Trái ngọt đầu tư hợp tác Việt – Lào
Đổi thay trên đất Lào
Làm việc cho một công ty Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Hủa Phăn (Lào), anh Tiến Hưng (Hà Nội) thường xuyên đi lại hai nước. Mỗi lần đi về anh cũng phải mất 2 ngày di chuyển, trải qua hành trình bằng đường bộ trên những cung đường núi quanh co và nguy hiểm. Nay nhờ sân bay Nong Khang đi vào hoạt động, việc đi lại của anh Hưng đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần mất 1 ngày để anh di chuyển.
Sân bay Nong Khang do tập đoàn THACO và HAGL Agrico Việt Nam đầu tư xây dựng tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã được khánh thành và bàn giao Chính phủ Lào vào tháng 6/2023. Từ khi đi vào khai thác, sân bay góp phần cải thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Lào nói chung và tỉnh Hủa Phăn nói riêng.
Thành lập từ năm 2008 theo hình thức liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội và Công ty viễn thông Lào Asia, Công ty Star Telecom (Unitel) được xem là hình mẫu hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào. Hiện nay Unitel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Lào, chiếm 58% thị phần di động với hơn 3,5 triệu thuê bao, mạng lưới 3G; 4G; 5G phủ sóng toàn quốc, tạo việc làm ổn định cho hơn 27.000 lao động địa phương. 8 tháng đã qua của năm 2023, doanh thu dịch vụ của doanh nghiệp cũng đã đạt hơn 188 triệu USD.
Unitel triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội tại Lào. Ảnh: Hà Mạnh |
Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương của Lào mà còn phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội, được phía bạn Lào đánh giá cao.
Trước đây, đối với một gia đình ở huyện Bachieang, tỉnh Champasak (Lào) để có được 1 chiếc xe đạp đi là rất khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Việt – Lào triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Champasak và huyện Bachieang nói riêng, công ty đã mang lại rất nhiều lợi ích về an sinh xã hội, hoạt động đi lại của người dân địa phương trở nên dễ dàng, thuận lợi. Đời sống của người dân có nhiều đổi thay, nhà nhà mua sắm được xe máy, nhiều hộ mua được cả ô tô và các phương tiện khác phục vụ cho gia đình. Từ một huyện nghèo nhất tỉnh, nhờ nguồn thuế công ty đóng, Bachiaeng hiện đã chủ động được nguồn kinh phí hoạt động, không phải chờ kinh phí giải ngân của tỉnh và trung ương như trước.
Tích cực gỡ khó, thúc đẩy đầu tư Việt – Lào
Hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2023 có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Theo thống kê, hiện doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 241 dự án với tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD.
Tháng 9/2023, trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ Ủy ban hợp tác hai nước Việt Nam - Lào, hai bên tập trung rà soát, đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021- 2025; xác định các nội dung trọng tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong những tháng cuối năm 2023 và đến hết giai đoạn 2021-2025. Đây là những nội dung có ý nghĩa và quan trọng.
Đồng chí Sonexay Siphandone - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn lãnh đạo cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm Khu liên hợp HAGL AGRICO Lào. Ảnh: Trường Hải |
Hai bên thống nhất trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phấn đấu hoàn thành tốt Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao; Tăng cường trụ cột hợp tác giữa hai nước về quốc phòng, an ninh; Thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế; Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước; Đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước…
Tập trung và ưu tiên nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực; Thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế hợp tác thông qua cơ chế Ủy ban hợp tác hai nước để phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam, ông Khamjane Vongphos cho biết, hai nước đã và đang tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, đặc biệt chú trọng tới việc thu hút các tập đoàn, công ty có năng lực tài chính và chuyên môn, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến và các vùng có tiềm năng dọc biên giới Lào-Việt Nam. Phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, bao gồm phát triển ngành năng lượng sạch mà Lào có nhiều tiềm năng như năng lượng gió, thủy điện và năng lượng Mặt Trời.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào nhấn mạnh trong thời gian qua, Chính phủ Lào đã coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc cắt bỏ các bước, khâu không cần thiết trong việc cấp phép đầu tư trong và ngoài nước, nhằm rút ngắn quy trình phê duyệt đầu tư cùng với việc tạo sự minh bạch của từng cấp quản lý và tạo môi trường thuận lợi về đầu tư, thương mại; khẳng định sự cải thiện này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Việt Nam đến đầu tư vào Lào một cách dễ dàng, có khả năng mở rộng cơ sở sản xuất tại các khu vực sản xuất của Lào, cũng như tham gia vào khu vực mậu dịch tự do dễ dàng hơn.