Tổ chức, cá nhân để xảy ra tiêu cực trong xác nhận "Hộ chiếu vaccine" phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Để được cấp hộ chiếu vaccine”, người đã tiêm chủng cần khai báo chính xác thông tin để các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Ngày 1/5/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký công văn số 2228 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) về “hộ chiếu vaccine”.
Theo đó, ngày 19/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1975/BYT-CNTT về việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vaccine”.
Để bảo đảm quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm và “Hộ chiếu vaccine" khi tham gia tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và “Hộ chiếu vaccine” không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận “Hộ chiếu vaccine”. Nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay đã có hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có “Hộ chiếu vaccine”.