Tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ bình đẳng giới
Giáo dục về bình đẳng giới cho trẻ em gái dân tộc thiểu số
Ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam, nhiều hủ tục còn tồn tại ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Lễ ra mắt CLB Nữ sinh Mở đường đến Tương lai tại tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: VinaCapital Foundation). |
Mong muốn mang đến cơ hội phát triển, hiểu biết về bình đẳng giới cho trẻ em gái dân tộc thiểu số và góp phần xóa bỏ hủ tục, năm 2019, tổ chức VinaCapital Foundation phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính thành lập Câu lạc bộ Nữ sinh Mở đường đến Tương lai. Với sự đồng hành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên tại địa phương, câu lạc bộ trang bị kiến thức cho nữ sinh dân tộc thiểu số về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, hiểu biết về tài chính, kỹ năng lãnh đạo và các quyền hợp pháp.
Như Quỳnh, dân tộc Sán Dìu (Ảnh: VinaCapital Foundation). |
Là một trong 60 nữ sinh tham gia thí điểm CLB tại Thái Nguyên từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Như Quỳnh đã có sự cải thiện đáng kể về nhận thức, lòng tự trọng và sự phát triển bản thân. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Sán Dìu khó khăn, Quỳnh lớn lên với sự tự ti.
Em gặp khó khăn trong giao tiếp, thường bị bắt nạt, thiếu hiểu biết về nền văn hóa của dân tộc mình và thế giới bên ngoài. Em chia sẻ: “Qua CLB, em thấy mình có sự thay đổi lớn. Em đã hòa đồng hơn, cởi mở hơn. Em có thêm dũng khí và tự tin để nói lên suy nghĩ của mình, thể hiện sở thích và sở trường”.
Dự án đã được triển khai dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Nam và thu được nhiều kết quả tích cực: 880 nữ sinh dân tộc thiểu số tham gia CLB tại tỉnh Thái Nguyên, Quảng Nam và Trà Vinh, 22 phòng học đa phương tiện được trang bị cho các CLB, 2,871 học sinh nữ dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ giai đoạn mở rộng.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số
Từ tháng 7/2017 đến 12/2021, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số”, được ActionAid phối hợp với Liên minh châu Âu đồng tài trợ và các đối tác địa phương triển khai tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Sau 4 năm hoạt động, dự án đã hỗ trợ thành lập 2 phòng khám có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, tay nghề, liên kết trực tiếp với hệ thống bảo hiểm quốc gia. Hơn 90.000 thanh niên, phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng.
Phụ nữ dân tộc thiểu số nghe hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại phòng khám Đa khoa Tân Hà thuộc huyện Lân Hà, tỉnh Lâm Đông (Ảnh: ActionAid). |
Chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện dự án, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho biết: “Tại Đắk Lắk, tôi được gặp nhiều chị em tham gia nhóm phát triển cộng đồng là nhóm nòng cốt thực hiện các chương trình và dự án do ActionAid tài trợ tại địa phương. Có chị còn rất trẻ đã có 4 con, mỗi cháu là kết quả của một vòng tránh thai bị tuột.
Nhiều chị em cũng chia sẻ rằng, trước đây họ thường phải đi quãng đường cả trăm km để khám bệnh phụ khoa hoặc chấp nhận lờ đi những khó chịu và đau đớn mà các bệnh này đem lại. Nhiều người chưa từng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mình và người thân trong gia đình vì quan niệm cũ coi đây là vấn đề nhạy cảm, kiêng kỵ. Qua bốn năm tham gia dự án, nhiều chị em đã thay đổi nhận thức này và chủ động vận động gia đình mình và cộng đồng chú ý chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần gìn giữ chất lượng nòi giống và chất lượng cuộc sống của mình".
Đào tạo nghề cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình
Ra đời vào ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2018, HopeBox là doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực chống bạo lực giới. Cái tên HopeBox từ sản phẩm đầu tiên của doanh nghiệp: suất ăn trưa đóng hộp cho nhân viên văn phòng. Chị Đặng Thị Hương, người sáng lập và điều hành HopeBox, chia sẻ: Chứng kiến người thân bị chồng bạo hành trong nhiều năm, chị luôn mong muốn giúp đỡ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Qua quá trình học tập tại Úc, chị nhận thấy để phụ nữ tự tin rời khỏi môi trường bạo lực, cần cho họ cơ hội được làm việc, tự chủ về tài chính.
Sau nhiều khó khăn, nhiều lần thay đổi chiến lược, HopeBox hiện cung cấp các sản phẩm bánh kẹo, quà tặng do những phụ nữ từng là nạn nhân bạo lực gia đình tự tay thực hiện. HopeBox hiện đã có văn phòng tại Úc phục vụ việc huy động vốn và lên kế hoạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, HopeBox phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nhằm cung cấp khóa học, đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ nơi ở nhằm giúp phụ nữ bị bạo hành vượt qua nỗi đau thể chất và tinh thần, có khả năng độc lập trong tương lai.
HopeBox hợp tác với VietnamAirlines chuẩn bị quà tặng cho hành khách trên các chuyến bay nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (Ảnh: HopeBox). |
Từ năm 2021, HopeBox hợp tác với VietnamAirlines chuẩn bị những hộp quà đặc biệt cho hành khách trên các chuyến bay nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Với chị em ở HopeBox, dự án này không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội để lan tỏa thông điệp: “Mỗi người phụ nữ xứng đáng được nâng niu, tôn trọng, tự do, bình đẳng, được trao cơ hội và công nhận”.
Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại hội chợ trái cây, rau quả lớn nhất thế giới Để tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, hoa quả chất lượng cao vào châu Âu, năm nay Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chủ trì và Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế về trái cây, rau quả lớn nhất thế giới - Fruit Logistica năm 2023. |
Lần đầu tiên tổ chức liên hoan sách về bình đẳng giới Ngày 4/3, liên hoan sách đầu tiên về bình đẳng giới đã được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng như tọa đàm, giới thiệu sách, tặng sách từ thiện, triển lãm tương tác,... đã góp phần tôn vinh đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ công nghệ. |