Tình nghĩa Việt - Lào mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông
Phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào
Sáng 18/7, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Đây là sự kiện cấp quốc gia, là hoạt động trọng tâm của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng của tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; là dịp để hai bên cùng ôn lại lịch sử hào hùng của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, sự giúp đỡ và ủng hộ chí nghĩa chí tình, trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho hai dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước ngày nay.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan hệ đặc biệt Việt - Lào đã được các lãnh tụ cách mạng vĩ đại của Việt Nam và Lào trực tiếp đặt nền móng; được dày công gây dựng, giữ gìn, vun đắp bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của các thế hệ quân và dân hai nước. Tổng Bí thư khẳng định: "Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào theo đúng như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông"...
Năm 2022 là dấu mốc mới của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
Chia sẻ với báo giới về những đánh giá trong quan hệ Việt Nam-Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã nêu bật những thành tựu thời gian qua, đồng thời gợi mở những triển vọng trong thời gian tới.
Theo đó, sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước thời kỳ hiện đại. Trải qua cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã giành được độc lập.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. |
Dấu mốc Việt Nam thống nhất đất nước (30/4/1975) và nước CHDCND Lào ra đời (2/12/1975) đã biến năm 1975 trở thành năm bản lề đưa quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang sử mới, trang sử của quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước từ đó đến nay.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chỉ ra rằng thành tựu quan trọng nổi bật nhất trong 60 năm qua của hai nước là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam đã giúp cho cách mạng hai nước đứng vững trước nhiều khó khăn, thách thức ngày càng tăng, giúp đưa cuộc chiến chống ngoại xâm của hai dân tộc đi đến thành công, giành lại độc lập tự do của Tổ quốc...
Triển lãm về quan hệ đặc biệt Việt - Lào
Sáng 18/7, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam."
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cắt băng khai mạc triển lãm (Ảnh: Huế Nguyễn). |
Với 63 tài liệu, 236 ảnh, 45 hiện vật và gần 100 cuốn sách được chọn lựa kỹ lưỡng, triển lãm đã khắc họa thành công "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" trong 60 năm qua.
Đến với triển lãm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật quý giá chưa được trưng bày trước đó như: hiện vật "Bản án chế độ thực dân Pháp"; khăn quàng nhân dân Bô-li Khăm-xay tặng bộ đội Việt Nam tập kết; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào…Triển lãm diễn ra từ ngày 18/7 đến 18/10/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội...
Hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào
Chiều 18/7, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào tổ chức Lễ sơ kết Thoả thuận hợp tác giai đoạn 2018-2023. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, “Công đoàn Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam”.
Sau 4 năm tổ chức triển khai, việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào giai đoạn 2018-2023 đạt một số kết quả tích cực.
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hải Nguyễn). |
Giai đoạn 2018-2021, Đại học Công đoàn đã tiếp nhận 71 học viên Lào, 42 cán bộ Công đoàn Lào theo Thỏa thuận hợp tác giữa công đoàn hai nước. Từ năm 2018, trên cơ sở hỗ trợ của Đại học Công đoàn, Viện Phát triển Công đoàn Lào đã được Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phê duyệt đào tạo ngành Bảo hộ Lao động hệ Cao đẳng và sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2022-2023.
Về đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, giai đoạn 2018-2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn cho 60 cán bộ, chuyên viên của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào sang nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyên đề tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các Công đoàn ngành Trung ương như Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam và một số Liên đoàn Lao động địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Sơn La cũng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các công đoàn ngành, công đoàn các tỉnh, thành phố có ký kết song phương của Lào như Luông Pha-bang, Viêng Chăn, Xê-kông...
Đánh giá của đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, Công đoàn Việt Nam luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với Công đoàn Lào và làm hết sức mình vì tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa công đoàn hai nước. Hai bên đã bám sát vào nội dung Thỏa thuận để triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực thiết thực...
Quan tâm giúp đỡ lưu học sinh - "đại sứ" giữ gìn và phát triển quan hệ đặc biệt Việt - Lào
Ngày 18/7, đoàn đại biểu Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam do ông Khamoui Keomani - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, cố vấn Công ty Taio Lào, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn, làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Ông Khamoui Keomani, trưởng đoàn Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Cho đến nay, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đào tạo gần 2.000 lưu học sinh, nghiên cứu sinh cũng như thạc sĩ đã bảo vệ thành công luận văn tại trường. Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là trường đại học đầu tiên đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học cho Lào (từ năm 2011) và trường cũng vừa bế giảng khóa đào tạo tiếng Việt cho 22 lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam.
Ngoài đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho các lưu học sinh Lào, trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các lưu học sinh. Lưu học sinh sau khi học 10 tháng học tiếng Việt tại trường và đạt chứng chỉ tiếng Việt theo quy định được Bộ GD-ĐT cho phép học đại học và sau đại học tại tất cả các trường trong cả nước.
Đại diện Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam mong trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban, ngành tạo điều kiện, giúp đỡ Lào giáo dục, rèn luyện nhiều lưu học sinh để các em trưởng thành, trở về xây dựng đất nước Lào, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...
Khai mạc "Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam"
Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc (Ảnh: Hải Minh/ VGP). |
Tối 18/7, lễ khai mạc "Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam" và chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội.
"Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam- Lào (18/7/1977-18/7/2022); chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.
“Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam” và “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào” cùng chuỗi các sự kiện trọng đại trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Thông qua các sự kiện văn hóa lần này, nhân dân Việt Nam - Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước cùng bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống, đặc sắc của hai dân tộc; thông qua các triển lãm ảnh giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa hai nước.
“Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam” có hai chương trình chính, gồm chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ trẻ xuất sắc và nổi tiếng của Lào biểu diễn và triển lãm “Tình Hữu nghị Lào-Việt Nam đời đời bền vững”.
Trong chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào tối 18/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các nghệ sỹ của Đoàn Nghệ thuật quốc gia Lào đã biểu diễn các tiết mục múa, hát, xiếc ca ngợi truyền thống văn hóa tốt đẹp, ca ngợi đất nước Lào giàu có, tươi đẹp và thành tựu của sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, chương trình còn có những bài hát, điệu múa ca ngợi truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, tình nghĩa sâu đậm, gắn bó keo sơn của hai dân tộc Lào-Việt Nam, Việt Nam - Lào. Đặc biệt, khán giả còn được lắng nghe những ca khúc về đất nước, con người Việt Nam, về quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước do chính các nghệ sỹ Lào thể hiện. Ngoài biểu diễn tai Thủ đô Hà Nội, Đoàn nghệ thuật quốc gia Lào còn tiếp tục lưu diễn phục vụ khán giả Việt Nam tại một số địa phương của Việt Nam...