Trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Siegfried Kaulfuß - người Đức nặng lòng với cà phê Việt
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ (phải) trao Huân chương Hữu nghị cho ông Siegfried Kaulfuss. (Ảnh: TTXVN) |
Buổi lễ có sự tham gia của được tổ chức ấm cúng và trọng thể, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ, Tham tán Công sứ Đặng Chung Thủy, Chủ tịch Hội Đức – Việt Siegfried Sommer.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ bày tỏ trân trọng tâm huyết của Kaulfuß với ngành cà phê Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp cà phê ngày càng lớn mạnh của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu lượng cà phê trị giá 1,5 tỷ USD và là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, trong đó xuất khẩu sang Đức chiếm trên 400 triệu USD. Ngành cà phê không những tạo lợi ích kinh tế, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn ở vùng Tây Nguyên.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, tấm Huân chương cao quý được trao cho ông Kaulfuß thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những đóng góp tích cực của ông trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Đức và Việt Nam nói chung, cũng như cho sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam nói riêng.
Ông Kaulfuß bày tỏ vinh dự khi nhận được phần thưởng hết sức ý nghĩa này và xúc động kể lại câu chuyện của ông với cà phê Việt Nam cách đây 40 năm. Thời điểm đó, ông Siegfried Kaulfuß là Phó Chủ nhiệm Nhà máy liên hợp Cà phê và Thực phẩm VEB của CHDC Đức được cử đứng đầu nhóm chuyên gia sang Việt Nam xúc tiến dự án trồng cây cà phê. Đắk Lắk là khu vực được các chuyên gia Đức lựa chọn để triển khai dự án, tuy nhiên nơi này cũng là vùng bị chiến tranh tàn phá và nguy cơ bom mìn còn sót lại trong đất luôn hiện hữu.
Hồi tưởng những ngày đó, ông Kaulfuß chỉ biết diễn tả là “khoảng thời gian tuyệt vời, khi mà người dân không có bất cứ thứ gì, không có gì để ăn, để mặc, nhưng rất thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Đó là lý do tôi có mối liên hệ sâu sắc với Việt Nam cho đến ngày nay”.
Đến năm 1991, để tìm “đầu ra” cho những sản phẩm cà phê nguyên liệu Việt Nam thời điểm đầu, ông đã tới nhiều thành phố, liên hệ với nhiều nhà nhập khẩu để quảng bá cho cà phê Việt Nam với mong muốn xuất khẩu được thứ cà phê nguyên liệu Robusta mà ông đã góp công vun trồng.
Ông Siegfried Kaulfuss và vợ xúc động khi nhận được phần thưởng hết sức ý nghĩa. |
Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam, ông chia sẻ: “Mọi người cứ quen gọi tôi là ông già cà phê và các bạn Việt Nam lần nào gặp cũng nói lời cảm ơn tôi. Nhưng thực sự chúng tôi chỉ giúp các bạn trong những ngày đầu, còn để có ngày hôm nay, khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê thì phải nói đó là công lao, là sự thành công của chính các bạn”.
Từ đó đến sau này, tổng cộng ông Kaulfuß đã sang Việt Nam hơn 50 lần. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến Việt Nam ông vẫn hào hứng cho biết: “Dù tôi đã 88-89 tuổi rồi, không còn khỏe nữa, nhưng nếu tôi có thể làm gì đó để giới thiệu và quảng bá cho cà phê Việt Nam thì tôi có thể đi bất cứ đâu, kể cả sang Việt Nam một lần nữa”.