TS. Nguyễn Tùng Lâm: Ngành giáo dục Thanh Hoá đã sửa sai kịp thời
Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã thống nhất chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá) thu hồi, hủy bỏ quyết định kỷ luật đối với 8 học sinh (3 em bị đuổi học một năm, 4 em bị đuổi học 1 tuần và 1 em học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường) do xúc phạm giáo viên trên nhóm kín mạng xã hội và thông báo cho các em ngày mai đến trường bình thường. Dư luận người dân cho rằng, việc làm này của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hoá đi ngược lại với mục đích giáo dục học sinh.
Liên quan đến câu chuyện này, PV báo Thời Đại đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chuyên gia tâm lý giáo dục.
Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định kỷ luật với các em học sinh liên quan đến nội dung nói xấu giáo viên và nhà trường trên nhóm kín mạng xã hội. Ông có ý đồng tình với quyết định này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định kịp thời và đúng đắn của lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá về việc chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi hủy bỏ quyết định kỷ luật đối với 8 học sinh do có hành vi nói xấu giáo viên trên nhóm kín của mạng xã hội. Việc học sinh nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo là không đúng và tôi không ủng hộ việc làm của các học sinh này.
TS. Nguyễn Tùng Lâm.
Tuy nhiên, việc Trường THPT Nguyễn Trãi đuổi học các học sinh lại không mang tính chất hướng đến giáo dục để các em hoàn thiện mình. Với học sinh thì trước hết chúng ta phải giáo dục, bằng cách nào cũng phải giáo dục, trừ khi học sinh đó không thể dạy được nữa.
Trong vụ việc này, những học sinh trên có lập nhóm kín, nhắn tin vào nhóm kín với nhau. Do đó mức độ ảnh hưởng với xã hội chưa phải lớn. Các em cũng không định công khai cái này mà chỉ là giáo viên vô tình đọc được. Đáng ra, các thầy cô biết việc bị nói xấu thì nên xem xét lại để thay đổi bản thân và nếu các em nói chưa đúng thì cần chấn chỉnh góp ý để các em nhận thấy cái sai và tự ý thức thay đổi bản thân. Như vậy, thầy cô càng thuận lợi cho việc giáo dục các em.
Các em học sinh chỉ nói chuyện với nhau trong phạm vi nhóm kín, ít nhất các em cũng có lương tri, không dám công khai nói xấu và xúc phạm thầy cô mà chỉ bức xúc rồi nói với nhau. Trong trường hợp trên lẽ ra là giáo viên chủ nhiệm khéo thì nên tìm hiểu rồi chia sẻ với các em, để các em tự nhận ra lỗi lầm. Ngoài ra, cô giáo cũng phải tự kiểm điểm lại mình xem đã cư xử đúng mực chưa?
Với hành vi lỗi của các em thì nên đình chỉ các em 2-3 ngày. Đình chỉ chỉ là một công đoạn để học sinh có thời gian suy nghĩ về hành vi của mình. Cô giáo, nhà trường đã làm những động tác giáo dục gì trước khi đuổi học các em?
Các em học sinh có bị tổn thương khi bị nhà trường ra quyết định kỷ luật đuổi học và các em phải làm gì để vượt qua khủng hoảng này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng việc nhà trường đã kịp thời rút quyết định kỷ luật các em sẽ không tạo ra tâm lý hoang mang, khủng hoảng đối với các học sinh vì việc sửa chữa là rất kịp thời. Nếu để thời gian khoảng 2 - 3 tháng sau thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.
Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã chỉ đạo thu hồi các quyết định kỷ luật.
Việc các nhà trường đưa ra quyết định kỷ luật học sinh cần phải hướng tới giáo dục để các em nhận ra cái sai và có cơ hội sửa chữa?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Hoàn toàn đúng. Việc nghiêm khắc với các em học sinh khi các em mắc lỗi nhằm để giúp các em hoàn thiện mình hơn trong tương lại chứ không phải đẩy các em ra ngoài vòng giáo dục. Trong vụ việc kỷ luật các em học sinh này, cần phải đặt ra câu chuyện rằng nhà trường và giáo viên đã đã nghĩ đến việc giáo dục các em trước khi ra quyết định đuổi học chưa?. Chúng ta vẫn có những cách xử lý khác với các em học sinh này.
Mục đích của việc giáo dục là làm cho các em nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa chứ không phải ra các quyết định hành chính để buộc thôi học các em.
Qua vụ việc này, các trường cần phải rút kinh nghiệm như thế nào trong việc răn đe học sinh nhưng cũng mang tính chất giáo dục để các em hoàn thiện bản thân?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Thứ nhất là ở vấn đề cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, trước hết anh phải là một nhà sư phạm, phải có đạo đức.
Thứ hai việc xử lý kỷ luật học sinh cũng phải căn cứ vào quy định chung, phải thông qua hội đồng kỷ luật chứ không thể một mình hiệu trưởng quyết định, nếu như vậy là sai.
Xin cám ơn ông!
Xuân Hoà