồi tháng 10 khi tham dự cuộc tập trận Sama-Sama.
Khi được hỏi về các mối đe dọa từ việc quân sự hóa các tranh chấp trên biển của Trung Quốc, Đô đốc Shultz cho biết: “Chúng tôi thấy các đảo nhân tạo nơi không có đảo trước đó, chúng tôi thấy các đường băng trên các đảo đó, chúng tôi thấy các tên lửa chống hạm và các trang bị quân sự khác không phù hợp với tuyên bố hòa bình của Trung Quốc”.