Tôi bất lực nhìn con mình gục ngã trước áp lực điểm số
Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ 'Trường dạy kiểu gì mà 42/43 em một lớp có giấy khen học sinh giỏi' Tranh cãi gay gắt chuyện bắt học sinh quỳ sẽ hết hư |
Christine Burke
Blogger
Christine Burke là biên tập viên của Grown and Flown, một chuyên trang chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ ở Mỹ. Bà Burke cũng sở hữu trang web www.keeperofthefbeanloops.com chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con. Bài viết của bà Burke được đăng tải trên các ấn phẩm về gia đình nổi tiếng ở Mỹ như Today Show, Today Parenting Team, Scary Mommy. Đây là quan điểm của bà về áp lực học tập của trẻ em và kỳ vọng của cha mẹ đặt lên con cái. Zing.vn chuyển ngữ với sự đồng ý của tác giả.
Cảm giác tội lỗi bủa vây khi tôi cảm thấy bất lực, không thể bảo vệ con mình trước những khó khăn đi quá sức chịu đựng của một học sinh. Con trai tôi mới 15 tuổi và áp lực thành tích nặng nề, nỗi lo điểm số đang dần dần bào mòn thằng bé.
Hè năm ngoái, thằng bé lên lớp 11 và được chọn vào lớp bồi dưỡng môn Lịch sử dù điểm thi thấp hơn yêu cầu một chút. Cô giáo ở trường có nói với tôi đây là cơ hội tốt để nâng cao điểm số, đánh bóng hồ sơ vào đại học.
Nhưng cô cũng cảnh báo: Nếu theo học lớp bồi dưỡng, con trai tôi sẽ buộc phải “chiến đấu” bởi cường độ học rất nặng và mức độ kiến thức khó hơn rất nhiều. Với lượng bài tập khổng lồ, thằng bé có thể phải thường xuyên thức đêm để hoàn thành.
Vợ chồng tôi trăn trở điều này hàng đêm. Yêu cầu càng cao, bọn trẻ càng bị căng thẳng. Đổi lại, con đường vào đại học có thể sáng sủa hơn.
Tôi tham khảo giáo viên ở trường, hỏi ý kiến bạn bè. Một số thì khuyên con tôi nên tham gia vào các lớp học có guồng quay “khắc nghiệt” nhất. Số khác thì lại bảo nếu suốt ngày cắm đầu vào học thì làm sao con có vốn sống hay được rảnh tay vui chơi với bạn bè đồng trang lứa.
Sau rất nhiều ngày cân đong đo đếm, suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định cho con theo học lớp nâng cao. Thằng bé có thể rút lui bất cứ lúc nào nếu cảm thấy quá tải.
Rất nhanh, tôi hối hận vô cùng vì lựa chọn đó.
Ám ảnh vô thức về điểm số
Tất cả những gì tôi chứng kiến là cảnh con mình phải ở lại trường đến 11 giờ đêm, 4 buổi một tuần để cố gắng bắt kịp tiến độ lớp học.
Con trai tôi phải dành hàng giờ liền vào cuối tuần để nhồi nhét mớ kiến thức dày đặc, chứa đầy các khái niệm dài dằng dặc mà tôi e là sẽ trôi tuột khỏi đầu khi kiểm tra xong. |
Thằng bé phải dành hàng giờ liền vào cuối tuần để nhồi nhét mớ kiến thức dày đặc, chứa đầy các khái niệm dài dằng dặc mà tôi e là sẽ nhanh chóng trôi tuột khỏi đầu con khi bài kiểm tra kết thúc.
Tôi cũng từng chứng kiến con trai mình ái ngại từ chối tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè vì bận học.
Áp lực đè nặng từ lớp học nâng cao khiến những sở thích, nhu cầu giải trí như bao thiếu niên bình thường khác buộc phải nhường chỗ cho việc gắn chặt vào bài vở, không dám rời bàn học.
Tôi đã ở đó, chứng kiến con trai mình gục ngã trước sức ép quá lớn, nước mắt tuôn rơi cùng tình trạng kiệt sức.
Là một người mẹ, tôi cảm thấy bất lực trước cảnh tượng đau lòng đó.
Hơn chục năm trước, khi cả gia đình chuyển sang thành phố khác sinh sống, tôi mất ngủ triền miên vì lo lắng cho chuyện đi học của bọn trẻ.
Quy định về độ tuổi lớp mầm non ở các thành phố khác nhau. Con gái tôi khi đó mới ba tuổi - cái tuổi lỡ cỡ ở thành phố mới. Tôi phải lựa chọn: cho con học với các bạn nhỏ tuổi hơn, hoặc làm bài kiểm tra đánh giá để xác định xem con bé có đủ điều kiện theo học cùng những đứa trẻ lớn hơn không.
Tôi lo là nếu học với những đứa trẻ nhỏ hơn, con gái mình sẽ nản và khó hòa nhập khi phải học lại một số thứ đã biết. Còn nếu nhảy cóc, con bé sẽ khó mà bắt kịp.
Cha mẹ luôn cố tạo sức ép để con cái đạt điểm số cao nhất, thậm chí coi áp lực học hành là thứ mà những đứa trẻ buộc phải trải qua. |
Tôi không biết rằng chính những trăn trở với chuyện học hành của một đứa trẻ ba tuổi là khởi nguồn cho nỗi ám ảnh về điểm số của con cái sau này.
Có lẽ cái câu “điểm số không nói lên tất cả” hay “học thế nào cũng được miễn là con cố hết sức” được các bậc làm cha làm mẹ thuộc nằm lòng. Ấy vậy mà bằng nhiều cách, cha mẹ luôn cố tạo sức ép để con cái đạt điểm số cao nhất, thậm chí coi áp lực học hành là thứ mà những đứa trẻ buộc phải trải qua.
Bằng cách nào đó, cha mẹ luôn mặc định con cái càng gặp nhiều thử thách trong học tập, kết quả càng có chiều hướng đi lên. Theo đó, việc giải quyết hết chồng bài tập cao ngất cùng áp lực phải thành công, tâm lý luôn trong tình trạng “căng như dây đàn” là một trải nghiệm cần thiết và tất yếu khi đi học.
Đừng để người ngoài phán quyết
Tuy nhiên, hơn ai hết, cha mẹ là những người nên thấu hiểu rõ nhất điều gì đúng đắn và phù hợp nhất với con cái, cũng như con mình có khả năng đến đâu.
Nếu như có cơ hội quay lại, tôi sẽ tin rằng con mình không cần điểm số cao hay danh hiệu nào để chứng minh là người giỏi nhất.
Tôi ước rằng mình đã không quá đặt nặng chuyện con phải vào được những lớp có những học sinh ưu tú hay phải đạt được thành tích đầu bảng để trúng tuyển trường đại học mong muốn.
Và tôi thật sự mong mỏi, những đứa trẻ sẽ không còn bị đánh giá bằng các tiêu chuẩn do chính các bậc phụ huynh tự gán lên con cái.
Với những cha mẹ đang lo lắng con mình không được nhìn nhận đúng năng lực, hãy cứ bình tâm và đừng để người ngoài phán quyết. Chỉ chính chúng ta mới hiểu đâu là lựa chọn thích hợp nhất cho con mình.
Với những cha mẹ còn đang hoang mang khi mọi người xung quanh đều nói rằng con bạn sẽ thất bại nếu không đạt thành tích nổi trội, hãy cứ để con trẻ tận hưởng niềm vui đến trường.
Hãy nói với con: không học lớp giỏi nhất, không đứng đầu lớp cũng đâu có sao. Sẽ chẳng có kết cục tồi tệ nào xảy ra nếu con cái chúng ta quyết định không theo đuổi một thứ mà bản thân chúng chưa sẵn sàng, hoặc chưa đủ khả năng xoay xở.
Với cá nhân tôi, bảng điểm hay thành tích thời đi học đã không còn mối liên hệ nào với cuộc sống sau này kể từ ngày tốt nghiệp. |
Trên thực tế, các thế hệ cha mẹ lại là minh chứng rõ nhất cho điều này. Nhiều bậc phụ huynh từng trải qua thời đi học mà không hề bận tâm ganh đua thành tích hay xếp hạng bao nhiêu.
Bằng cách này hay cách khác, cuối cùng, bậc cha mẹ vẫn thành công và có công ăn việc làm ổn định. Với cá nhân tôi, bảng điểm hay thành tích thời đi học đã không còn mối liên hệ nào với cuộc sống sau này kể từ ngày tốt nghiệp.
Mọi thứ sẽ dễ thở hơn nhiều nếu cha mẹ chịu lùi lại để có cái nhìn tổng quan hơn và nhận ra quá nhiều kỳ vọng đặt lên đôi vai con cái chẳng thể đem lại kết quả tích cực.
Bởi chẳng cha mẹ nào muốn con mình nhớ về thời đi học với những kỷ niệm chỉ xoay quanh việc nửa đêm vẫn đang mắc kẹt trong đống bài vở ngồn ngộn, mỏi mệt và bực tức liên tiếp không ngừng.
Đặt bản thân trong tình huống đó, chính cha mẹ cũng đâu mong muốn điều tương tự.
Xem thêm:
“Là mẹ, tôi chắc chắn sẽ không để con phải quỳ trong lớp học” Trẻ con, đánh nó một vài lần thì nó sợ. Nếu ngày nào cũng đánh, ắt nó không sợ nữa, nó sẽ có xu hướng ... |
Quỳ không chết, con hư mới chết! Quỳ một lần để sám hối cái sai không chết được, chỉ sợ dung túng cho con trước cái sai, từ đó sinh ra cái ... |
Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh (TĐO) - Nếu có một ngày nào đó con trai mình cũng hâm mộ hay hứng thú với một nhân vật như Khá Bảnh mình ... |