Trách nhiệm thuộc về ai nếu xảy ra thiếu điện?
Những con số ám ảnh
Với một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng như Việt Nam, khoảng 6%-7%/năm khi chưa có dịch Covid-19, thì nhu cầu hàng năm về điện là rất lớn. Ước tính, yêu cầu tăng trưởng nguồn cung điện đều phải lớn hơn từ 1%-2% so với mức tăng trưởng kinh tế. Nếu không đáp ứng được tỷ lệ trên thì sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện cục bộ cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là trong những thời điểm nhu cầu sử dụng điện vọt lên rất cao vào những tháng nắng nóng đỉnh điểm.
Với những người làm công tác điều độ điều này không xa lạ gì. Ngay trong năm 2021 này, EVN đã phải điều chỉnh tải trong các ngày nắng nóng gay gắt vào đầu tháng 6 và 7 tại miền Bắc. Nếu không làm vậy thì chắc chắn không đảm bảo vận hành an toàn hệ thống. Điều này thì ai cũng biết, nhưng chỉ đáng tiếc là tình trạng như vậy sẽ không dừng lại ở năm nay.
Mùa nắng nóng có thể thiếu điện. |
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, giai đoạn từ năm 2021 - 2023, trong 3 tháng 5, 6 và 7, miền Bắc có thể thiếu hụt công suất khoảng 1.000-2.700 MW với phương án cơ sở, và 1.300-5.500 MW với phương án cao.
Nhưng sự bi đát chưa dừng ở đó, vào 2 năm tiếp theo là 2024 và 2025, tình hình tại miền Bắc sẽ ngột ngạt hơn, nhiều thời điểm công suất khả dụng có khả năng thiếu so với công suất đỉnh có thể lên tới 4.500-7.500 MW. Thực tế, đó là những con số không ai muốn nghĩ đến.
Đây đúng là nan đề với EVN, vì các nhà máy thuỷ điện sẽ suy giảm công suất khả dụng vào đúng thời gian cao điểm này, và éo le hơn nữa nguồn điện bổ sung cho miền Bắc thì lại vô cùng ít ỏi.
Lối thoát nào cho ngành điện?
Cũng như bất cứ một sản phẩm nào khác, với ngành điện thì khi thiếu hụt cũng chỉ có 2 cách, hoặc đầu tư nhà máy nguồn để sản xuất điện, hoặc đi mua điện, tất nhiên không ai hạn chế việc thực hiện song song 2 giải pháp.
Với giải pháp xây mới nhà máy phát điện, như loạt bài “Gỡ vướng thủ tục đầu tư cho ngành điện” tạp chí Thời Đại đã đăng, thì vấn đề thủ tục phê duyệt hiện đang là khúc mắc lớn nhất. 1 dự án nguồn điện đương nhiên không phải là 1 quán cà phê để sáng đàm phán, trưa đi thông báo rồi tối khai trương luôn. Với giá trị nhiều ngàn tỷ đồng, với bề rộng của ảnh hưởng và tác động…thì dự án nguồn điện đương nhiên phải làm cẩn trọng, nhưng cẩn trọng không có nghĩa biến quy trình thẩm định trở thành nguyên nhân của những hệ quả sau này. Không ít dự án cả nguồn lẫn lưới của EVN đang nhích từng bước theo đúng nghĩa đen của từ này. Có dự án còn quay trở lại đúng điểm bế tắc, ví dụ khi vấp phải vấn đề xin chuyển đổi đất rừng.
Cần tìm lối thoát cho ngành điện. |
Theo dự báo của cơ quan chức năng, mức tăng trưởng nhu cầu điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2025 là 8%/năm. Tuy nhiên vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu điện năm 2021 này chỉ khoảng 4%. Với các năm 2022 đến 2025 ước mức tăng trưởng gần 9%/năm. Như vậy, nhu cầu điện thương phẩm đến năm 2025 là 322 tỷ kWh, tương ứng điện sản xuất toàn hệ thống là 366,7 tỷ kWh. Đây là phương án 1. Với phương án 2 thì cao hơn phương án 1 là 11,6 tỷ kWh, tương ứng điện thương phẩm năm 2025 là hơn 332 tỷ kWh.
Nhìn chung, theo 1 chuyên gia thì về cơ bản có thể đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Trung. Với miền Nam thì việc cung ứng điện sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ các trung tâm điện khí như khí Lô B - Ô Môn, Nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3,4, Hiệp Phước...Còn với miền Bắc thì mọi việc căng thẳng hơn rất nhiều, do gần như không có nguồn đáng kể bổ sung nên chỉ cần có sự cố tổ máy hoặc sự cố đường dây 500kV (đoạn mạch kép Hà Tĩnh - Nho Quan) là gây bất ổn.
Thiếu điện dẫn đến cắt điện là điều không ai muốn, EVN lại càng không vì lúc này “trăm dâu sẽ đổ đầu tằm”, còn “đổ” chính xác hay không thì chưa phải lúc bàn đến.
Nhưng thực tế là vậy, trong khả năng hạn chế thì ngoài việc mua điện từ các quốc gia khác, ví dụ như Lào, thì giải pháp “biết rồi khổ lắm, nói mãi” vẫn là đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy phát điện và lưới.
Nhưng đúng là “khổ lắm, nói mãi”, mọi việc từ nhận diện nguyên nhân đến phương án tháo gỡ dù đều được giải trình, gợi ý, đề xuất…nhưng sự thay đổi không rõ vì sao vẫn còn rất, rất xa mới được như mong đợi.
Mới đây trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương có nêu rõ là trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện. Vâng, có lẽ không có gì dễ dàng bằng việc nêu lên mục tiêu, nhưng còn đạt được hay không thì lại là chuyện khác.
Còn khoảng 6 tháng nữa là đến mùa hè năm 2022, mùa cao điểm cung ứng điện, không lẽ giờ lại trông vào may rủi từ thời tiết!
Bài 3: Tháo nút thắt từ đâu để không thiếu điện? Thiếu điện có lẽ là một thảm họa không ai muốn xảy ra, và để không thiếu thì chỉ có hai cách, một là giảm nhu cầu sử dụng (đương nhiên là không thực tế) và thứ hai là tăng nguồn cung. Điều này ai cũng hiểu, nhưng muốn tăng nguồn cung theo kịp nhu cầu phụ tải thì phải gỡ vướng các rào cản trong thủ tục đầu tư. Vậy bắt đầu gỡ từ đâu? |
Bài 2: Những dự án tưởng chừng vô định Nhiều người nếu được biết về sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án của ngành điện sẽ rơi vào cảm giác như đang đọc truyện viễn tưởng, nhưng rất tiếc đó là thực tế hiện nay. |
Bài 1: Dự án “đắp chiếu” vì chờ quy hoạch sử dụng đất Trong lúc tin tức về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thông tin Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh có vẻ không thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, Việt Nam có nên bàng quan trước những sự kiện này hay không? |