“Tịnh Tâm Kim Cổ” ở Huế là gì?
Thăm lại nhà công tử Bạc Liêu và thưởng thức mĩ vị lạ lùng của xứ đờn ca tài tử |
Những nghề chỉ ở vùng giáp biên mới có |
Nghề "vớt vàng trắng" trên biển thu nhập cao hơn đánh bắt cá |
Cùng ghé thăm những làng nghề truyền thống ở Huế để hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền qua bao thế hệ.
Làng nghề đan lát Bao La
Cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng.
Làng nghề được hình thành từ xa xưa và đã thành lập thêm một làng Bao La mới. Cả hai làng này đều có chung một nghề thủ công là đan lát. Các sản phẩm làng tạo ra: rổ, rá, dần, sàng, nong phơi, chõng tre, nôi trẻ em, giường ngủ, lẵng cắm hóa, giá sách,… đều làm từ vật liệu mây và tre.
Làng nghề nón lá
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ Xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, TP Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.
Làng nghề đúc đồng
Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Làng đúc đồng nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, trên địa bàn phường Phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân (thôn Hạ 2 và thôn Thượng 4) cách thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làng nghề gốm Phước Tích
Phước Phú thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do hai thôn Phước Tích và Phú Xuân nhập lại. Làng Phước Tích tiện cho việc thông thương bằng đường thủy để khai thác nguyên liệu và chở sản phẩm gốm đi bán.
Sản phẩm truyền thống “độc Phước Tích” có lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, không có thấm nước. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa... cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật.
Làng kim hoàn Kế Môn
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km hướng Đông - Bắc là làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Nơi đây nổi tiếng có nghề kim hoàn. Nghề kim hoàn ở Kế Môn là nghề gia công cổ truyền đồ trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc.
Kim hoàn ở Kế Môn được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo nên có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác. Các kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
Tịnh Tâm Kim Cổ là nơi trưng bày, giới thiệu hiện vật và sản phẩm của nghề kim hoàn Kế Môn - nghề kim hoàn truyền thống ở Huế. Không chỉ tìm hiểu các công đoạn chế tác kim hoàn, du khách còn có dịp tham quan không gian nhà vườn, nhà rường cổ xưa khi đến Tịnh Tâm Kim Cổ. Các sản phẩm hoàn kim tiêu biểu được trưng bày thuộc ngành chạm như Gương soi ánh nguyệt, Trâm hoa Lạc Việt…
Làng nghề thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn
Cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa đều được sơn thếp vàng son lộng lẫy. Các vật dụng từ trong dân dã cho đến các gia đình quyền quý, các nhà thờ họ như: Hoành phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tử đều được sơn mài tô điểm trang trọng.
Ngày nay, làng Tiên Nộn không còn người làm nghề sơn mài nhưng sức sống của nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Huế. Sức sống của sơn mài truyền thống Huế được thể hiện mạnh mẽ ở những cách tân về đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng... Các họa sĩ đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm sơn mài mang ý tưởng mới, phục vụ cho đời sống hiện đại, sơn mài còn xuất hiện trong đồ dùng làm trang sức, dây đeo cổ, đeo tay, đồ mỹ nghệ ...
Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên
Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Ðiền, cách Huế khoảng 40km về phía Bắc. Những sản phẩm mỹ nghệ của họ làm cho nhiều công trình kiến trúc và đồ dùng cao cấp đạt tới giá trị tuyệt phẩm. Nghề điêu khắc ở đây không có trường dạy. Những người thành thạo trực tiếp kèm cặp người học nghề qua thực hành.
Phần lớn những ngôi nhà Rường nổi tiếng của Huế có sự tham gia của người thợ Mỹ Xuyên trong phần chạm khắc.
Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, làng có vị trí khá đặc biệt, phía Bắc giáp thôn Mậu Tài, Nam giáp Thế Vinh, Đông giáp Vọng Trì, Đông Tây giáp sông Hương, cách trung tâm thành phố 10km. Làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy.
Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp... Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là: phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm. Ngày nay, loại hoa sen đã được phục hồi, quanh năm sản xuất, trở thành loại hoa trang trí độc đáo.
Với sự phong phú và đa dạng, hoa giấy Thanh Tiên đã đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian và ngày nay cả nhu cầu trang trí nội thất của người dân xứ Huế.
Nghề liễn làng Chuồn
Chuồn là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người học cao đỗ đạt làm quan to trong triều. Tính hiếu học đã ảnh hưởng đến nghề làm liễn: Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, và phát huy một lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Ở đây rất nhiều gia đình biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ vài trăm đến vài nghìn bộ. Cho đến nay, liễn Chuồn vẫn phát triển và cần khuyến khích.
Nghề tranh làng Sình
Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế khoảng 8km, ở về phía hạ lưu sông Hương. Người dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay vì thế nghề in tranh làng Sình rất phát triển.
Ngày nay, dòng tranh dân gian này vẫn tồn tại và phát triển ở Huế, đề tài cũng được bổ sung với các mảng về thiên nhiên, nhà cửa, phố phường và sinh hoạt đời thường.
Nghề pháp lam
Pháp lam (hay đồ đồng tráng men) là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ. Các sản phẩm pháp lam chủ yếu phục vụ cung đình và các gia đình quyền quý.
Pháp lam Huế thật sự độc đáo với những mảng phù điêu, tranh lớn trang trí cho công trình, màu sắc tươi tắn, cường độ mạnh với các tông màu bổ trợ, tương phản do những nghệ nhân Việt Nam thực hiện đầy sáng tạo và biểu cảm.
Mỗi làng mang một vẻ đẹp, một nét riêng đặc sắc, nhưng điểm chung là đều ẩn chứa những giá trị văn hóa đáng trân trọng và cần gìn giữ, phát triển.
Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 26/4-2/5/2019 tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghề, các sản phẩm nghề thủ công và ẩm thực truyền thống của Việt Nam. |
Ghềnh Bàng (Đà Nẵng): điểm đến thích hợp dành cho dân phượt |
Trải nghiệm khó quên ở đảo Bạch Long Vĩ: hòn đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ |
Thăm Quy Nhơn phải ghé Cù Lao Xanh không thì phí cả chuyến đi |