Tổ chức GNI: Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc
Tại lễ ra mắt trung tâm tham vấn học đường trường THCS – THPT Ban Mai. |
Đến tham dự chương trình có đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng GD&ĐT quận Hà Đông, đại diện Cục Trẻ em, NSƯT Xuân Bắc – đại sứ dự án Be Friend cùng toàn thể ban giám hiệu, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và hơn 200 học sinh trường THCS – THPT Ban Mai Hà Nội.
"Speak Out" là dự án tiếp nối của dự án “Be Friend” đang thực hiện tại các trường THCS tại Hà Nội, được tài trợ bởi tỉnh GyeongGi-Do Hàn Quốc và được xây dựng, thực hiện bởi GNI tại Việt Nam.
Theo đại diện GNI, bạo lực trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Theo số liệu của UNICEF năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 tuổi trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu – cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và các khu vực xung quanh trường học. Điều đang lo ngại là số trường hợp bạo lực học đường (BLHĐ) ngày càng gia tăng, các em gái hay là người chịu hậu quả nặng nề từ bạo lực.
Với sứ mệnh vì một thế giới tốt đẹp, luôn tôn trọng quyền con người, năm 2019, Tổ chức GNI tại Việt Nam triển khai dự án “Xây dựng môi trường an toàn không bạo lực – Speak out” với các hoạt động đa dạng và chất lượng, thành lập và vận hành mô hình phòng tham vấn học đường -hoạt động không thể thiếu tại các trường học.
Theo thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ BLHĐ trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạolực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành.
Dự án Speak out có tên đầy đủ là "Dự án xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực". Speak Out là tên ngắn gọn của dự án với mong muốn truyền tải thông điệp "Lên tiếng để đẩy lùi bạo lực học đường".
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một khoảng không gian riêng ở trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Một trở ngại nghiêm trọng trong việc can thiệp các vụ việc BLHĐ là sự thiếu kết nối giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến nhiều vụ việc bạo lực không được giải quyết triệt để, an toàn và công lý của trẻ chưa được đảm bảo.
"Speak Out" hướng đến việc khuyến khích trẻ chia sẻ, kết nối với những người trực tiếp nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; xây dựng môi trường an toàn và nói không với bạo lực. |
“Speak Out” tập trung vào việc phát triển và vận hành trung tâm tham vấn thí điểm tại trường THCS Ban Mai và THCS Nguyễn Trường Tộ, TP Hà Nội; tổ chức các khoá đào tạo dành cho giáo viên; thực hiện các chương trình truyền thông, tọa đàm về vấn đề bạo lực, các vấn đề xoay quanh trường học.
Tổ chức GNI cũng hỗ trợ các khoá đào tạo cơ bản và chuyên sâu dành cho giáo viên tại trường dự án, thực hiện các chương trình truyền thông, tọa đàm về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đồng hành cùng phụ huynh và học sinh. Đặc biệt GNI thực hiện 10 số tham vấn trực tuyến bởi các chuyên gia hàng đầu trên kênh VOV1 – Đài tiếng nói Việt Nam với các chủ đề xoay quanh trường học. Năm 2020, sau khi đánh giá hiệu quả dự án, GNI sẽ tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình phòng tham vấn trong ứng phó với BLHĐ và bạo lực giới.
Trung tâm tham vấn học đường đầu tiên tại trường Ban Mai sẽ là nơi để các học sinh có thể chia sẻ, được lắng nghe, giải đáp tất cả các thắc mắc, băn khoăn, tâm sinh lý lứa tuổi… Đồng thời sẽ triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực trong tham vấn và trợ giúp tâm lý cho giáo viên, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao nhận thức và khuyến khích nhu cầu tham vấn trong cộng đồng.
Các vấn đề liên quan tới tâm lý, sức khỏe trong cuộc sống…tất cả những điều mà học sinh vướng phải sẽ được sàng lọc, tư vấn, can thiệp bởi đội ngũ chuyên gia, chuyên trách của Trung tâm tham vấn học đường tại trường. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để hạn chế những chuyện đáng tiếc xảy ra như học sinh đánh nhau, trầm cảm, tự tử vì áp lực học tập....
Đại diện trường THCS-THPT Ban Mai nhấn mạnh, học sinh của trường từ nay đã có một nơi tin tưởng để chia sẻ những vấn đề của bản thân, có một nơi tin tưởng để tìm kiếm sự giúp đỡ hiệu quả từ các chuyên gia. Ở đây, học sinh có thể chia sẻ những điều thầm kín nhất với những người bạn thân trung thành nhất. Các chuyên gia tâm lý sẵn sàng lắng nghe mọi điều, dù là những quan điểm hay suy nghĩ được coi là xa lạ, không bình thường hay đi ngược lại với quan điểm những người xung quanh.
Hoạt động của Trung tâm tham vấn tâm lý cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh công tác tham vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường mong rằng mô hình Trung tâm tham vấn tâm lý học đường sẽ được nhân rộng ở các nhà trường và lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp vì cuộc sống hạnh phúc cho học sinh./.
Xem thêm
Xây dựng tình bạn đẹp - phòng chống bạo lực học đường Sự ra đời của dự án “Be Friend” do tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam (GNI) triển khai sẽ phát huy vai trò ... |
Nhiều trẻ em sợ đến trường vì bị bạo lực học đường Bị bạo lực ở trường học (gồm các hình thức bạo lực thân thể, tinh thần, bắt nạt, bạo lực giới...) là lý do khiến ... |
Báo động tình trạng thanh thiếu niên Nhật Bản tự tử do bạo lực học đường Trong khi số người trưởng thành tự tử tại Nhật Bản đã giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ tự tử của học sinh ... |
Thảm cảnh bị bắt nạt và bạo lực học đường của những đứa trẻ tị nạn vùng Fukushima Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày vụ thảm họa kép hoàn toàn "xóa sổ" tỉnh Fukushima (Nhật Bản). Thảm họa không chỉ để ... |