Cần đặc biệt coi trọng sự thống nhất từ nhận thức đến hành động
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Tạo sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14/12, tại Thủ đô Hà Nội. |
Bài 2: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người - Từ cam kết đến hành động Chính phủ Việt Nam đã quyết định ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này. |
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng |
-Thưa ông, năm đầu tiên đảm nhiệm trọng trách Bí thư Tỉnh ủy cũng đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, tuy nhiên vượt qua khó khăn, trên bình diện kinh tế Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn về đầu tư, ông có thể điểm lại khái quát những thành tựu trong năm 2021?
-Năm 2021 đã đi qua với những biến động, thách thức lớn chưa từng có trong nhiều năm qua, để lại những dấu ấn quan trọng về những nỗ lực lớn lao và những kết quả rất đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; song Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững những thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,93%; giá trị xuất khẩu đạt 5,43 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 39.630 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/12 đạt 93% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ và luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.
Các hoạt động đầu tư vào tỉnh diễn ra sôi động; nhiều dự án lớn được triển khai, như: Dự án Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group; Dây chuyền 4 Nhà máy Xi măng Long Sơn, với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng; Nhà máy xi măng Đại Dương 2, với tổng mức đầu tư 3.355 tỷ đồng, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường của Tập đoàn Flamingo Holding, với tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân, với tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hoà, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Hiền Đức Group… Đây là những minh chứng cho thấy Thanh Hoá thực sự là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn.
-Giờ đây, có thể nói nhiều nhà đầu tư đang “xếp hàng” để được đến với Thanh Hóa. Không phải ngẫu nhiên mà có sự thay đổi này, vậy thưa ông, bên cạnh những lợi thế tự nhiên thì đâu là những yếu tố chính sách và con người đã tạo nên sự chuyển động tích cực như vậy?
-Như chúng ta đều biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đối với tỉnh Thanh Hóa, đây còn là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của năm đầu nhiệm kỳ, ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế để đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, bài bản, có chất lượng 06 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch 5 năm 2021-2026 và các kế hoạch hằng năm, các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch phân khu chức năng chính trong KKT Nghi Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị,…
Xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho tỉnh phát triển, như: Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá; chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn và các chính sách khác thuộc các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và dạy nghề,… bảo đảm đúng đắn, sát thực tế, có tính khả thi cao, có cơ chế phù hợp và các giải pháp hữu hiệu để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Đến nay, sau hơn 1 năm tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh đã hoàn thành việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây là văn bản rất quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Tỉnh đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người; trọng tâm là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước; chú trọng phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục lựa chọn những chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với chuẩn đầu ra, trang bị cho lao động những kỹ năng, kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…
Trong công tác cán bộ, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu phù hợp và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đủ sức lãnh đạo Thanh Hóa thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng.
-Bên cạnh những thành tựu về kinh tế thì thước đo sự phát triển của 1 địa phương bao gồm cả sự ổn định chính trị và phát triển về văn hóa, giáo dục. Những khía cạnh này trong năm 2021 đã được tiếp cận và thể hiện ra sao, thưa ông?
-Thấu suốt quan điểm: “Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”; kế thừa và phát huy những thành tích, kết quả trong nhiều năm qua, cùng với phát triển kinh tế, trong năm 2021, Thanh Hóa luôn quan tâm chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng để hòa quyện, kết tinh, lan tỏa thấm sâu vào đời sống xã hội.
Trong năm, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn tỉnh; phê duyệt xếp hạng 03 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; thể thao thành tích cao đoạt 128 huy chương các loại (36 huy chương vàng). Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, học sinh của Tỉnh đạt 02 huy chương tại các kỳ thi Olympic Quốc tế; đoạt 56 giải (có 05 giải nhất) tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia, xếp thứ 5 cả nước. Quy mô trường, lớp học được rà soát, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 78,2%.
An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đã tập trung phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động; giải quyết việc làm cho khoảng 67.000 lao động (trong đó có khoảng 23.000 lao động là công dân Thanh Hóa trở về từ các địa phương).
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,68%, còn 1,52%, thấp hơn tỷ lệ chung cả nước (khoảng 2%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 92%, vượt kế hoạch. Hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 600 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Mường Lát. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Những kết quả mà tỉnh đạt được không chỉ đúc rút thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho Thanh Hóa tiếp tục phát triển.
Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Báo Nhân dân) |
-Qua thực tiễn 1 năm điều hành Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh hiện tại, điều gì khiến ông thấy tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa cần luôn luôn ý thức và tâm niệm để đưa địa phương phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững?
-Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, cũng như nhiều năm trước đây ở địa phương, để có được thành công, điều tâm đắc nhất và cũng là bài học kinh nghiệm hàng đầu mà chúng tôi rút ra đó là phải đặc biệt coi trọng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ, trong toàn dân, toàn quân để quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã định.
Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ; song Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã đoàn kết thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đều mang dấu ấn đậm nét của tinh thần đoàn kết, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”,... của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Chính từ trong muôn vàn gian khó của tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân, thì sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, cố gắng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả là “liều vắc xin” tốt nhất, hữu hiệu nhất, giúp Thanh Hóa vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 với những kết quả rất đáng tự hào.
-Nhân dịp Tết truyền thống Nhâm Dần 2022, ông có thể chia sẻ về những dự định cũng như mong muốn của mình với Thanh Hóa về một năm mới đang chờ đón?
-Một mùa xuân mới đang về, mang theo biết bao tin yêu, ước vọng và dự cảm tốt lành. Đối với tỉnh Thanh Hóa, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để Tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng và những nền tảng kinh tế - xã hội được tạo lập trong nhiều năm qua; chúng tôi tin tưởng rằng, mùa xuân thứ hai của nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ khởi đầu cho một năm gặt hái được nhiều thành công của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hướng tới khát vọng thịnh vượng, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Thanh Hóa xác định phải tiếp tục kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện thành công chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2022 đạt 11,5% trở lên, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trên 04 lĩnh vực, gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 06 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành, để nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV, tạo xung lực mới cho tỉnh phát triển. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Bước sang năm mới 2022 và chào đón Xuân Nhâm Dần, trong khí thế phấn khởi về những thành tựu đạt được của quê hương, đất nước năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, cùng nhau xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước, như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Tạo sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14/12, tại Thủ đô Hà Nội. |
Bài 2: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người - Từ cam kết đến hành động Chính phủ Việt Nam đã quyết định ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này. |
Bối cảnh đặc biệt cần tầm nhìn, hành động, giải pháp đặc biệt, tất cả vì ấm no và hạnh phúc của nhân dân Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. |