Trồng lúa carbon thấp: mô hình mới thời kinh tế xanh
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đề án gồm hai giai đoạn, triển khai tại 12 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy chuẩn cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh hướng vào nhiều yếu tố.
Mô hình sản xuất lúa carbon thấp, giúp giảm phát thải khí nhà kính tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (Ảnh: Kim Anh/Báo Nông nghiệp Việt Nam). |
Thứ nhất, sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Thứ hai, áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải.
Thứ ba, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Thứ tư, các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…
Thứ năm, vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải được đầu tư phát triển bền vững, tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đồng thời ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị tăng thêm do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hóa học 30%; giảm lượng nước tưới 30%; đến năm 2030, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hoá học 40% và giảm lượng nước tưới 30%.
Nhất cử nhiều lợi
Đề án trên được triển khai dựa trên kết quả thành công của dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VNSAT) được thực hiện từ năm 2015 đến tháng 6/2022 tại 8 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn.
Báo cáo ban đầu cho thấy lợi nhuận thu được cao hơn khoảng 20-30% so với sản xuất lúa truyền thống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất lúa các bon thấp vụ đông xuân 2022 – 2023 tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (Ảnh: Kim Anh/Báo Nông nghiệp Việt Nam). |
Tại thành phố Cần Thơ, hạch toán chi phí của các hộ tham gia mô hình khi áp dụng phương pháp sản xuất giảm phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững đã mang lại hiệu quả kỹ thuật cũng như giảm chi phí đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giúp giảm 1/3 lượng giống gieo sạ).
Ước tính sơ bộ, với năng suất lúa thu được khoảng 8-10 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm khoảng 50% so với vụ đông xuân năm trước, lợi nhuận tăng thêm từ 5,5-6 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, các mô hình còn giúp bà con nông dân thay đổi dần thói quen sạ dày cũng như hạn chế số lần phun thuốc. Từ đó nâng cao lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hạn chế gây ra tác động hiệu ứng nhà kính.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại”.
Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 9/2022 cho biết: Nông nghiệp hiện là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030 đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp tại Việt Nam, các chuyên gia WB lưu ý 5 lĩnh vực chính sách từ ngắn hạn đến trung hạn, bao gồm đảm bảo tính nhất quán của chính sách cũng như việc điều chỉnh kế hoạch – ngân sách, định hướng lại các công cụ chính sách và chi tiêu công, thúc đẩy đầu tư công, cải thiện thể chế, và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia.