Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Lời kể của những hiện vật
Hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu này đều là những tư liệu quý được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Thư viện Quân đội, trong đó có những hiện vật mới được sưu tầm và lần đầu được giới thiệu tại triển lãm. Mỗi bức ảnh, hiện vật gắn với một sự kiện, một câu chuyện đặc biệt thể hiện mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa Việt Nam và Campuchia.
Các đại biểu thăm quan triển lãm. Ảnh: Thành Luân |
Một trong những hiện vật gây chú ý với khách thăm quan triển lãm là tập bài hát, đĩa hát mà Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk tặng bộ đội Trường Sơn vào tháng 3/1973. Đây là lời cảm ơn của Quốc trưởng đối với Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ ông về thăm vùng giải phóng. Trong số này có bài hát "Cảm ơn, đường Hồ Chí Minh!". Đây là tác phẩm do Quốc trưởng Norodom Sihanouk cảm hứng sáng tác khi ông qua đường Hồ Chí Minh ở biên giới Campuchia vào ngày 29/3/1973. Bài hát đã được Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Việt Nam trình bày lại theo đàn violon.
Bài hát có câu: “Cảm ơn, đường Hồ Chí Minh/Con đường chiến thắng/Mang tên rất quang vinh/Người anh hùng nhân dân vĩ đại/Đã mở đường cách mạng đi lên”.
Tập bài hát, đĩa hát Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk tặng bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Thành Luân |
Trong số các hiện vật trưng bày tại triển lãm có chứng minh thư số 063898VN mang tên Trần Văn Toàn. Đây là chứng minh thư được cấp cho ông Nguyễn Thế Bôn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 vào năm 1963. Ông Bôn đã sử dụng chứng minh thư này trong thời gian hoạt động, đóng giả là thương gia Việt Nam buôn bán trên đất Campuchia để nghiên cứu thị trường, mua bán vũ khí, lương thực cho Quân Giải phóng miền Nam từ 1963-1967.
Một hiện vật khác là chiếc đài của Trung tướng Nguyễn Chức được Quân khu 5 cấp năm 1979. Trung tướng Nguyễn Chức đã sử dụng chiếc đài này để nghe tin tức, nắm tình hình thời sự, phổ biến tới cán bộ, chiến sĩ trong thời gian ông giữ cương vị Tư lệnh mặt trận 579, Quân tình nguyện Việt Nam, tại chiến trường Đông Bắc Campuchia.
Hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là Huân chương Sao Vàng do Chủ tịch nước tặng lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 - 1989. Đây là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với công lao to lớn của lực lượng chuyên gia Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia.
Tại lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng vào ngày 12/7/2019, thay mặt lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia Trịnh Vinh Pha cho biết, trong 10 năm (1979-1989), Việt Nam đã cử 3,5 vạn chuyên gia là những cán bộ cao cấp, trung cấp sang trực tiếp giúp nước bạn theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia.
Chuyên gia Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thực hiện các giải pháp căn bản nhằm hồi sinh dân tộc, ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot quay trở lại. Nổi bật là giúp bạn xây dựng lại Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; xây dựng lại thiết chế xã hội đã bị chế độ Khmer Đỏ phá vỡ từ trung ương đến tận cơ sở; giúp bạn khôi phục kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh...
Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, Bảo tàng đã lựa chọn những hiện vật có điểm nhấn cũng như thể hiện được thông điệp của triển lãm thông qua tất cả các chủ đề trưng bày. Một điều may mắn là ngoài những hiện vật được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam quản lý, lưu giữ qua nhiều năm thì vào năm 2021, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã trao tặng cho Bảo tàng rất nhiều tài liệu, hiện vật của các chuyên gia Việt Nam từng có 10 năm công tác tại Campuchia. Trong số này, nhiều hiện vật là chứng nhân cho sự diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot Iêng Xari; nhiều hiện vật là đồ dùng, vật dụng gắn bó với những nhân vật lịch sử và cả những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước trao tặng cho các chuyên gia công tác tại Campuchia từ năm 1979-1989.
Thượng tá Lê Vũ Huy hy vọng triển lãm thêm một lần nữa khắc họa tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng như tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo công chúng, nhất là giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn qua suốt các thời kỳ lịch sử của hai dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, để có thể tự hào và thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth bày tỏ vui mừng khi phía Bộ Quốc phòng Việt Nam có ý tưởng mở cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Đại sứ cho biết, những bức ảnh, hiện vật đã thể hiện sự giúp đỡ của quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đối với Campuchia, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
"Tôi mong rằng bảo tàng sẽ phổ biến, quảng bá rộng rãi tình hữu nghị, đoàn kết của Việt Nam và Campuchia để các thế hệ sau có thể hiểu được các thế hệ trước đã cống hiến, hy sinh xương máu như thế nào để chúng ta có tình đoàn kết, hữu nghị như ngày hôm nay", Đại sứ nói.
Đại tá Trịnh Hồng Đoàn - Trưởng Ban liên lạc cựu chuyên gia Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia, có 6 năm công tác tại Campuchia đánh giá, nhiều tư liệu trưng bày tại triển lãm rất có giá trị. Những tư liệu ấy là minh chứng để tri ân và để con cháu đời sau khi xem lại biết rằng cha ông mình đã chiến đấu, hy sinh thế nào, quan hệ Việt Nam - Campuchia gắn bó keo sơn ra sao.
Trung tá Son Romy, Trợ lý Tùy viên Quân sự Campuchai tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất xúc động khi thấy một số bức ảnh và hiện vật kỷ niệm của quân tình nguyện Việt Nam, các lãnh đạo Campuchia và Việt Nam. Những bức ảnh, hiện vật ấy giúp tôi hiểu hơn về lịch sử cũng như quan hệ khăng khít, bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia vốn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp".