Từ năm 2030 Hà Nội bắt đầu cấm xe máy vào nội đô
84% người dân Hà Nội ủng hộ đề án để hạn chế phương tiện cá nhân
Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội sáng nay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, so với tốc độ tăng trưởng đô thị, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh. Tại TP Hà Nội có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, 485.955 ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông. Tình trạng này khiến ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào thành phô Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Phương tiện giao thông cá nhân gia tăng gây áp lực lên hạ tầng và môi trường
Bên cạnh đó hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy phương tiện gia tăng làm tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chât gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng theo.
“Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có 843.042 ô tô; 6.099.273 xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là 1.954.738; xe mô tô, gắn máy là 7.506.430”, ông Viện nói.
Theo ông Viện, trước khi thực hiện đề án, UBND TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát, điều tra phỏng vấn xã hội học tại 30 quận, huyện; phát 15.337 phiếu điều tra tới từng hộ gia đình; đối tượng điều tra là các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố Hà Nội là 84%, trong khu vực Vành đai 3 là 85,13%; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,35% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như: hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, 71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; tại khu vực Vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,14%.
Thực hiện đề án theo 3 lộ trình từ năm 2017-2030
Trước khi thông qua đề án, HDND TP Hà Nội đã dành hơn 2 giờ để thảo luận về vấn đề quản lý phương tiện để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các đại biểu đa số đều đồng tình về việc ban hành nghị quyết về đề án.
Phương tiện giao thông gia tăng kép theo tình trạng ô nhiễm không khí
Như vậy, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thực hiện cấm xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, ô tô cũng bị hạn chế hoạt động theo giờ và theo ngày trên một số tuyến phố và thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ và xe ô tô ngoại tỉnh sẽ có quy định hoạt động riêng. Đối với xe taxi, thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Đồng thời chủ xe phải trang bị thêm thiết bị phụ trợ, mở tài khoản điện để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông.
Theo nghị quyết, trước khi chính thức cấm xe và hạn chế phương tiện giao thông trong nội đô, Hà Nội sẽ thực hiện theo từng lộ trình để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân diễn ra thuận lợi. Cụ thể: Giai đoạn 2017-2018 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; Giai đoạn 2017-2020 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; Giai đoạn 2017-2030 triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối...
Minh Duy