Tranh của họa sĩ Việt Nam được bán hơn 32 tỷ đồng tại Hong Kong
3 hoạ sĩ Việt Nam tham gia triển lãm tranh quốc tế tại Thái Lan Hoạ sĩ Lý Khắc Nhu, Việt Kim Quyên, Lý Chánh Vân là ba đại diện Việt Nam được mời tham gia triển lãm tranh quốc tế lần thứ 15 tại Thái Lan. |
Triển lãm tranh của Họa sĩ Văn Dương Thành tại các thành phố Italia Từ ngày 11/6-17/6/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia phối hợp với chính quyền Thành phố Passignano sul Trasimeno và Assisi tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Văn Dương Thành, một trong những nữ họa sĩ của Việt Nam được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật biết đến. |
Phiên đấu giá Modern Evening Auction do nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Sotheby's Hong Kong tổ chức lúc 16h ngày 7/10 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (Trung Quốc) đã gây sự chú ý đặc biệt đối với công chúng với sự xuất hiện của một số tác phẩm nghệ thuật của các tác giả Việt Nam.
Phiên đấu giá Modern Evening Auction được Sotheby's tổ chức tối 7/10 (Ảnh: The Value) |
Trong tổng số 37 tác phẩm của nhiều danh họa nổi tiếng thế giới thuộc thế kỷ 20, tác phẩm The et Sympathie mang số hiệu LOT 1067 của họa sĩ Lê Phổ nhận được sự quan tâm của công chúng yêu hội họa cả trong và ngoài nước.
Trước khi phiên đấu giá bắt đầu, bức tranh sơn dầu trên vải này được nhà Sotheby's Hong Kong ước tính có giá dao động từ 3,800,000 - 6,800,000 đô la Hong Kong (tương đương 11,5-20,6 tỷ đồng). Thế nhưng, sau vài lần giơ bảng của các nhà sưu tập tranh với số tiền tăng lên liên tục sau đó, cuối cùng, người chủ trì phiên đấu giá đã gõ búa chốt giá với mức 10,660,000 đô la Hong Kong (tương đương 32,4 tỷ đồng) tính cả thuế, phí.
Mức giá được các nhà sưu tầm tranh liên tục nâng lên (Ảnh: The Value) |
“Chúng tôi tự hào giới thiệu bức The et Sympathie của Lê Phổ, một kiệt tác được vẽ vào giai đoạn đỉnh cao của họa sĩ vào thời kỳ Findlay, mô tả một buổi trà chiều nhàn nhã của các thiếu nữ trong một khu vườn bình yên. Khung cảnh rộng mở với bố cục phức tạp, các chi tiết tỉ mỉ và có chiều sâu, đây là một trong những tác phẩm quý hiếm trong sự nghiệp nghệ thuật đầy ấn tượng của Lê Phổ”, Sotheby's Hong Kong viết trên trang web của mình.
Bức The et Sympathie của Lê Phổ được mua với giá 32,4 tỷ đồng (Ảnh: Sotheby's) |
Theo thông tin từ nhà đấu giá, The et Sympathie có kích thước 131cm x 195 cm, sáng tác vào khoảng những năm 1960 với chất liệu sơn dầu trên vải, là một trong những bức sơn dầu lớn nhất của họa sĩ Lê Phổ từng xuất hiện trên thị trường.
Trong tác phẩm của mình, Lê Phổ cho người xem chứng kiến một bữa tiệc trà chiều trong một khu vườn yên tĩnh. Với chất liệu sơn dầu trên vải, họa sĩ đã sử dụng một bảng màu rực rỡ và áp dụng các nét vẽ chi tiết để ghi lại những hình ảnh sống động dưới ánh sáng mặt trời được phản ánh qua lăng kính của những tán lá.
Cận cảnh tác phẩm triệu USD "The et Sympathie" của Lê Phổ (Clip: Sotheby's Hong Kong)
Bức tranh khiến cho người xem liên tưởng đến phương pháp mà danh họa Pierre-Auguste Renoir - một bậc thầy thuộc trường phái ấn tượng đã khéo léo mô tả ánh sáng mặt trời rải lốm đốm trên các nhân vật trong bức tranh Bal du moulin de la Galette (tiếng Việt: Buổi khiêu vũ tại Moulin de la Galette) được ông vẽ vào năm 1876.
“Mặc dù cả hai tác phẩm đều miêu tả cảnh sinh hoạt của những nhóm người trong xã hội, thế nhưng tác phẩm sau này của Lê Phổ cho thấy một cuộc gặp mặt nhẹ nhàng và thanh bình hơn, phản ánh đặc tính mềm mại thường có của Lê Phổ được thể hiện trong các sáng tác khác của ông”, một chuyên gia phân tích tranh của Sotheby's Hong Kong bình luận.
Tranh của Lê Phổ được so sánh với bức Bal du moulin de la Galette của danh họa Pierre-Auguste Renoir vẽ cách đây 146 năm (Ảnh: Sotheby's) |
Theo các nhà phê bình hội họa, các sáng tác của Lê Phổ thường có từ một đến sáu nhân vật, thế nhưng The et sympathie đã cho chúng ta thấy khả năng của Lê Phổ trong việc xây dựng một bố cục phức tạp với 11 nhân vật đan xen giữa cảnh, thiếu nữ và tĩnh vật. Vì vậy, có thể xem sáng tác này là sự tôn vinh sự nghiệp mỹ thuật đồ sộ đáng ngưỡng mộ của Lê Phổ với tư cách là một họa sĩ châu Á trên thị trường nghệ thuật phương Tây.
Như vậy, bức The et Sympathie được bán đấu giá lần này đã đưa Lê Phổ trở thành họa sĩ Việt có nhiều tác phẩm tranh đáng giá triệu đô nhất với tổng cộng năm bức tánh. Trước đó, ở phiên đấu giá hôm 27/4, bức Dáng hình trong vườn đã được mua với giá 2,28 triệu USD, cao thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt. Tác phẩm Thiếu nữ choàng khăn được bán với giá 1,1 triệu USD trong phiên đấu giá của Christie's Hong Kong tháng 5/2021. Tranh Nude (Khỏa thân) được bán ra với mức 1,4 triệu USD vào tháng 5/2019 và bức Family Life (Đời sống gia đình) được mua với giá 1,1 triệu USD tại Sotheby's Hong Kong vào tháng 4/2017.
Bức "Branches" của Sanyu được mua với giá cao nhất 263 tỷ đồng (Ảnh: The Value) |
Trong tối 7/10, một số họa sĩ Việt Nam khác góp mặt tại phiên đấu giá này cũng đã được các nhà sưu tầm tranh đánh giá cao, như bức Seated Lady của Vũ Cao Đàm được mua với giá 15,3 tỷ đồng và bức Still Life of lilies của Mai Trung Thứ có giá 12,2 tỷ đồng.
Tác phẩm Branches của danh họa Sanyu và tác phẩm 15.02.65 của Zao Wou-Ki được gõ búa với mức giá cao nhất (263 tỷ đồng) và nhì (235 tỷ đồng) tại phiên đấu giá lần này.
Theo Art Exchange, Lê Phổ sinh tại Hà Đông trong gia đình thế tộc, cha ông là kinh lược xứ Bắc kỳ. Ông có tuổi thơ không được hạnh phúc khi phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên 8 tuổi.
Có năng khiếu hội họa từ nhỏ, nhưng đến năm 16 tuổi ông mới có cơ hội thể hiện khả năng và đam mê khi tham gia một trường họa ở Hà Nội. Năm 1925 là mốc quan trọng trong đời ông khi được gặp họa sĩ, giáo sư người Pháp Victor Tardieu. Lê Phổ là một trong 10 sinh viên ưu tú khóa đầu tiên của trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được chính giáo sư hiệu trưởng Tardieu và giáo sư Joseph Inguimberty trực tiếp hướng dẫn. Với phương châm bảo tồn tính dân tộc trong giảng dạy, giáo sư Tardieu khuyến khích học trò vẽ tranh bằng chất liệu truyền thống. Năm 1928, Lê Phổ có tranh triển lãm lần đầu tiên tại Hà Nội cùng Vũ Cao Đàm và Mai Thứ. Sau khi tốt nghiệp, năm 1931, Lê Phổ phụ tá cho giáo sư Tardieu tham dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris. Nhận học bổng trường cao đẳng Mỹ thuật Paris năm 1932, ông đi khắp châu Âu, thăm các bảo tàng viện Bruges, Cologne và Florence, chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa thời Trung cổ và Phục hưng, tiếp xúc với những trường phái mới thời đó như lập thể, siêu thực, trừu tượng... Cuối cùng ông tìm ra được những nét trùng hợp giữa hội họa cổ điển Tây phương và hội họa cổ điển Trung Quốc. Ông cũng đến Ai Cập và tiếp cận nền nghệ thuật cổ nước này. Năm 1933, Lê Phổ về Việt Nam giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương, sau đó chàng trai 26 tuổi ấy sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Tống, Minh. Ông thăm Huế, vẽ chân dung vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung Hoàng thành Huế năm 1935. Năm 1937, ông sang Paris với tư cách giám đốc nghệ thuật khu vực Đông Dương của Triển lãm quốc tế và ông quyết định ở lại Pháp. Năm 1938, lần đầu tiên Lê Phổ trưng bày tranh tại Paris, từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh trên thế giới. Ông kết hôn với bà Paulette Vaux – phóng viên báo Time và Life vào năm 1947. Ông liên tiếp vẽ và cống hiến cho đời nhiều tác phẩm quý đến cuối đời. Tác phẩm của ông được trưng bày ở bảo tàng d’Art Moderne ở Paris (Pháp), bảo tàng Oklahoma (Mỹ) và trong nhiều sưu tập nghệ thuật tư nhân, phần lớn ở Mỹ. Tranh của ông cũng được trưng bày tại các viện bảo tàng nghệ thuật Singapore, Nhật Bản và tất nhiên, Việt Nam.
|
Hình ảnh phụ nữ xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm của Lê Phổ Corinne de Menonville, trong cuốn Những tác phẩm hội họa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, nhận xét: “Ở giai đoạn đầu, người phụ nữ trong tranh Lê Phổ thường mỏng manh, e ấp, khuôn mặt trái xoan, có ánh sáng tạo hiệu ứng cho hồn tranh. Họ đều toát nên sự trang nhã, nhẹ nhàng, duyên dáng, lịch thiệp. Với tranh lụa, màu sắc nguyên chất và đậm sắc thái tạo nên khung cảnh lãng mạn. Giai đoạn tiếp theo, tranh sơn dầu vẫn đặt phụ nữ là tâm điểm, nhưng có thêm những cảm giác về tự do qua cử chỉ và màu sắc. Tranh lụa, người vẽ mất nhiều thời gian, cần sự tinh tế và tỉ mỉ, trong khi tranh sơn dầu, người nghệ sĩ được phép sáng tạo hơn với nhiều cử động và mức độ của màu sắc. Ảnh hưởng bởi trường phái ấn tượng, các tác phẩm thời gian này thể hiện sự tự do, tính hoa mỹ, hân hoan trong ánh sáng, nhịp nhàng trong nét cọ”.
Còn Waldemar thì viết: “Một con thuyền lướt giữa những bông súng, những cô gái ẩn hiện hái trái cây trong vườn địa đàng, họ thật kiểu cách và được nhớ đến bởi sự duyên dáng, niềm vui của cuộc sống phát ra từ tất cả, trong tiết trời xuân vô tận, những thiếu nữ mảnh mai đang dùng bữa trưa trên một hiên nhà, những đĩa trái cây trên bàn phủ khăn, bình đựng đầy hoa dại: thế giới của Lê Phổ là một thiên đường trên trái đất”. Trong suốt cuộc đời, Lê Phổ thường nói về những tình cảm sâu đậm của mình với quê hương, nơi ông sinh ra và nhiều thành viên trong gia đình ông đang sinh sống. Trong tranh Lê Phổ, những đặc trưng Việt Nam, Á Đông được tái hiện qua hình ảnh những người phụ nữ hòa mình với tự nhiên và trẻ thơ. Một hình ảnh khác thường xuất hiện là những bông hoa. Waldemar nhận xét Lê Phổ thể hiện nỗi nhớ quê hương bằng hàng ngàn bông hoa. Bà Vaux tâm sự: “Ông yêu hoa, và hoa luôn xuất hiện trong tranh của ông ở cả hai giai đoạn trong tranh lụa và sơn dầu”. Bà từng chụp những tấm hình khi chồng đang say sưa vẽ hoa. Khi ông bị tai nạn năm 1991 phải nằm viện năm tháng, sau mỗi lần thăm ông về, bà lại đứng trước bức tranh hoa treo trong phòng khách mà khóc.
|
Khám phá nghệ thuật truyện tranh của họa sĩ Bỉ tại Festival Huế 2022 Từ ngày 26/6-3/7, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra triển lãm “Cùng chia sẻ Di sản - Giới thiệu họa sĩ Dany”. |
50 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm tranh Đông Dương đầu tiên tại Việt Nam của nhà đấu giá Sotheby’s 50 tác phẩm của 4 danh họa Việt gồm: Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm sẽ xuất hiện tại triển lãm Hồn xưa bến lạ, do Sotheby’s tổ chức. |