Trải nghiệm sáng tác thơ Haiku trên nền tảng Zoom
Ban tổ chức sẽ tiếp nhận đăng ký đến 09:00 ngày 3/6 (Thứ Sáu) hoặc đến khi đủ số lượng đăng ký.
- Thời gian: 09:00-11:00, 05.06.2022 (Chủ nhật)
- Địa điểm: Online (Zoom + Livestream Facebook)
- Giảng viên: CLB Haiku Việt Hà Nội
- Nội dung:
+ Tìm hiểu lịch sử, đặc trưng thơ haiku Nhật Bản cùng PGS. TS Nguyễn Thị Mai Liên
+ Trải nghiệm đọc và sáng tác thơ haiku tiếng Việt cùng haijin Đinh Nhật Hạnh và TS Đinh Trần Phương
- Thông tin chi tiết xin truy cập: https://www.facebook.com/events/5836235043069802/
- Đăng ký tại: https://bit.ly/haikuWS (cổng đăng ký mở từ 09:00 Chủ nhật 29/5)
*Link đăng ký chỉ dành cho quý vị muốn tham gia trải nghiệm sáng tác thơ Haiku trên nền tảng Zoom. Trong trường hợp quý vị chỉ muốn nghe giảng, quý vị vui lòng đón xem chương trình qua livestream trên Facebook https://www.facebook.com/japanfoundation.vietnam/
Thơ haiku là một thể thơ độc đáo của thi quốc Nhật Bản. Thơ haiku có tiền thân là những thể thơ dân tộc như waka (hòa ca) và renga (liên ca). Thơ haiku Nhật Bản phát triển qua hai giai đoạn: cổ điển và hiện đại. Thơ haiku có hình thức ngắn gọn, giản dị. Mỗi bài thơ cổ điển chỉ bao gồm 17 âm tiết (thi thoảng mới có 19 âm) chia làm 3 dòng 5/7/5, cứ hai dòng hiệp vần chân với nhau, không yêu cầu đăng đối.
Do tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm nên 17 âm tiết chỉ tương đương trên dưới 10 từ. Vì vậy, thơ haiku không diễn giải, lí luận dông dài. Nhà thơ hầu như chỉ gọi tên, hoặc phác họa một hoặc một vài hình ảnh rồi thả chúng vào hư không. Thơ haiku vì thế hạn chế dùng động từ, tính từ, trạng từ. Đó là thơ của danh từ với nhiều khoảng trống như khoảng trắng trong tranh thủy mặc. Cảm xúc của nhà thơ haiku không bộc lộ trực tiếp, là trữ tình nén sâu. Đề tài của thơ haiku cổ điển thường là thiên nhiên qua bốn mùa nên gọi là quý đề (kidai). Mỗi bài thường có từ chỉ mùa trực tiếp hoặc gián tiếp gọi là quý ngữ (kigo). Thơ haiku hiện đại mở rộng phạm vi đề tài, có thể về xã hội, tình yêu… Chủ đề của thơ haiku cổ điển là những triết lí uyên áo mà dung dị của Phật giáo Thiền tông như tương giao và hòa hợp, vô ngã vô thường, bình đẳng vô sai biệt, khoảnh khắc thực tại… Do yêu cầu đơn giản về hình thức nên thơ haiku đã lan tỏa theo hướng toàn cầu hóa.
Thơ haiku của người Việt gần gũi với haiku hiện đại Nhật Bản hơn là haiku cổ điển. Người Việt không cố gắng viết những bài thơ haiku có cấu trúc 5/7/5. Số lượng âm tiết cũng như cấu trúc thơ haiku của người Việt phóng khoáng và đa dạng, miễn sao phù hợp với cảm xúc biểu đạt. Thơ haiku Việt cũng viết về đề tài thiên nhiên nhưng là thiên nhiên Việt Nam. Ngoài ra, những vấn đề xã hội, đất nước, gia đình, tình yêu đôi lứa, trẻ thơ… cũng trở thành đề tài cho thơ haiku Việt. Qua đó, các nhà thơ haiku bày tỏ tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam; những suy tư, triết lí về cuộc sống, con người, xã hội…
Ở Việt Nam, cho đến năm 2007, thơ haiku chưa được phổ cập. Trước đó, cuối Thế kỉ XX, một số nhà thơ chỉ sáng tác thể nghiệm riêng lẻ. Ngày 24/6/ 2007, PGS Lưu Đức Trung (nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã thành lập Câu lạc bộ Haiku Việt đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm sau, tại Hà Nội ngày 20/5/2009, các nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, Lê Thị Bình, Nghiêm Xuân Đức… từ 3 Câu lạc bộ Thơ: Hải Thượng, Bích Câu và Bằng Lăng đã lập Câu lạc bộ Haiku Việt Hà Nội. Hai Câu lạc bộ haiku hai miền nói trên song song phát triển. Những bài thơ haiku Việt đầu tiên ở Hà Nội đã ra đời từ Câu lạc bộ Thơ Hải Thượng, được đăng tải trên Nội san Những vần thơ tâm tình từ năm 2007. Câu lạc bộ Haiku HN là thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Hà Nội.
Năm 2010, nhân Đại hội Liên hoan Thơ Thế giới tổ chức ở Hà Nội, Chủ tịch Hiệp Hội Haiku Thế giới (WHA) Ban’ya Natsuishi tham dự đã kết nạp một số thành viên của Câu lạc bộ Haiku Hà Nội vào Hiệp hội Haiku thế giới, từ đó thiết lập mối quan hệ thi ca ngày càng tốt đẹp giữa hai nước. Năm 2014, Chủ tịch WHA đã mời 2 đại biểu Câu lạc bộ Haiku Việt – Hà Nội dự Đại hội haiku Thế giới lần thứ 18 tại Tokyo. Từ đó, haiku Việt – Hà Nội mở rộng quan hệ giao lưu với Haijin thế giới: Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Rumania, Algeria…
Hiện nay, Câu lạc bộ Haiku Việt – Hà Nội đã phát triển Hội viên tại Nha Trang, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, An Giang… Câu lạc bộ đã tổ chức 2 Hội thảo về thơ haiku tại Hà Nội các năm 2014, 2016, mở cuộc thi sáng tác Thơ HKV lần I (2021)… Dự định sẽ mở Tọa đàm Haiku Việt lần thứ III tháng 10 - 2022...