Âm nhạc bắc cầu tình cảm nhân dân Việt Nam - Campuchia
Người cựu binh và bài ca tình đoàn kết
“Việt Nam - Campuchia đã bao đời nay gắn bó/Tình anh em son sắt không bao giờ phai/Cùng đứng lên đấu tranh diệt kẻ thù chung/Giữ hòa bình giữ gìn hai nước chúng ta/Việt Nam - Campuchia chúng ta cùng đoàn kết/Kề vai ta bên nhau đắp xây tình anh em…”
Ngân nga giai điệu bài ca “Việt Nam - Campuchia Samaki” (Tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia), ông Lê Lương Ngọc, cựu chiến binh Sư đoàn 4, Quân khu 9 trò chuyện với chúng tôi về quá trình sáng tác ca khúc này.
Ông Ngọc kể, tháng 11/1989, ông được đơn vị cử đi học lớp Hạt nhân văn nghệ, bộ môn Sáng tác ca khúc do Quân khu 9 tổ chức. Thầy dạy ông hồi đó là nhạc sĩ Nguyễn Duy Tiến và nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Lê Đóa. Thầy Duy Tiến dạy kiến thức về lý luận, kinh nghiệm sáng tác ca khúc, cách phổ nhạc thơ, nghe và ký âm. Thầy Lê Đóa hướng dẫn học viên hiểu rõ hơn về lịch sử âm nhạc, các loại hình thanh nhạc, khí nhạc, nhạc cụ…
Ông Lê Lương Ngọc cùng các cán bộ, chiến sĩ đội văn nghệ Sư đoàn 4, Quân khu 9, năm 1980. (Ảnh: Lương Ngọc) |
Sáng 28/12/1989, trong giờ giải lao giữa các tiết học, thầy Duy Tiến nói với ông: “Cậu công tác ở Campuchia nhiều năm, cậu viết một bài về Campuchia đi”. Ông nhận lời ngay bởi chính ông là người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ông được chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam với quân đội, nhân dân Campuchia; được dự các cuộc giao lưu múa hát giữa chính quyền và nhân dân hai nước trong các dịp lễ, tết. Nhờ đó nên tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước luôn in đậm trong trái tim ông.
“Ôn lại kỷ niệm những ngày ở đơn vị, kỷ niệm với nhân dân nước bạn, trong giây phút ấy, các cụm từ “Việt Nam”, “Campuchia”, “đoàn kết”, “gắn bó”, “hữu nghị”, “thủy chung”, “hòa bình”, “tự do”, “son sắt”… cứ ùa về nhảy nhót trong tôi. Nhạc và thơ tuôn trào, tôi tung mền vùng dậy chạy sang phòng học ngồi vào đàn piano, chép lại ý nhạc đang trào dâng. Sau chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, bài hát hoàn chỉnh đã ra đời”, ông Ngọc nói.
Sang tuần mới, trước giờ học buổi sáng, ông đưa bài hát cho thầy Duy Tiến. Thầy xướng âm nho nhỏ rồi bảo: “Cậu viết tốt lắm, để tớ chấm thêm bè. Bài này sẽ làm bài mở màn cho buổi diễn báo cáo tổng kết lớp học trước thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu và thủ trưởng Cục Chính trị cùng các cơ quan, ban, ngành”.
Lan tỏa sâu rộng vào đời sống cộng đồng
Ngày 10/1/1990, buổi biểu diễn báo cáo tổng kết lớp học diễn ra với sự hỗ trợ của ca sĩ Kim Thắng và nhạc sĩ Mai Ngọc Hùng khi ấy công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 9. Ngay từ lần biểu diễn đầu tiên, bài hát “Việt Nam - Campuchia Samaki” đã được khán giả đón nhận với những tràng pháo tay không ngớt.
Ông Ngọc cho biết, “Samaki” có nghĩa là “đoàn kết”. Thông qua bài hát, ông mong muốn góp phần mang thông điệp về tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đi vào cuộc sống hàng ngày một cách thật gần gũi, chân thành.
Đến nay, sau 34 năm, bài hát “Việt Nam - Campuchia Samaki” nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ cộng đồng. Với thông điệp giản dị về tình đoàn kết hữu nghị, bài hát đã trở thành điểm nhấn trong các chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam hát, múa bài hát “Việt Nam - Campuchia Samaki”. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Theo ca sĩ Ngọc Sáng, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tại các buổi gặp gỡ nhân dịp những ngày lễ quan trọng của hai đất nước, giao lưu thanh thiên, gặp gỡ cựu chiến binh… giai điệu bài hát “Việt Nam - Campuchia Samaki” luôn là một phần không thể thiếu. Bài hát không chỉ là một tác phẩm âm nhạc mà còn là nhịp cầu văn hóa nối liền đôi bờ, minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết và hy vọng mà cả hai dân tộc luôn hướng tới.
Bên cạnh đó, còn nhiều bài hát thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia làm phong phú thêm bức tranh văn hóa chung như: "Đêm Ăng Kor" (Đỗ Hồng Quân), "Hai người mẹ" (Trần Long Ẩn), "Về Campuchia" (Nguyễn Văn Hiên), "Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia" (Vũ Mão), "Rom vông Xamaki" (Thế Hiển)...
Nhạc sĩ Trần Tấn Ngô, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết, những giai điệu này không chỉ lan tỏa tại Việt Nam mà còn được tuyên truyền mạnh mẽ tại Campuchia. Đài Phát thanh ở Phnom Penh và nhiều địa phương khác của Campuchia thường xuyên ngân vang những giai điệu này.
Nhạc sĩ Trần Tấn Ngô khẳng định, những bài hát ấy đi vào lòng người, góp phần tuyên truyền tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước ngày càng bền chặt, làm cho thế hệ trẻ hiểu được quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai quốc gia.
Cửa khẩu biên giới: mạch nối kinh tế Việt Nam và Campuchia Những chuyến xe tấp nập xuyên biên giới, những đêm trắng bốc dỡ hàng liên tục, những mặt hàng phong phú, số lượng lớn liên tục được xuất, nhập... Đó là hơi thở của cuộc sống vùng biên giữa Việt Nam và Campuchia. Sinh khí này vừa thể hiện quan hệ kinh tế, vừa gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia. |
Phụ nữ Việt Nam - Campuchia: cùng nhau phát triển kinh tế, viết tiếp câu chuyện về tình đoàn kết Hỗ trợ nhau lao động sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, mở lớp đào tạo nâng cao năng lực... Phụ nữ Việt Nam và Campuchia không chỉ chia sẻ công việc mà còn cùng nhau viết nên những câu chuyện về tình đoàn kết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. |