“Từ mẫu” sau cánh cửa trại giam
“Nhờ bệnh xá mà tôi được sống”
Chiều đầu đông 2023, chúng tôi tới thăm bệnh xá của Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội. Bệnh xá nằm bình yên, tĩnh lặng phía sau cùng của Trại tạm giam. Cách biệt với các khu, phòng giam, bệnh xá 13 phòng được ôm trọn bởi những cây xanh rộng tán. Khuôn viên phía ngoài với mẫu đơn, bưởi… soi mình trong bóng nắng giữa chiều.
Nằm ở phòng điều trị số 5, phạm nhân Nguyễn Đức Tiến (sinh năm 1958 ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hà Nội), bị kết án 38 tháng tù vì tội tàng trữ ma túy được đưa về Trại tạm giam số 2 chừng 6 tháng. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian này là thời gian ông được bệnh xá chăm sóc vì tiền sử mắc bệnh suy tim và suy phổi. Chúng tôi gặp ông khi ông đang nghỉ ngơi buổi chiều, do bệnh nặng, tuổi cao, ông được bố trí 1 bình ôxy bên cạnh.
Phạm nhân Nguyễn Đức Tiến được các bác sĩ thăm khám, chữa bệnh tại Bệnh xá. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Vừa được hỏi về công tác thăm khám cho phạm nhân ở bệnh xá, ông Tiến ở tuổi thất thập lại òa nên nức nở. Ông kể:
“Tôi là một người không có gia đình. Tôi đã gần 70 lại mắc nhiều bệnh nền và suy tim, suy phổi. Tôi đã xác định là tôi không thể sống được. Nhưng mỗi lần bạo bệnh, các bác sĩ lại hết lòng cứu chữa. Có lần tôi ngất đi, tỉnh dậy thấy 4 bác sĩ của bệnh xá đang trên xe đưa tôi ra các bệnh viện tuyến trên. Tôi đã từng được chuyển ra Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 198 để chữa trị kịp thời.
Tôi phải thở ôxy liên tục, có khi 4 ngày đã hết 1 bình, sức khỏe tốt hơn thì 7 đến 8 ngày/bình ôxy. Tôi được hỗ trợ thở ôxy, cấp phát thuốc hằng ngày, cung cấp thêm các loại thuốc bổ. Những ngày ở bệnh xá, tôi luôn nhận được thuốc men đầy đủ, cán bộ quản giáo ngoài nhắc giờ giấc uống thuốc còn tự bỏ tiền túi mua cơm, cháo chăm sóc tôi vì biết tôi hoàn cảnh khó khăn. Nếu tôi ở ngoài, có lẽ tôi đã chết. Tôi thấy các quản giáo ở đây rất có tình người.
Công tác tại Bệnh xá từ tháng 7/1996 tới nay, Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng tại Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội từng chia sẻ với báo chí rằng: Ngoài một số bệnh thông thường, một số phạm nhân có HIV, thậm chí là các phạm nhân giai đoạn cuối đều được chăm sóc tại Trại. Phạm nhân có HIV giai đoạn cuối kéo theo hàng loạt căn bệnh nhiễm trùng cơ hội như: nấm, lao phổi... Phạm nhân bệnh nặng, sức khỏe diễn biến thất thường, nửa đêm, gần sáng đau ốm, cấp cứu ngay lập tức các anh lại phải có mặt đến tận từng giường bệnh. Hiện, bệnh xá Trại Tam giam số 2, Công an TP Hà Nội có quy mô 13 phòng với 25 giường bệnh, 5 bác sĩ, 2 dược sĩ và 10 y tá đều nỗ lực đảm bảo công tác thăm khám, chữa bệnh cho các phạm nhân.
Đảm bảo quyền cho phạm nhân
Theo quy trình, các phạm nhân khi vào trại giam, trại tạm giam chấp hành án phạt đều được đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Kết quả khám sức khỏe được lưu vào hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe của phạm nhân. Ngoài hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho phạm nhân, Trại tạm giam số 1 và số 2 Công an TP Hà Nội còn thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tủ thuốc của bệnh xá. |
Trung tá, Bệnh xá trưởng Nguyễn Hồng Hải Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Trong các trường hợp bất thường, Trại tạm giam số 1 có đội ngũ nhân viên y tế, cấp cứu trực 24/24 giờ. Để bảo đảm quyền lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam, các can phạm đã có hồ sơ điều trị nội trú đều được cấp phát thuốc hằng ngày theo quy định. Trong những trường hợp can phạm mắc bệnh nặng thì bất kỳ thời điểm nào chúng tôi cũng có mặt để khám, chữa kịp thời”.
Nếu bệnh xá là nơi chữa trị, thì trước đó, tại các phòng giam, các quản giáo đã liên tục kiểm tra, thăm hỏi tình hình sức khỏe của các phạm nhân hàng ngày. Tại khu phòng tạm giam của phạm nhân nữ Trại tam giam số 2, các nữ quản giáo điểm danh bằng phương pháp để tất cả các phạm nhân nữ đứng lên, ngồi xuống khoảng 2,3. Khi được hỏi tại sao lại kiểm tra bằng hình thức này, một quản giáo chia sẻ với chúng tôi rằng: chúng tôi muốn các phạm nhân đứng lên, ngồi xuống để kiểm tra các về sức khỏe. Nếu sức khỏe tốt, đảm bảo thì các phạm nhân có thể thực hiện tốt các yêu cầu đưa ra. Nếu chỉ nghe báo cáo suông không kiểm chứng hết được. Chúng tôi làm vậy để đảm bảo sức khỏe của từng phạm nhân.
Khám bệnh cho phạm nhân tại Trại tạm giam số 1, Công an Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Theo Báo cáo Kết quả công tác bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2018-2023, chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là một trong bảy nội dung luôn được đặc biệt quan tâm. Các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố đã tổ chức khám và cấp thuốc, điều trị cho 358.352 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trích xuất 9.664 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra Bệnh viện ngoài khám và điều trị; tổ chức tiếp nhận 3.150 lượt thuốc chữa bệnh, thuốc điều trị ARV do thân nhân gửi vào cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo đúng quy định.
Việc thực hiện tốt các chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền con người cho mỗi phạm nhân không những thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội mà còn góp phần tích cực vào công tác giáo dục, hướng thiện cho phạm nhân.
ĐBQH: Phạm nhân lao động ngoài trại giam cần được trả công Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 3/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. |
Hơn 22 nghìn người được xét nghiệm HIV tại trại giam Trong năm 2022, các đơn vị liên quan đã tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV trong trại giam, trại tạm giam: Đã triển khai tại 31 trại giam; 35 trại tạm giam với 22.250 lượt người được xét nghiệm tại trại giam; 7.201 lượt được xét nghiệm tại trại tạm giam. 3.525 bệnh nhân được điều trị thuốc ARV. 1.200 bệnh nhân điều trị ARV được điều trị viêm gan C. |