Tìm việc làm thật trong không gian ảo: Lựa chọn mới của người khuyết tật
Gia đình có tới 7 nhân khẩu, lại sống trong khu rất tồn tàn, anh Nguyễn Khải (30 tuổi, ở phường 6, quận 4, TP.HCM) mong muốn tìm được việc làm để giúp đỡ gia đình. Thế nhưng cũng như bao người khuyết tật khác, quá trình tìm việc của anh Khải không hề dễ dàng. Lần gần đây nhất, anh Khải thử việc tại một công ty bất động sản nhưng thấy mình không phù hợp nên đành từ bỏ.
"Vẫn có định kiến đối với người khuyết tật. Có lần tôi nộp đơn nhưng công ty không gọi, có lẽ họ không tin tưởng mình. Cũng có khi tôi tìm được công việc phù hợp nhưng rất bất tiện khi di chuyển bởi nơi làm rất xa, ở tận Thủ Đức nên không thể đi được. Điều kiện làm việc ở những nơi tôi từng làm quá xuống cấp, xập xệ nên tôi muốn tìm công việc khác phù hợp với chuyên ngành của mình" - anh Khải chia sẻ với Tạp chí Thời đại và bày tỏ mong muốn tìm việc phù hợp với chuyên ngành thiết kế đồ họa, được "cầm tay chỉ việc" với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng.
Người khuyết tật tham gia tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật trên nền tảng online Metaverse 2022. |
Hoàn cảnh của anh Trần Nam Thắng (46 tuổi, ở Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) cũng đầy khó khăn. Vợ làm công nhân, con gái 11 tuổi đang đi học, bản thân anh Thắng là người khuyết tật trí tuệ, bị tâm thần nhẹ nên áp lực kinh tế đè nặng lên vai người vợ. Anh Thắng từng làm đủ thứ việc, từ công nhân đến bán hàng cho công ty máy tính, siêu thị... nhưng trở ngại về sức khỏe khiến công việc của anh rất bấp bênh, lúc có lúc không.
"Vì khả năng tiếp thu và làm việc chậm hơn người khác nên tôi phải đổi công việc nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được việc phù hợp", anh Thắng bày tỏ mong muốn tìm công việc liên quan đến lĩnh vực tin học văn phòng, công nghệ thông tin, trực tuyến hoặc làm thủ công, nhập liệu tại nhà với mức lương từ 4 triệu đồng trở lên.
Nhà nghèo, bố mất sớm, hai anh lấy vợ và ra ở riêng, chị chị Trần Phương Thảo (24 tuổi, ở Na Hang, huyện Na Hang, Tuyên Quang) ở cùng mẹ. Do bản thân bị khuyết tật vận động nên mọi sinh hoạt của chị phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Công việc duy nhất chị Thảo làm suốt 9 năm qua là bán hàng online, nhưng công việc này cũng vô cùng vất vả, bấp bệnh, khi lời khi lỗ, mà lời thì chẳng được bao nhiêu. Chị muốn tìm công việc ổn định hơn liên quan đến máy tính, nhập số liệu hoặc làm online, bán hàng online với mức lương từ 3-4 triệu đồng.
Bởi vậy, khi biết đến sự kiện Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật trên nền tảng Metaverse 2022 thông qua mạng xã hội hay giới thiệu của Hội người khuyết tật, chị Thảo, anh Thắng, anh Khải rất vui mừng vì có thể ngồi nhà, không phải mất công và mất tiền di chuyển mà vẫn tham gia phỏng vấn được. Tại sự kiện này, ngoài việc tương tác, trao đổi thông tin hay trả lời phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp, các anh chị còn được hướng dẫn kỹ năng viết CV và phỏng vấn xin việc, cùng nhau chia sẻ về những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải trong quá trình tìm việc. Đặc biệt, anh Nguyễn Khải rất hồ hởi khi được nói chuyện tiếng Anh với người Hàn Quốc và được tư vấn nhiều.
Lần đầu biết đến công nghệ thực tế ảo, anh Thắng bất ngờ khi di chuyển nhân vật của mình tới gần người khác, microphone sẽ tự động kết nối, cho phép anh trò chuyện ngay lập tức. Tương tự, khi tham gia tọa đàm, anh cùng nhiều khách mời có thể tụ họp tại một địa điểm và cùng bật mic để trao đổi. Anh còn nghe được âm thanh của người khác, gợi cảm giác của một văn phòng thật.
"Không phải đi đâu khỏi nhà, mà vẫn được làm quen, trò chuyện với nhiều người giống như mình nên tôi rất thích. Có thể vừa làm việc nhà vừa tham gia được nên rất tiện lợi", anh Thắng nhận xét.
Tham gia Ngày hội việc làm có 9 nhà tuyển dụng, trong đó có Công ty TNHH Truyền số liệu Lotte Việt Nam; HTX Vụn Art; Công ty TNHH Yedda; Công ty TNHH Esoft Vietnam; Công ty Cổ phần Kym Việt; Công ty Tokyo Life; Doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade...
Hào hứng với hình thức tuyển dụng mới mẻ này, chị Vũ Thị Lệ, nhân viên truyền thông của Tokyo Life cho biết, hình thức tuyển dụng qua công nghệ thực tế ảo giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí so với hình thức tuyển dụng thông thường. Hiện tại doanh nghiệp chị đang có 2-3 mô hình dành cho người khuyết tật, trong đó có một xưởng may. Vì thế, tham dự sự kiện, doanh nghiệp muốn tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, tiếp cận gần hơn với nhiều dạng người khuyết tật khác nhau về đặc điểm tâm sinh lí, để xây dựng các mô hình phù hợp.
"Chúng tôi đang tuyển nhân viên may tại xưởng, yêu cầu là có khả năng may, có kinh nghiệm và có sức khỏe. Người lao động được tuyển dụng sẽ được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, lương tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm và sẽ có những chế độ phúc lợi phù hợp với từng đối tượng và mức độ khuyết tật của người lao động", chị Vũ Thị Lệ cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Công ty CP thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade cho biết công ty chị muốn tuyển các học viên làm quà tặng lưu niệm, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, marketing online…
"Người lao động được cung cấp chỗ ăn, ở và làm việc, mức lương trả theo sản phẩm, làm nhiều hưởng nhiều. Chẳng hạn, một sản phẩm bán ra 300.000 đồng, người lao động sẽ nhận được 150.000 đồng", chị Thương nói.
Tỷ lệ có việc làm của người khuyết tật tại Việt Nam đang còn thấp, đặc biệt khi đại dịch COVID - 19 bùng nổ, cơ hội tìm việc của người khuyết tật càng trở nên hạn chế. Sự kiện Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật trên nền tảng Metaverse 2022 do Chương trình Tình nguyện Quốc tế World Friends Korea tổ chức hồi đầu tháng 5/2022 nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người khuyết tật, mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật vận động tại Hà Nội thông qua nền tảng Metaverse. Chương trình Tình nguyện Quốc tế World Friends Korea được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và tổ chức Global Civic Sharing (GCS) thực hiện. |