Ông Nguyễn Anh Tuấn: Cải cách ngành điện không chỉ vì lợi ích của EVN
Luật Điện lực cần đảm bảo những nguyên tắc lớn
-Thưa ông, dự án Luật Điện lực sửa đổi đang được lấy ý kiến các cơ quan chức năng, là người đứng đầu Ban điều hành Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo ông, ở tầm vóc của một đạo luật có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế thì dự luật này cần tiếp cận theo hướng nào?
-Nói chung một đạo luật chỉ cần mang một số nguyên tắc chủ đạo, còn những vấn đề khác cứ bám theo đó mà triển khai. Với Luật Điện lực sửa đổi, tôi cho rằng cần đảm bảo hai nguyên tắc chính yếu và quan trọng nhất, đầu tiên là đảm bảo an ninh về năng lượng điện quốc gia và thứ hai là đảm bảo rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của các bên, hay nói khác là tạo sân chơi bình đẳng sự công bằng và minh bạch cho tất cả các bên khi tham gia vào hoạt động điện lực.
-Nói về yếu tố đầu tiên, thưa ông, vì sao ông nhấn mạnh khía cạnh đảm bảo an ninh năng lượng điện lực quốc gia?
-Đơn giản vì đó là tất cả, chúng ta cần phải lưu ý rằng an ninh năng lượng ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế, hay nói rộng hơn là an ninh quốc gia. Vì vậy nếu an ninh năng lượng không được đảm bảo thì hậu quả sẽ rất lớn, và quan trọng nhất là tất cả những câu chuyện khác trong luật sẽ là vô nghĩa nếu điều này không được đảm bảo an toàn.
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn (đứng cạnh bên trái) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thị sát thi công đường dây 500 kV mạch 3 |
-Vô nghĩa, ông có thể nói rõ hơn?
-Luật Điện lực là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định tất cả các nội dung trọng yếu về lĩnh vực điện năng, từ quản lý nhà nước nói chung cho đến thị trường điện, từ phân vai trong quy hoạch cho đến các nguyên tắc cũng như tiêu chí thực hiện…Nhìn chung các vấn đề, các nội dung quan trọng nhằm mục tiêu phát triển điện năng quốc gia một cách bài bản và dài hạn đều được thể hiện ở trong đó. Nhưng chúng ta cần thống nhất với nhau là những điều này chỉ có ý nghĩa khi điện năng quốc gia được đảm bảo. Còn một khi xảy ra khủng hoảng thì bản chất câu chuyện đã khác, các yếu tố còn lại thực tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa vì khi ấy phải ưu tiên những việc quan trọng và cần kíp hơn. Tôi ví dụ với một nhà máy nguồn trọng điểm, nếu vì lý do này khác mà cứ chậm liên tục, gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện thì phải có luật để xử lý ngay, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề. Thực tế là như vậy, một dự án nhà ở chậm thì không sao, nhưng với ngành điện thì khác hẳn.
-Nói cách khác, thưa ông, tất cả các nội dung khác cần được chi phối bởi an ninh năng lượng?
-Đúng vậy, đây cần được coi là yếu tố hàng đầu, và khi đã có nguyên tắc như thế thì các văn bản dưới luật cứ bám sát vào đó mà hướng dẫn thi hành.
-Với nguyên tắc lớn thứ hai thì sao, khi ông cho rằng phải thiết lập các yếu tố công bằng và minh bạch với tất cả các bên liên quan, vậy bên liên quan ở đây gồm những ai, thưa ông?
-Đó là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tất cả các bên phải được tiếp cận thật bình đẳng, quyền lợi hợp pháp của mỗi bên phải được pháp luật bảo đảm công bằng, hài hoà và minh bạch. Có như vậy thì mới có sự phát triển thật sự bền vững.
-Nói vậy thì hơi chung chung, thưa ông, cụ thể hơn sẽ là gì?
-Giờ chúng ta nói tạo ra sân chơi công bằng thì phải đặt câu hỏi nếu người chơi bị thiệt hại thì có gì để bù lại hay không? Và phải làm được như vậy mới gọi là bình đẳng, mới thu hút được đầu tư và từ đó mới có sự ổn định lâu dài về nguồn cung điện.
Đó là nói về nhà đầu tư, còn với người sử dụng, cùng là một bên liên quan thì chúng ta cũng cần tiếp cận đầy đủ. Hiện nay chúng ta mới nói nhiều đến trách nhiệm của điều độ quốc gia, trách nhiệm của bên bán điện trong vấn đề đảm bảo an toàn…nhưng với người sử dụng thì đâu có phải chỉ đảm bảo an toàn là đủ, cái cần với họ là một chính sách hết sức minh bạch.
Khái quát lại là yếu tố công bằng và minh bạch tôi nêu lên là làm sao đảm bảo lợi ích một cách phù hợp nhất, hài hoà nhất cho các bên liên quan từ nhà nước, doanh nghiệp và người mua điện. Đây là điều hết sức quan trọng, cần được coi là nguyên tắc chi phối các nội dung luật, vì thực tế chỉ khi làm được như vậy thì chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phát triển bền vững.
Giá điện đang cần một sự thay đổi
-Cứ mỗi lần giá điện điều chỉnh là dư luận lại thêm một lần dấy lên những băn khoăn về hiệu quả hoạt động của EVN, thưa ông, một đề xuất cải tổ có ý nghĩa lâu dài của ông về giá điện sẽ là gì?
-Giá bán điện thực sự là vấn đề cần phải thay đổi, và một sự thay đổi mang tính cách mạng với giá bán điện sẽ tác động tích cực đến phương cách tiêu dùng của người sử dụng điện, và qua đó tạo nên sự công bằng thật sự.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN thì việc cải cách phương thức tính giá bán điện sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội |
-Mang tính cách mạng?
-Chính xác, vì đây là yếu tố tác động đến toàn xã hội, tất cả đều chịu ảnh hưởng, dù là doanh nghiệp, cơ quan hành chính hay người dân. Như mọi người đều biết, hiện nay giá đang bù chéo giữa các nhóm khách hàng và tồn tại nhiều điều không phù hợp. Giá bây giờ vẫn tính theo các thành phần phụ tải thương mại, dịch vụ, sản xuất, rồi hành chính sự nghiệp..v.v..rồi mỗi lần điều chỉnh giá lại tăng đều các nhóm lên. Vì vậy thực sự cần cải tổ, và làm vậy cũng chính là đảm bảo nguyên tắc lớn là công bằng và bình đẳng như tôi nói ở trên.
-Có khó không, thưa ông?
-Không khó, vì thế giới làm rồi, ví dụ thị trường Bắc Âu họ chỉ có chỉ có hai loại giá thôi, giá cho sinh hoạt là thứ nhất, và thứ hai là tất cả những gì ngoài sinh hoạt.
-Lợi ích là gì, thưa ông?
-Là điều chỉnh hành vi khách hàng sử dụng điện trên khắp các lĩnh vực. Anh phải lựa chọn sử dụng điện với giá khác nhau theo mùa trong năm, theo thời điểm trong ngày, khi hệ thống huy động giá cao thì trả giá cao, khi hệ thống huy động giá thấp thì trả giá thấp. Với doanh nghiệp cũng vậy thôi, khi điện cho sản xuất không được hỗ trợ nữa thì anh phải tiết kiệm. Mặt khác, để tiết kiệm điện thì anh cũng phải đầu tư vào công nghệ mới, tất nhiên có tốn kém nhưng sẽ thu được lợi ích lâu dài.
Còn với người dân nếu dùng nhiều thì lựa chọn giá theo thời điểm, còn dùng ít thì theo giá bậc thang để có lợi nhất. Do đó, khi ngoài sinh hoạt của người dân thì phải trả tiền cùng một mức giá giống nhau sẽ rất có lợi. Còn chuyện giá hai thành phần là đương nhiên rồi, không chỉ cho bên mua và còn cả bên bán nữa.
-Nếu vậy thì giá bán cho hộ nghèo tính sao?
-Không vấn đề gì, chính sách an sinh cho hộ nghèo Nhà nước hoàn toàn có thể làm tốt, ví dụ hỗ trợ theo tháng một khoản tiền. Nguồn hỗ trợ có thể lấy từ doanh nghiệp tham gia hoạt động điện lực.
-Thưa ông, nếu đã nhìn thấy những lợi ích như vậy thì vì sao chưa thể cải cách?
-Tôi nghĩ việc gì cũng cần thời gian, đặc biệt với giá điện. Đây là nội dung vừa có tính lịch sử và rất nhạy cảm nên càng cần sự đồng thuận của xã hội và sự chia sẻ của các cấp thẩm quyền.
-Giá chỉ là một phần của ngành điện, vậy để cải tổ toàn bộ, theo ông, đâu là một mô hình phù hợp trong tương lai?
-Vấn đề này cần có cái nhìn bao quát hơn, nhưng để giản lược hoá thì chỉ cần hình dung Nhà nước giữ cái gì và để cho thị trường làm cái gì.
-Chỉ vậy thôi?
-Chính xác, nói ngắn gọn là như vậy, còn chi tiết thì căn cứ vào điều kiện thực tế, căn cứ vào thông lệ và kinh nghiệm của các quốc gia khác cũng như những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam để từ đó đưa ra quyết sách cụ thể.
-Vậy Nhà nước nên giữ những gì, thưa ông?
-Về nguồn thì những nhà máy lớn, nhà máy đa mục tiêu, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia thì Nhà nước giữ, còn lại từ 1500 MW đổ xuống thì không cần thiết. Về lưới thì từ 220 kV đổ xuống cũng không cần giữ, để cho tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí về kỹ thuật và đảm nhiệm công tác vận hành, tất nhiên khi ấy cũng phải có một mức phí truyền tải cho phù hợp.
-Còn bán lẻ thì sao, thưa ông?
-Theo tôi bán lẻ thì nên buông hẳn, ở khâu này Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách, chứ nếu can thiệp chi tiết đến cả mức giá thì còn gì là thị trường bán lẻ cạnh tranh nữa. Do điện là ngành đặc thù nên hệ thống lưới không thể nào đầu tư quá nhiều rồi gây lãng phí được. Nhà nước đưa ra giá trần là chỉ được áp dụng thế này thôi, và giá sàn thì không được đưa ra mức giá xuống quá thấp để cạnh tranh không lành mạnh, và các doanh nghiệp cạnh tranh trong biên độ đó.
Khi ấy Nhà nước đảm bảo thu phí thống nhất trên toàn quốc với nhà đầu tư bán lẻ. Doanh nghiệp bán lẻ cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng…thì phải cạnh tranh nhau về chất lượng, nếu làm tốt thì chênh lệch thu về cao, còn không thì ngược lại. Tiền phí kia doanh nghiệp trả cho nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn khi phát triển khách hàng mới anh thông báo cho Nhà nước để Nhà nước đầu tư, tiền đầu tư bao nhiêu thì anh tính toán để trả cho Nhà nước. Lúc này các tổng công ty phân phối chỉ quản lý lưới thôi.
Nói khái quát về hướng cải cách các lĩnh vực chính của ngành điện như vậy để chúng ta dễ hình dung về vị trí của quản lý Nhà nước, của nhà đầu tư cũng như về quyền lợi của khách hàng. Khi thị trường điện được thiết kế rõ ràng về vai trò, chức năng, khi các quyền và nghĩa vụ được luật hoá thì sẽ có cơ sở vững chắc để phát triển thị trường điện, có điều kiện để thu hút nhà đầu tư cũng như có nền tảng để đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng điện ngày một chất lượng hơn.
-Ông tâm niệm thế nào về mục tiêu lớn này?
-Nói rất thật lòng là tôi luôn suy nghĩ về việc này, vì những cải cách này sẽ có lợi cho toàn xã hội chứ không phải vì lợi ích riêng của EVN!
Nỗi lo cung ứng điện
-Thưa ông, trở lại vấn đề thời sự là cung cấp điện, sau khủng hoảng thiếu điện năm 2023 thì năm nay và 2025 khả năng cung ứng điện thế nào?
-EVN sẽ nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống, năm nay và 2025 chắc sẽ ổn thôi.
-Những giải pháp được EVN áp dụng là gì thưa ông?
-Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vì việc này đưa lại hiệu quả rất lớn. Ví dụ việc đưa hệ thống giám sát online với các nhà máy nguồn đã tăng mức độ linh hoạt của hệ thống lên rất cao. Trên thực tế tăng đến 10% công suất huy động của năng lượng tái tạo. Vì vậy năm nay có thời điểm EVN huy động đến hơn 40% từ năng lượng tái tạo mà hệ thống vẫn ổn định. Tất nhiên việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ cũng có rào cản vì những năm vừa rồi EVN lỗ cho nên việc đầu tư cũng khó.
Còn dài hơi hơn thì với các dự án của EVN cố gắng năm 2026 sẽ vào sớm, ví dụ như Quảng Trạch 1. Cùng với đó là Hoà Bình mở rộng, Ialy mở rộng EVN sẽ nỗ lực xong sớm hơn so với kế hoạch. Bên cạnh đó thì EVN sẽ đẩy mạnh việc mua điện từ Trung Quốc và Lào, và đây cần coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài.
-Vì sao, thưa ông?
-Theo tôi, chúng ta cần tiếp cận việc mua điện với tư duy chiến lược. Ví dụ với Trung Quốc, mình cần đầu tư đường dây 500kV và có một kế hoạch mua điện lâu dài. Chứ chỉ khi thiếu mới mua ít một thì sẽ rất khó. Nhân đây, tôi muốn nói với nội dung hợp tác quốc tế cũng cần mở rộng hơn, mình không chỉ mua của Trung Quốc hay Lào mà có thể cả Thái Lan thông qua Cam Pu Chia. Mục tiêu ở đây là mình mở rộng liên kết năng lượng trong khối ASEAN, qua đó tăng cường ổn định năng lượng không chỉ cho riêng Việt Nam, một hướng đi phù hợp với xu thế và cần có trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
-Một trong những yếu tố quan trọng để không xảy ra thiếu điện là ý chí quyết tâm thực hiện các dự án, từ câu chuyện đường dây 500kV mạch 3 có thể rút ra điều gì, thưa ông?
-Tại hội nghị đầu tư công mới đây do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tôi có phát biểu là việc Thủ tướng trực tiếp kiểm tra và động viên công nhân tại công trường đã tạo nên một không khí hăng say thi công chưa từng có với dự án nào trước đây.
Từ thực tế này có thể thấy rằng, với những dự án trọng điểm thì vai trò của người đứng đầu cũng như sự vào cuộc cả hệ thống chính trị có ý nghĩa thật sự quyết định.
-Trân trọng cảm ơn ông!