Tổ chức phi chính phủ nước ngoài vi phạm có thể bị phạt lên tới 30 triệu đồng
Từ ngày 14-21/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 8 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết: Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban pháp luật, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, Ban công tác đại biểu, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý năm dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, gồm Luật du lịch (sửa đổi), Luật đường sắt (sửa đổi), Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật quản lý ngoại thương.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh lý của các dự án luật nêu trên. Sau phiên họp này, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, đồng thời, tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật và khẩn trương hoàn thiện các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Đối với dự án Luật quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban kinh tế của Quốc hội phối họp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2017 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bốn dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3: Luật thủy sản (sửa đổi), Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi).
Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự án luật nêu trên để trình Quốc hội, tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến bước đầu tại phiên họp, để nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hưu quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo các luật nêu trên theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết liên tịch này để quy định cụ thể Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bảo đảm các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi, khả thi, chất lượng, hiệu quả, không chồng chéo, trùng lắp. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thầm tra tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo quy định của pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về mức phạt tiền đối đa đối với các hành vi hành chính trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam là 30 triệu đồng và mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo là 20 triệu đồng. Đồng thời giao Ủy ban pháp luật của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung này gửi Chính phủ để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại.
6. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và nhất trí việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy để kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong tĩnh hình mới. Đồng thời, cơ bản tán thành những nội dung quy định trong dự thảo Nghị định; tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành khác. Giao Thường trực ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung và gửi đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan để tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định.
7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Đề án tự chủ của Viện nghiên cứu lập pháp.
Theo Tờ trình của Chính phủ các hành vi vi phạm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam: Vi phạm điển hình thường là cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động, lập văn phòng đại diện và văn phòng dự án tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép đăng ký; vẫn triển khai các dự án khi chưa triển khai gia hạn giấy phép đăng ký; thuê trụ sở làm việc không xin phép hoặc không đúng địa chỉ như trong giấy đăng ký... thậm chí có một vài tổ chức tham gia hoạt động xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc hoặc có hoạt động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như tác động vào cải cách thể chế, sửa đổi pháp luật, ra thông cáo, thư ngỏ vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo...
Đối với những vi phạm trong lĩnh vực này, Chính phủ kiến nghị mức phạt tối đa là 30 triệu đồng - đây là mức thấp nhất trong mức xử phạt thấp nhất được quy định tại điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, Chính phủ kiến nghị mức xử phạt tối đa là 20 triệu đồng.
Nam Thanh