“Trăn trở nhất là làm sao giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
-Thưa ông, đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính trong 1 năm đầy sóng gió do Covid-19 gây nên, điều gì khiến ông phải suy nghĩ nhiều nhất ở lĩnh vực mình quản lý?
-Tôi nhận trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính từ tháng 4/2021, thời điểm làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bắt đầu bùng phát và lan rộng ở nhiều địa phương, trong đó có các địa phương trọng điểm kinh tế, đông dân cư. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân mà còn tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong bối cảnh đó, suy nghĩ của tôi là làm thế nào thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó cho ngành tài chính, làm thế nào để vừa quản lý chặt chẽ nguồn lực tài chính nhưng phải vừa khơi thông và phát huy nguồn lực ấy để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), để đất nước ta ngày càng giàu mạnh.
Bên cạnh đó, cần tham mưu cho Chính phủ các giải pháp về tài chính để vừa huy động được nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và từng bước phát triển kinh tế.
Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bội chi ngân sách và nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép; vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách nhưng vẫn thực hiện giãn, giảm thuế phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó huy động nguồn lực mua vắc xin để chống dịch hiệu quả.
Có thể nói, trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương và các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tôi và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính cùng toàn thể đội ngũ công chức, viên chức ngành tài chính đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Có được kết quả nêu trên là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là những nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính trong năm vừa qua.
-Ngay trong hoàn cảnh bình thường thì áp lực với người đứng đầu Bộ Tài chính đã luôn căng thẳng. Còn với bối cảnh hiện tại của năm 2022, khi những tác động của dịch bệnh vẫn chưa hề hạ nhiệt, sức ép với ông trên cương vị “tư lệnh” ngành có gì đặc biệt hơn không?
-Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 là: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.
Trước thềm năm mới, tôi nhận thấy trọng trách của ngành tài chính nói chung, của cá nhân tôi là người đứng đầu ngành nói riêng rất lớn.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, trong năm tới, ngành tài chính phải luôn đổi mới, sáng tạo và tập trung vào một số giải pháp trọng điểm như sau:
Một là, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số. Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu NSNN. Năm là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Sáu là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Bảy là, điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2021. Tám là, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số để ngành tài chính phải là tài chính số; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của ngành tài chính.
Năm 2021 dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động thu ngân sách nhà nước (Ảnh minh họa) |
-Là người từng quản lý địa phương rồi phụ trách ngành kiểm toán, thưa Bộ trưởng, những kinh nghiệm này giúp ích gì cho ông khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu ngành tài chính?
-Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi đã trải qua nhiều cương vị công tác tại địa phương và Kiểm toán Nhà nước. Mỗi một vị trí công việc giúp tôi có thêm kinh nghiệm thực tế và đó là những trải nghiệm, sự tích lũy kiến thức thực tiễn vô cùng quan trọng.
Mỗi cương vị công tác có những đặc điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhiệm vụ khác nhau nhưng có chung mục đích là luôn cố gắng thực hiện tốt, có hiệu quả sức mệnh của mình để phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Thành công của người lãnh đạo địa phương là xây dựng tập thể đoàn kết, lãnh đạo địa phương phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
Đối với lĩnh vực kiểm toán Nhà nước, phải xây dựng ngành kiểm toán trở thành cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công uy tín, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiện đại giúp kỷ luật tài chính được siết chặt, sử dụng nguồn lực hiệu quả, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Tôi cho rằng, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, tài chính có thể xem như huyết mạch của nền kinh tế. Bộ Tài chính ngoài việc giúp Chính phủ điều hành ngân sách, tài khóa hiệu quả còn đảm bảo thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại… do đó, trên cương vị là Bộ trưởng, cùng tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính tôi sẽ chỉ đạo triển khai các giải pháp, các chính sách để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khơi thông hiệu quả nguồn lực, quản lý chặt chặt tài chính, tài sản quốc gia.
-Thưa ông, trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, ông mong muốn người dân nhìn nhận về ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung trong năm mới 2022 ra sao?
-Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiệm vụ của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi vừa đảm bảo công tác thu - chi NSNN, vừa tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Có thể nói trong những năm qua, ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng không chỉ làm rất tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, mà đã từng bước chủ động xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, với các đề xuất về giải pháp xử lý miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế phù hợp, toàn ngành thuế đã chứng tỏ là một cơ quan quản lý nhà nước năng động, sáng tạo, chủ động, luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đây là điều rất đáng tự hào của ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung.
Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 và Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm 2021-2025, tôi tin tưởng với truyền thống tốt đẹp, ngành tài chính sẽ nỗ lực đổi mới và sáng tạo, tiếp tục đoàn kết đồng lòng, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn
Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển KTXH; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở;... |
Phải có chính sách khuyến khích thu và tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tài chính-ngân sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải có chính sách khuyến khích thu và tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, chạy chọt; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, dòng vốn tín dụng và dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. |