Từ vụ dính phạt của CSGT Hà Tĩnh: Luật pháp quy định thế nào về phạt "nguội"?
Những tuyến đường nào ở TP. HCM lắp camera phạt "nguội"? Những tuyến đường nào lắp camera phạt "nguội" ở Hà Nội? Phạt “nguội” hơn 1.500 trường hợp vi phạm ATGT qua camera |
Người bị phạt "nguội" muốn kiện CSGT Hà Tĩnh
Trình bày với nhiều tờ báo, anh T.V.D bức xúc cho biết: Tra cứu trên website của Cục CSGT, anh phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 30F.083xx của mình bị ghi nhận lỗi vi phạm tốc độ, do Phòng CSGT Hà Tĩnh lập hồ sơ nhưng chưa xử lý.
Tuy nhiên, anh D khẳng định tại ngày giờ vi phạm mà Cục CSGT công bố trên website, anh không hề điều khiển xe đó mà cho một người khác mượn.
Anh D cũng cho biết đã liên hệ qua điện thoại với CSGT Hà Tĩnh và Trung tá Nguyễn An Ninh - Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh về trường hợp này. Trung tá Ninh cho hay đã kiểm tra trường hợp của anh D và thấy rằng xe của anh D vi phạm 4 lần, trong đó có 1 lần vào năm 2017. Ngoài ra, Trung tá Ninh cho biết hiện không có quy định của pháp luật nào quy định việc phạt nguội.
Trung tá Ninh cho biết sẽ tìm hiểu và trả lời khiếu nại của anh D, tuy nhiên, cho đến hiện nay, nhiều lần liên lạc với vị CSGT này đều không có hồi âm.
Tình trạng hồ sơ phạt nguội phương tiện vi phạm của CSGT Hà Tĩnh |
Anh D cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào cũng như điện thoại từ Phòng CSGT Hà Tĩnh về vi phạm giao thông đường bộ: "Tôi cam kết là Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh không hề thông báo cho chủ xe là tôi lỗi vi phạm gì, ở đâu, thời điểm nào".
Cũng bức xúc không kém anh D, trao đổi với báo chí, anh P.A (Hà Nội) cho biết xe ô tô anh di chuyển về Hà Tĩnh nhiều lần do có dự án ở đây. Mới đây, khi tiến hành đăng kiểm cho xe ô tô, cơ quan đăng kiểm ở Hà Nội từ chối đăng kiểm xe, yêu cầu phải nộp phạt trước vì Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh gửi thông tin nói rằng anh vi phạm luật giao thông đường bộ.
Còn nhiều bất cập trong phạt "nguội"
Trường hợp của D nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cho thấy sự bất cập trong việc thực hiện phạt "nguội" các hành vi vi phạm an toàn giao thông hiện nay.
Theo quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt, cơ quan chức năng được quyền xử phạt đối với người điều khiển phương tiện và có hành vi vi phạm chứ không được quyền xử phạt chủ phương tiện.
Tuy nhiên, do rất khó xác định được người vi phạm thực sự để xử phạt, sau khi căn cứ vào chứng cứ thu thập được, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và gửi đến... chủ sở hữu của chiếc xe. Chủ xe nếu không phải là người trực tiếp điều khiển xe và không phải là người vi phạm thì không thể bị xử phạt. Trong khi đó, người vi phạm thực sự thì lại khó có thể xác định để xử phạt.
Bên cạnh đó, có những trường hợp người vi phạm không nộp phạt hoặc có trường hợp chuyển nhượng phương tiện nhưng không sang tên chủ sở hữu, khi có vi phạm xảy ra thì thông báo vi phạm lại được gửi đến chủ cũ của phương tiện vi phạm dẫn đến tình trạng khó xử lý đúng đối tượng.
Đối với những vi phạm như bấm còi, rú ga liên tục; điều khiển xe không mang giấy phép lái xe, bảo hiểm xe cơ giới; điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn... thì phạt "nguội" không có khả năng chứng minh hành vi vi phạm, không phát huy hiệu quả.
Trong Nghị định 46/NĐ-CP, những hành vi không thể xử phạt thông qua phạt "nguội" chiếm số lượng lớn hơn rất nhiều so với các hành vi có thể tiến hành "phạt nguội". Vì vậy, phạt "nguội" cũng không thể phát huy tác dụng tích cực trong những trường hợp này.
Theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì "mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật".
Tuy vậy, khi phạt "nguội" thì hành vi vi phạm đã không được ngăn chặn kịp thời. Từ đó, hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn sau đó trên thực tế và có thể gây ra hậu quả xấu.
Việc xử phạt "nguội" theo Luật xử lý vi phạm hành chính là một hạn chế. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt trong vòng 7 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Chưa kể, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm. Có trường hợp vi phạm sau đó cố tình "lờ đi" thông báo xử phạt, thậm chí dùng giấy tờ giả để tiếp tục lưu thông, trốn phạt "nguội" cho hết thời hiệu xử phạt, không phải đóng phạt nữa.
Cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về phạt "nguội"
Cơ quan chức năng cần triển khai thêm thiết bị chuyên dụng để xác minh chủ thể điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh minh hoạ. |
Từ những bất cập trên cho thấy: Nhà nước cần phải ra một quy định riêng, nghị định riêng về phạt "nguội" để việc xử phạt được người dân chấp hành tuyệt đối.
Về vấn đề xác minh chủ thể vi phạm, các cơ quan chức năng liên quan cần phát triển hệ thống trang thiết bị nghiệp vụ (có khả năng nhận diện người vi phạm) cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về điều kiện, quy trình áp dụng phương thức này.
Yêu cầu lắp đặt camera giám sát hành trình để hỗ trợ việc xác định chủ thể vi phạm, tăng mức phạt đối với người vi phạm chậm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm...
Có thể tham khảo một số quốc gia đã thực hiện hiệu quả phạt "nguội" như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Australia... Theo đó, việc phạt "nguội" tập trung chủ yếu vào chủ phương tiện. Thông báo xử phạt được gửi cho chủ xe, người này nếu không điều khiển phương tiện vi phạm thì phải có trách nhiệm thông báo tới người trực tiếp cầm lái, nếu không thông báo kịp thời chủ xe cũng bị phạt.
Về thời hiệu xử lý vi phạm, với những trường hợp cố ý không tuân thủ, không chấp hành đóng phạt, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn như cấm đăng kiểm có thời hạn hoặc người vi phạm bị tước bằng lái tạm thời...