Báo động tình trạng thanh thiếu niên Nhật Bản tự tử do bạo lực học đường
Bạo lực học đường từ lâu đã trở thành một vấn nạn tại Nhật Bản. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khi nạn nhân chỉ mới 13, 14 tuổi. Do không chịu nổi tình trạng bị bắt nạt cả về thể chất và tinh thần, từ ngoài đời thật cho tới mạng xã hội, nhiều em đã quyết định quyên sinh như một cách giải thoát khỏi cuộc sống bế tắc này.
Bạo lực học đường và tự tử bắt đầu được dư luận Nhật Bản chú ý hơn từ năm 1986, khi một nam sinh 13 tuổi treo cổ trong toilet một trung tâm thương mại. Nguyên nhân dẫn tới cái kết đau thương của em là do bị bạn bè bắt nạt.
Mới đây nhất, một nữ sinh 13 tuổi khác cũng đã tự tử bằng cách nhảy ra trước đoàn tàu hỏa. Em quyết định tìm đến cái chết sau hơn một năm bị bạn cùng lớp bắt nạt. Ở lớp, cô bé bị gọi bằng những cái tên như "thú nuôi" hay liên tục bị bạn bè kêu chết đi.
Go Kasai, cha của cô bé Rima Kasai, người đã tự tử vì bị bạn bè cùng lớp bắt nạt.
Theo Hiệp hội hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Nhật Bản xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia tự tử nhiều nhất thế giới, sau Lithuania, Hàn Quốc và Hungary. Tuy nhiên, số các ca tự tử đã giảm trong những năm gần đây. Số người tự tử đạt đỉnh vào năm 2003 với 34,427 ca tự tử, con số này giảm xuống còn 21,897 ca vào năm 2016, theo sở cảnh sát quốc gia.
Tuy nhiên, tình trạng tự tử của những người trẻ lại có xu hướng gia tăng. Năm 2007, số ca tự tử vào khoảng 350. Con số này liên tục dao dộng nhưng luôn trên ngưỡng 300. Đến năm 2016, có 320 người dưới 18 tuổi tự tử.
Năm nay, có 4 vụ tự tử của người trẻ đang được điều tra do nghi vấn liên quan tới tình trạng bạo lực học đường, bắt nạt bạn bè. Dù Nhật Bản đã ra điều luật chống lại tình trạng bắt nạt học đường vào năm 2013 nhưng những sự vụ như này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
"Tôi không nghĩ luật pháp đủ hiệu quả để chống lại bạo lực học đường bởi vì vẫn còn rất nhiều trẻ em chọn cách chết vì bị bắt nạt trong nhà trường", Tomohiro Tsubota, giám đốc ban chuyên giải quyết vấn đề của học sinh tại bộ Giáo dục Nhật Bản.
Nhiều người trẻ chọn giải pháp tự tử do bị bắt nạt trong trường học.
Tại Nhật Bản, tình trạng bạo lực học đường còn được biết đến với cái tên Ijime. Trong năm 2016, khoảng hơn 224,540 trường hợp bạo lực, bắt nạt học đường đã được báo cáo. Con số này đã tăng 19% so với năm trước.
Các chuyên gia và giới chức trách cho biết vấn đề bạo lực học đường nghiêm trọng hơn tại Nhật Bản do nét văn hóa truyền thống mang tính thủ cựu, đề cao tính nhất quán. Những cái tôi khác biệt thường bị đem ra chế giễu và trở thành đối tượng bị bắt nạt. Vấn đề bắt nạt tại Nhật Bản khác so với các nước khác ở điểm học sinh Nhật Bản thường bắt nạt bạn bè theo từng nhóm, chứ không phải vài người. Nhiều trường hợp, giáo viên cũng phản ứng chậm trễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, các trường học đang từng bước giải quyết vấn đề này. Nhà trường khuyến khích học sinh thành lập các "nhóm bảo vệ" để đứng về phía những người bị bắt nạt. Kosuke Isogai, một học sinh lớp 6 và đội trưởng một đội bảo vệ tại trường trung học chia sẻ:
"Tôi nghĩ bắt nạt trường học không xảy ra tại đây vì khi bạn bắt nạt người khác, chính bạn mới là kẻ dị biệt và bị đám đông xa lánh".
Skye