Tin tức pháp luật nóng nhất sáng 15/8: Nguyên cán bộ Thanh tra Bộ Công an lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ
Cựu cán bộ Phòng 7 thuộc Thanh tra Bộ Công an lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ
Ảnh minh họa |
Chiều 14/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thái Hà (SN 1976, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Văn Phong (quê Vĩnh Phúc).
Theo cáo trạng, ngày 4/10/2019, Thanh tra Bộ Công an chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội hồ sơ về việc Nguyễn Thái Hà nguyên là cán bộ Phòng 7 thuộc Thanh tra Bộ Công an có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Phong.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định khoảng tháng 11/2017, Hà thuê anh Phạm Văn Nguyên (SN 1983, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chở mình về quê Hải Dương thăm bố mẹ. Trên đường đi, anh Nguyên cho Hà biết Công ty Simywa (Nhật Bản) nơi anh làm việc sắp về nước nên bán thanh lý 1 lô ô tô gồm 5 xe: Camry, Landcruiser, Fortuner… với giá khoảng 2 tỷ đồng.
Khoảng tháng 9/2017, Hà tình cờ quen biết anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1982, quê Yên Mỹ, Hưng Yên) tại một quán bia. Tháng 1/2018, Hà nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của anh Hiếu.
Theo cáo trạng, Hà đã nói với anh Lý đang có lô xe thanh lý, toàn xe lậu, ngon. Anh Hiếu hỏi về thủ tục đăng ký, đăng kiểm thế nào, Hà cam kết sẽ có trách nhiệm. Tin lời Hà nói là thật, anh Hiếu đã thông tin lại cho anh Nguyễn Văn Phong.
Do muốn mua lô xe trên nên anh Phong đã cùng anh Hiếu tới gặp Hà. Gặp nhau, Hà nói với anh Phong, anh Hiếu là bản thân đang công tác ở Thanh tra Bộ Công an. Hiện nay Bộ Công an đang bán thanh lý 5 xe ô tô với giá gần 2 tỷ đồng. Hà chỉ lấy tiền chênh lệch là 150 triệu đồng, tổng số tiền mua xe là 2,1 tỷ đồng.
Để anh Phong tin tưởng, Hà dẫn anh Phong, anh Hiếu đến phòng làm việc của mình tại Thanh tra Bộ Công an. Tại đây, Hà yêu cầu anh Phong phải đặt cọc trước 1 tỷ đồng. Do không mang đủ tiền nên anh Phong và anh Hiếu đi về.
Vài ngày sau, Hà gọi điện cho anh Phong nói phải nộp tiền đặt cọc sớm nếu không sẽ bán lô xe thanh lý trên cho người khác. Tin lời Hà nói là thật, anh Phong đã 5 lần giao cho Hà tổng số tiền 2,3 tỷ đồng.
Số tiền nhận được từ anh Phong, Hà sử dụng vào việc trả nợ, chi tiêu cá nhân, đầu tư kinh doanh hết, không sử dụng vào việc mua ô tô thanh lý như hứa hẹn.
Với hành vi nêu trên, sau khi nghị án, Hà bị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bắt giữ đối tượng đưa 9 thiếu nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc
Phùng Láo Tả tại cơ quan điều tra. Ảnh: Giáo dục & Thời Đại |
Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) cho biết: Sau nhiều ngày theo dõi, mật phục, lực lượng biên phòng đã bắt giữ hai đối tượng khi đang trên đường đưa 9 cô gái người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Vụ việc xảy ra tại khu vực biên giới thuộc thôn Phù Lao Chải, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Trước đó, ngày 4/8 tổ công tác Đồn Biên phòng A Mú Sung đang trong quá trình tuần tra tại khu vực nói trên thì gặp nhóm người di chuyển về phía biên giới. Gặp tổ công tác biên phòng, 2 người trong nhóm đã bỏ chạy. Ngay lập tức tổ công tác đã truy đuổi và tóm gọn, đưa về Đồn Biên phòng A Mú Sung để làm rõ.
Qua đấu tranh, khai thác đôi nam nữ khai nhận tên lần lượt là Phùng Lở Mẩy (SN 1989) và Phùng Láo Tả (SN 1995). Cả hai cùng trú tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Do thông thạo đường đi, lối lại ở khu vực biên giới nên đã cấu kết với một số đối tượng bên phía Trung Quốc để tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép.
9 thiếu nữ có ý định vượt biên đều ở độ tuổi rất trẻ (SN 2001 và 2002). Những người này ở các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn La, Điện Biên, Kiên Giang và Hải Phòng.
Hai đối tượng Mẩy và Tả đã hai lần đưa 23 người vượt biên giới trái phép trót lọt, thu về 7.250 Nhân dân tệ.
Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết thêm, cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” đối với hai đối tượng Phùng Lở Mẩy và Phùng Láo Tả.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai điều tra, làm rõ.
9X uống thuốc tự tử đã được đưa đi chấp hành án
Kiên được đưa đi chấp hành án sau 2 ngày nằm viện. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Tối 14/8, luật sư Lê Văn Phúc, người bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Hoàng Trung Kiên (30 tuổi, ngụ huyện Thới Lai), cho biết chiều cùng ngày, công an đã đến bệnh viện đọc lệnh và áp giải thân chủ của ông đưa đi chấp hành án.
Luật sư Phúc nói trước đó, ông đã thay mặt thân chủ gửi đơn xin tạm hoãn thi hành án cùng những hồ sơ kèm theo nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
Kiên bị TAND huyện Thới Lai tuyên 9 tháng tù về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. Ngày 27/7, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa phúc thẩm, bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm.
Ngày 13/8, Kiên phải có mặt tại Công an huyện Thới Lai để chấp hành bản án. Tuy nhiên, tối 12/8, Kiên được người thân phát hiện đã uống thuốc tự tử trong nhà vệ sinh. Gia đình đưa người này đến bệnh viện cấp cứu kịp nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Việc Kiên bị bắt đưa đi chấp hành án trong thời gian nằm ở bệnh viện, Công an TP Cần Thơ, chưa có phát ngôn về vấn đề này.
Theo nội dụng vụ án, năm 2017, UBND huyện Thới Lai ban hành quyết định thu hồi 3.000 m2 đất của ông Nguyễn Hoàng Việt (cha ruột Kiên) ngụ ấp Thới Thuận B, xây dựng khu đô thị mới.
Ông Việt có đơn khiếu nại, không đồng ý với mức hỗ trợ của UBND huyện Thới Lai. Sau đó, huyện ra quyết định cưỡng chế, thu hồi diện tích đất nêu trên. Công ty CP Cadif hợp đồng với Công ty CP Hưng Thịnh Phát san lấp mặt bằng, đường giao thông thoát nước…
Công ty này xây dựng nhà kho chứa vật tư trên diện tích đất của ông Việt bị thu hồi. Ngày 24/3, Kiên đến gặp ông Hà Việt Hưng, cán bộ quản lý Công trình xây dựng khu công nghiệp đô thị mới, yêu cầu tháo dỡ nhà kho ra khỏi diện tích đất mà gia đình đang khiếu kiện.
Chiều 27/3, ông Hưng cho công nhân di dời vật tư trong nhà kho và chuyển đi nơi khác. Đến 16h cùng ngày, Kiên lái máy xúc kéo sập nhà kho. Theo kết luận giám định, nhà kho bị kéo sập, gây thiệt hại 29 triệu đồng.
Ngày 13/8, Thanh tra TP Cần Thơ Công quyết định thanh tra dự án Khu đô thị mới Thới Lai. Đoàn thanh tra do ông Lê Đắc Cảnh, Phó chánh Thanh tra TP Cần Thơ làm trưởng đoàn.
Khu đô thị mới huyện Thới Lai được UBND TP Cần Thơ phê duyệt ban đầu ở ấp Thới Thuận A. Tuy nhiên sau đó, UBND huyện Thới Lai ký ban hành các quyết định thu hồi đất của người dân tại ấp Thới Thuận B, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Tại cuộc họp báo quý II vào chiều 1/7, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định việc xác định vị trí đất là sai. Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, khảo sát lập dự án đầu tư trình cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND thành phố ra chủ trương.
Sau đó UBND huyện Thới Lai ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn sai ngay từ đầu.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh quan điểm của thành phố là cái nào sai thì phải sửa, thực hiện cho đúng, đảm quyền lợi của người dân không bị thiệt hại.
Lĩnh án vì chiếm đoạt ô tô Ford Ranger
Bị cáo Tiểng tại tòa. Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
Ngày 14/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Bùi Văn Tiểng (SN 1994, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Đình Thịnh (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Theo cáo trạng, Tiểng quen biết với Chu Đức Thuận (SN 1992, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) và Bùi Đức Khái (SN 1993, ở quận Kiến An, TP Hải Phòng) qua mạng xã hội. Trưa 29/6/2018, Thuận và Khái đến nhà trọ của vợ chồng Tiểng chơi.
Tại đây, cả 3 than thở về việc thiếu tiền chi tiêu. Thế nên, họ đã rủ nhau thuê xe ô tô mang đi cầm cố lấy tiền.
Bàn bạc, tìm chỗ cắm xe… Tiểng gọi điện mượn anh vợ là anh Huỳnh Minh Hoàng sổ hộ khẩu thường trú. Sau đó, nhóm của Tiểng nhờ anh Hoàng đứng ra thuê xe hộ.
Nhóm của Tiểng đã liên lạc với ông Nguyễn Đình Thịnh để thuê ô tô Ford Ranger. Khoảng 14h cùng ngày ông Thịnh cùng con trai điều khiển ô tô đến nhà Tiểng để ký hợp đồng thuê xe.
Tại đây, anh Hoàng ký hợp đồng cho thuê xe 10 ngày với giá 1 triệu đồng/ ngày cho nhóm của Tiểng.
Sau khi thuê xe, cả ba mang xe đi cầm cố được 95 triệu đồng.
Số tiền này, Tiểng chia cho Khái 10 triệu đồng, Thuận 50 triệu đồng còn mình giữ lại 35 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Sau đó, họ cũng cắt đứt liên lạc với ông Thịnh.
Quá hạn thuê xe, ông Thịnh không thấy nhóm của Tiểng mang xe tới trả. Gọi theo số điện thoại trong hợp đồng, ông Thịnh thấy không liên lạc được nên đến Công an trình báo.
Bị đưa ra xét xử, bị cáo Tiểng thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Bị cáo gửi lời xin lỗi anh rể vì đã lợi dụng lòng tin của anh để làm việc bất chính. Bị cáo cũng xin lỗi bị hại và xin được khoan hồng.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tiểng 12 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Cộng với án cũ, Tiểng phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù.
Liên quan tới Thuận và Khái, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố, ra quyết định truy nã để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, trong quá trình điều tra, bố đẻ của đối tượng Chu Đức Thuận cho biết con trai đã bỏ nhà đi từ lâu, gia đình và địa phương không nắm được. Hiện cơ quan công an đang ra thông báo truy tìm Thuận.
Còn đối tượng Bùi Đức Khái, tàng thư căn cứ công dân TP Hải Phòng không lưu giữ hồ sơ nào trùng khớp với thông tin của đối tượng, do vậy chưa xác định được đối tượng đang ở đâu, làm gì.
Riêng với anh Huỳnh Minh Hoàng, cơ quan điều tra xác định, do anh Hoàng tin tưởng em rể nên đã đứng ra ký tên trong hợp đồng thuê xe.
Anh Hoàng không biết mục đích của Tiểng là thuê xe để cầm cố, không bàn bạc thống nhất với nhóm của Tiểng, không được hưởng lợi gì nên hành vi không cấu thành tội và không bị xử lý hình sự.