Truy tìm nguyên nhân gần 34.000 tỷ đồng tiền nợ thuế khó thu hồi
Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thể hiện, tính đến hết tháng 6/2018 vẫn còn gần 34.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, tăng 8% so với cuối năm 2017. Trong đó, có 26/60 địa phương có số nợ thuế tăng lớn trên 100 tỷ đồng.
Lý do Tổng cục Thuế đưa ra là nợ cũ của các năm trước tồn đọng, đã không thu hồi được, số tiền phạt chậm nộp tính theo lãi suất 0,03% thì tăng lên. Trong số này, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ngừng hoạt động nên thuế đối với họ là điều không tưởng khi bị truy thu…Vì thế nó là nợ khó thu hồi.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.
Những nguyên nhân trên, thực sự rất cũ và muôn thuở. Liệu còn nguyên nhân nào khác như: Do giám sát, kiểm soát không tốt, dẫn đến doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế thì báo cáo là khó khăn, xin giải thể, ngừng hoạt động để trốn khoản thuế nợ trong khi đó, thành lập công ty khác hoạt động song song. Và, có thông tin rằng, cứ hoạt động, đến một thời điểm nhất định, nợ thuế lớn rồi thì lấy lý do khó khăn, ngừng hoạt động nhưng thực chất chuyển sang giao dịch ở công ty khác.
Chẳng hiểu, đây có phải là lý do để doanh nghiệp nợ thuế và ở vào diện khó thu hồi hay không? Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất, quá trình nợ thuế nhiều như thế, rồi thì làm các thủ tục ngừng hoạt động, có sự hỗ trợ, giúp đỡ, “hướng dẫn” của người trong cuộc là cán bộ thuế không?
Bởi, cũng theo chúng tôi tìm hiểu được, quy trình nộp thuế, giám sát thu thuế, đưa nó vào diện của danh sách khó thu hồi thuế là không đơn giản chút nào.
Vậy, ngoài việc thống kê con số và đưa ra nguyên nhân, ngành thuế có trách nhiệm như thế nào trong việc này? Nội dung này không thấy đưa ra? Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu, của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và của cán bộ được giao thực thi công việc giám sát thu thuế.
Trước con số nợ khó thu quá lớn, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng để đảm bảo thu ngay số nợ mới phát sinh dưới 90 ngày, giảm nợ đọng thuế, hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế mà Quốc hội, Chính phủ giao từ đầu năm.
Theo pháp luật của thuế, trong công tác thu nợ, trước hết là phải tìm hiểu và đánh giá đúng tình hình khoản nợ của doanh nghiệp, từ đó có cách thức xử lý phù hợp với từng doanh nghiệp.
Các biện pháp như cưỡng chế, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế về hóa đơn, kê biên tài sản thường được sử dụng để xử lý doanh nghiệp chây ỳ thuế trong khi họ có điều kiện để nộp.
Đối với những đơn vị có cam kết và thực hiện trả nợ theo đúng cam kết thì cơ quan thuế cho tiếp tục sử dụng hóa đơn, hoặc sử dụng hóa đơn lẻ cho từng lần cung cấp hàng hóa dịch vụ với giá trị lớn. Đối với những doanh nghiệp chây ỳ, cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính và khởi kiện ra tòa.
N.Hòa