Việt Nam được quốc tế đánh giá cao khi tổ chức tham vấn khuyến nghị chu kỳ IV
Việt Nam đã hoàn thành thực hiện 86,7% tổng số khuyến nghị
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị UPR chấp thuận tại chu kỳ III. Tính đến tháng 10/2023, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện 86,7% tổng số khuyến nghị và đang tiếp tục thực hiện 12,4% khuyến nghị. Đặt trong bối cảnh đặc biệt nói trên, có thể nói các con số này là kết quả đáng tự hào, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị UPR nói riêng và trong bảo đảm quyền con người nói chung.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hùng Việt, việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác động tích cực đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, và thúc đẩy hợp tác, đối thoại quốc tế về vấn đề quyền con người.
Việt Nam đã thực hiện 9 khuyến nghị của UNDP về giảm nghèo bền vững. Điều này góp phần tạo nên thành tựu Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, qua 4 chu kỳ, Việt Nam luôn coi trọng tiến trình UPR, vì chúng Việt Nam luôn coi đây là cơ hội để nhìn lại, đánh giá những việc đã làm tốt, xác định những lĩnh vực có thể làm tốt hơn và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Quang cảnh hội thảo. |
Việt Nam có cơ hội chia sẻ những tiến bộ của mình tại Hội đồng nhân quyền
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định, Việt Nam đã tích cực tham gia khuyến nghị UPR và hoàn thành các nghĩa vụ về phát triển bền vững.
Bà nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung tâm của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và đánh giá cao việc Việt Nam chủ trì nghị quyết về “Kỷ niệm 75 năm thành lập UDHR”.
Bà nói: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đoàn kết trong nỗ lực tiếp tục thúc đẩy các giá trị được ghi trong Tuyên bố trong những năm tới. Với tư cách thành viên hiện tại của Hội đồng Nhân quyền, tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền cả ở trong nước và trên toàn cầu”.
Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc khẳng định Liên hợp quốc luôn tự hào là đối tác lâu dài của Việt Nam trong 46 năm qua và sẽ tiếp tục và cam kết hợp tác với Việt Nam, các quốc gia và các tổ chức quốc tế để bảo vệ hơn nữa quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người.
Tại hội thảo, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman đã đưa ra một số gợi ý trong việc xây dựng cấu trúc và nội dung dự thảo. Ông cho rằng Dự thảo đã nêu được những tiến bộ của Việt Nam về phòng, chống mua bán người, chỉ số chăm sóc sức khỏe…Tuy nhiên, dự thảo vẫn cần bổ sung các phân tích, đánh giá chi tiết và số liệu cụ thể. Dự thảo báo cáo cũng cần phân tích rõ hơn về những thách thức của Việt Nam trong việc hoàn thành các khuyến nghị UPR cũng như các giải pháp tháo gỡ những khó khăn đó.
Ông Patrick Haverman cho rằng, Việt Nam đang là thành viên trong Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Với vai trò cụ thể này, Việt Nam có cơ hội chia sẻ những tiến bộ của mình. Việt Nam có thêm cơ hội để thực hiện 50 khuyến nghị đưa ra trong chu kỳ III. Đồng thời, thiết lập ra một chuẩn mực trong việc xây dựng bản báo cáo quốc gia về UPR, trong các phiên rà soát tại Thuỵ Sĩ sắp tới.
"Chúng ta phối hợp với nhau trong quy trình này. UNDP mong muốn được hỗ trợ, trao đổi làm việc với các bên liên quan của Việt Nam", Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ.
Các đại biểu quốc tế và trong nước chụp ảnh tại hội thảo. |
Na Uy sẽ thành lập tổ tham vấn về UPR giống như Việt Nam
Đại diện đến từ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam tạo ra không gian, cơ hội để mọi người, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước đóng góp ý kiến vào khuyến nghị chu kỳ IV. Việc có sự tham gia của toàn bộ các thành phần trong xã hội, tổ chức chính phủ, phi chính phủ làm cho dự thảo được tốt hơn.
Đại diện đánh giá cao các bài trình bày của các bộ, ban ngành tại hội thảo. Các báo cáo đã nêu ra được một số hạn chế, tuy nhiên cần cho một số ví dụ cụ thể hơn. Đại diện cho biết, con số thống kê đưa ra chi tiết trong báo cáo, nên bổ sung thông tin định tính, cân bằng định lượng.
Về những khó khăn mà các cơ quan ban ngành Việt Nam đang gặp phải, đại diện Đại sứ quán Australia cho biết, Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. “Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về thông tin giáo dục truyền thông”, đại diện này cho biết.
Bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho rằng đây là một hoạt động tham vấn rất quan trọng. Năm tới, Na Uy sẽ thành lập tổ tham vấn giống như Việt Nam. Bởi Na Uy hiểu rằng để tất cả mọi người, thành phần trong xã hội tham gia vào tham vấn là cách tiếp cận tốt nhất để các nước có thể rà soát tình hình nhân quyền trong đất nước của mình.
Bà Mette Moglestue đánh giá cao chương nói về thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong dự thảo. Bà mong muốn định mở rộng chương này, đề cập tới một số vấn đề gặp phải. Na Uy là một đối tác của Việt Nam trong việc cải thiện hơn nữa các vấn đề về nhân quyền.