Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia qua những thước phim tài liệu
“Hành trình cứu nước” - Bộ phim tài liệu lịch sử đặc sắc
Bộ phim tài liệu "Hành trình cứu nước" (2018) là minh chứng tiêu biểu về phương thức điện ảnh trở thành người kể chuyện lịch sử. Được sản xuất bởi Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội, bộ phim ghi lại hành trình cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen vượt biên giới sang Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ, đặt nền móng cho phong trào cách mạng lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Bộ phim ghi lại lời kể của những chứng nhân lịch sử, những người chứng kiến sự khốn khổ của đất nước Campuchia trong thời gian bị cai trị bởi chính quyền Khmer Đỏ. Thời ấy, đói kém, cực hình, đau khổ và cái chết diễn ra khắp đất nước Campuchia. Trong bối cảnh đó, ngày 21/6/1977, tại Koh Thmor - ngôi làng sát biên giới Việt Nam, Trung tá Hun Sen, 27 tuổi, dẫn theo 4 đồng đội băng rừng vượt biên sang Việt Nam, khởi đầu cho phong trào cách mạng lật đổ chế độ Khmer Đỏ.
Cựu Thủ tướng Hun Sen trước khi sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ để cứu nước Campuchia. |
Trong phim, ông Hun Sen kể về chuyến vượt biên qua Việt Nam trong tâm trạng sự giằng xé, nghi ngờ. Ông nói khi đó ông chỉ có 0,01% hi vọng sẽ được chính quyền Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ. Ông băn khoăn không biết Việt Nam có vì một trung tá "từ trên trời rơi xuống" như ông mà làm ảnh hưởng quan hệ với đất nước láng giềng. Nhưng ông vẫn lựa chọn Việt Nam. Băng qua con đường gian khổ tìm sự sống cho mình và cho đất nước, ông Hun Sen nói may mắn ông gặp được những người Việt Nam rất tốt.
Hôm gặp những người Việt Nam đầu tiên, cũng là ngày đầu tiên sau nhiều năm ông được ăn no. Dù nhóm người của ông bị nghi ngờ nhưng ông vẫn được đối xử tốt. Phải qua nhiều vòng thử thách, ông Hun Sen mới được chấp nhận tư cách trung tá. Nỗi lo nhất của ông Hun Sen là bị cán bộ Việt Nam trao trả lại cho phía Campuchia. Ông kể đã chuẩn bị những cây kim để nếu có bị trả về Campuchia thì ông sẽ tự vẫn.
Qua những thước phim tài liệu quý giá, rất nhiều người dân Campuchia lần đầu tiên được biết câu chuyện từ khi ông Hun Sen xây dựng quân đội dưới sự giúp đỡ của Việt Nam, đến khi quân đội Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh khỏi ách Khmer Đỏ ngày 7/1/1979. Trong phim, cựu Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nhấn mạnh quyết định chạy sang tìm sự giúp đỡ của Việt Nam là một việc làm đúng đắn. Ông tìm đúng những người bạn tốt. Giá trị của điều đó là mang lại hòa bình cho đất nước Campuchia, để ông có cơ hội lãnh đạo đất nước của mình phát triển phồn vinh.
Tính chân thực trong từng câu chuyện và hình ảnh đã làm nên giá trị lịch sử to lớn của bộ phim. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét sau khi xem bộ phim trên kênh Quốc phòng Việt Nam: "Bộ phim là một tư liệu rất thật do chính ông Hun Sen và những đồng chí của ông nói ra do vậy nó có giá trị lịch sử rất lớn, khách quan, trung thực.
Không dừng lại ở việc tái hiện lịch sử, "Hành trình cứu nước" còn làm sáng tỏ tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước, nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền của Campuchia mà Việt Nam luôn kiên trì thực hiện.
Bộ phim dài 98 phút ra mắt đầu năm 2018, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi liên tục được phát sóng trên các đài truyền hình lớn tại Campuchia và Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Chia sẻ bộ phim trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Vũ Quang Minh, khi ấy là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cho biết: "Hôm 3/1/2018 tôi đã được xem bộ phim truyền hình với nhiều tư liệu quý về hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi nạn diệt chủng của Thủ tướng Hun Sen. Đây cũng là minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa hai đất nước Việt Nam - Campuchia".
"Bộ phim rất chân thực, cảm động. Thủ tướng Hun Sen nhắc lại những giúp đỡ chân tình và quý giá mà nhân dân và quân đội Việt Nam dành cho ông và những người con ưu tú của nhân dân Campuchia đi tìm đường cứu nước. Ông kể rất chi tiết và xúc động khi nhớ lại, Việt Nam lúc ấy còn rất khó khăn thiếu thốn sau chiến tranh nhưng vẫn chia sẻ những gì tốt nhất cho nhân dân Campuchia...", Đại sứ Vũ Quang Minh viết.
Ông Ly Vann Hong, khi ấy là Phó quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia, cho rằng bộ phim cho người dân Campuchia biết rõ về sự thật, biết rõ về những gian khó mà Thủ tướng Hun Sen phải trải qua trên con đường cứu đất nước Campuchia.
"Samdech (tức Hun Sen) đã có quyết định sáng suốt giúp đất nước Campuchia vượt qua bóng tối. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đang rất nồng ấm", ông Ly Vann Hong nói.
Anh Sopheak Noun - một kỹ sư ở Phnom Penh - khẳng định giá trị của bộ phim "còn hơn cả bộ phim". "Nó nhắc lại cho người dân Campuchia nhớ lại một thời khủng khiếp của lịch sử và lúc đó ai đã giúp chúng tôi vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Nó cổ súy cho người dân Campuchia đoàn kết, thương yêu nhau hơn, nhất là những người trẻ sinh ra sau chiến tranh", anh Sopheak Noun nói.
Hành trình lưu giữ, phát huy tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Trước "Hành trình cứu nước", vào năm 2013 Đài Truyền hình TP.HCM và Hãng phim truyền hình Bản Sắc Việt đã hợp tác sản xuất bộ phim tài liệu "Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến tranh bắt buộc". Bộ phim gồm 10 tập, mỗi tập 30 phút nói về giai đoạn lịch sử 1975 - 1989 của dân tộc Việt Nam, gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc hướng biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia.
Phim tài liệu "Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến tranh bắt buộc". |
Bộ phim đã tái hiện lại những hình ảnh sinh động, thông qua hồi ức của các nhân chứng và qua các nguồn sử liệu, tài liệu trong nước và nước ngoài với mục đích khẳng định sự nghiệp chính nghĩa cao cả, nhân văn và tự hào của dân tộc ta. Thông qua phim, khán giả có thể hiểu được tại sao đây là cuộc chiến bắt buộc, vì sao máu lại chảy dọc biên giới Tây Nam vào những năm 1975 - 1978 khiến hơn 3 vạn thường dân vô tội Việt Nam bị sát hại dã man, vì sao Khmer Đỏ lại kích động thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia...
Điều ấn tượng nhất về bộ phim là những hình ảnh sinh động và nguồn tư liệu hình ảnh phong phú, hiếm có. Chia sẻ vào thời điểm ra mắt phim, đạo diễn Lê Phong Lan cho biết, đó là nhờ vào kho phim tư liệu của Đài truyền hình TP.HCM, các nhân chứng lịch sử và những mối quan hệ của bà. Bản thân đạo diễn cũng phải chuẩn bị tư liệu từ rất lâu, phải kiểm chứng, đối chiếu lời kể của các nhân chứng.
Bộ phim không chỉ kể lại những nỗi đau mà người dân hai nước phải gánh chịu mà còn nhấn mạnh sứ mệnh chính nghĩa và nhân đạo của quân tình nguyện Việt Nam. Tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ hồi sinh đất nước Campuchia bị tàn phá nặng nề, như ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM khi ấy chia sẻ: “Bộ phim gửi gắm thông điệp về tình hữu nghị, cùng tiến bộ giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia”.
Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng ra mắt bộ phim tài liệu "Việt Nam - Campuchia: Những năm tháng không quên". Bộ phim không chỉ tái hiện những ký ức bi hùng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hành trình cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot mà còn khẳng định sự phát triển tốt đẹp của tình hữu nghị giữa hai nước ngày nay.
Với những tư liệu lịch sử được ghi lại bằng cả mồ hôi, máu của các nghệ sĩ điện ảnh quân đội, bộ phim đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Những hình ảnh sống động, chân thực trong phim giúp khán giả cảm nhận rõ ràng sự sát cánh của quân dân hai nước trong thời kỳ khó khăn nhất. Đồng thời, bộ phim cũng nhấn mạnh khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước và quyết tâm xây dựng quan hệ bền chặt qua các thế hệ.
Bên cạnh việc tái hiện lịch sử, các bộ phim tài liệu còn phản ánh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia. Cuối năm 2022, kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim tài liệu "Kết nối kinh tế Việt Nam - Campuchia". Bộ phim nhấn mạnh sự kết nối của hai nền kinh tế được coi là trụ cột để hai bên cùng phát triển và ngày càng đạt được những thành tựu tốt đẹp. Bộ phim tập trung vào những nỗ lực hợp tác kinh tế song phương trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, xây dựng hạ tầng kết nối, nhằm tăng cường sự phát triển bền vững cho cả hai nước. Nội dung phim nhấn mạnh sự phát triển của kinh tế các tỉnh biên giới, giao lưu thương mại và các dự án đầu tư lớn giữa Việt Nam và Campuchia.
Những bộ phim tài liệu về quan hệ Việt Nam - Campuchia không chỉ khắc họa quan hệ lịch sử sâu sắc mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ hai nước. Điện ảnh đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối cho tình hữu nghị, góp phần vun đắp tương lai hợp tác bền chặt giữa hai dân tộc.