Bài 3: Tháo nút thắt từ đâu để không thiếu điện?
Tháo nút thắt từ đâu để không thiếu điện? |
EVN đương nhiên cảm nhận rõ rệt nhất sức ép của nguy cơ thiếu điện. Hiện tại, khả năng thiếu điện cục bộ cho miền Bắc trong năm 2022 đã không còn là ẩn số. Vậy phải bù nguồn từ chỗ nào? Về lý thuyết thì tất nhiên là từ các nguồn cung dư thừa (ví dụ tải điện từ miền Nam ra), rồi từ việc xây dựng các nhà máy phát điện mới…nhưng muốn làm được vậy thì các dự án truyền tải và nguồn phải rất, xin nhấn mạnh là rất nhanh chóng được triển khai.
Nhưng “Hà Nội có vội được không”? Ban lãnh đạo của EVN ở ngay tại trung tâm Thủ đô dù mong muốn nhanh chóng nhưng quy định quản lý hiện hành có tương thích hay không lại là vấn đề. Trong hai bài trước chúng tôi đã đề cập đến sự lỗi nhịp giữa một bên là mong muốn của thực tế cuộc sống, và một bên là chính sách điều chỉnh thực tế.
Ở đây rõ ràng có hiện tượng chính sách không theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn. Điều này càng rõ nét hơn khi năm 2020 và 2021 là thời điểm có rất nhiều các luật, nghị định về đầu tư xây dựng có hiệu lực. Đó là Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật Đầu tư số 61/2020/QH14; Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14…
Thực tế này dẫn đến hệ quả là chưa thể khớp nối nhuần nhuyễn các quy định với nhau, từ đó dẫn đến cơn “ác mộng” mà EVN lo ngại nhất là thời gian thụ lý hồ sơ đầu tư dự án buộc phải kéo dài khi đi qua nhiều tầng nấc thẩm định ở nhiều cơ quan chức năng.
Đương nhiên ngành nào cũng có lý của mình khi đề xuất những quy định đặc thù để kiểm soát thực tiễn. Cho nên, cái khó của EVN giờ đây là việc chọn đột phá khẩu ở khâu nào để rút ngắn quy trình cho hiệu quả? Sở dĩ phải nêu thêm từ hiệu quả vì nếu EVN chọn lệch mục tiêu, ví dụ xin sửa luật chẳng hạn, thì đúng là “chờ được vạ thì má đã sưng” bởi thời gian sửa đổi, bổ sung một luật hiện hành phải đi qua rất nhiều công đoạn.
Một chuyên gia kinh tế cho biết điều cần thiết trước mắt là gỡ ngay những nút thắt về thẩm quyền phê duyệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp hơn nữa. Song song với đó, là việc cân nhắc đề xuất cơ chế riêng cho các dự án có tính chất đặc thù của ngành điện dựa theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô…
Công việc thì nhiều và chưa bao giờ đơn giản, nhưng nếu ôm đồm và cầu toàn thì rất có thể trong một tương lai rất gần thôi chính nền kinh tế sẽ bế tắc khi đau đớn đi tìm lời giải cho bài toán thiếu điện!