'Tiến về Hà Nội' - Bài hát 'tiên tri' ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
"Tiến về Hà Nội' - bài hát tiên tri ngày 10/10
Hàng năm cứ đến ngày Giải phóng thủ đô 10/10, bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao lại được vang lên như một bản hùng ca gợi nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử của thủ đô. Đây cũng được coi là bài hát kỳ lạ nhất, khi có những ca từ trùng khớp với những gì diễn ra sau đó.
Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh: TL. |
"Tiến về Hà Nội" được sáng tác năm 1949, 5 năm trước ngày Hà Nội được giải phóng hoàn toàn. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.
Lễ chào cờ lịch sử ngày 10/10/1954
Buổi chiều 10/10/1954 diễn ra Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa. Đứng chủ trì lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng. Đoàn quân nhạc do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử Quốc thiều. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.
Năm 2019 là kỷ niệm bao năm ngày giải phóng thủ đô?
Năm 2019 là kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô. Ngày 21/7/1954, hiệp định Geneve được ký kết tại Thụy Sĩ. Theo đó, Pháp thừa nhận thất bại ở Đông Dương, tuyên bố sẵn sàng rút quân khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn. Ngày 10/10/1954, Thủ đô được giải phóng, người dân đón chào đoàn quân tiến về Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn.
Ngày những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên
16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Đơn vị đầu tiên rút ra khỏi Hà Nội năm 1947 lại là đơn vị đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô năm 1954
Theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hội nghị Trung Giã của Ủy ban Liên hiệp đình chiến, Hà Nội thuộc khu vực 80 ngày, Hải Phòng thuộc khu vực 300 ngày để quân Pháp rút.
Ngày 8/10/1954, đúng 80 ngày sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20/7/1954), tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Một đoàn cán bộ dân chính hơn 200 người do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu đã vào Hà Nội ngày 2/10/1954. Ngày 8/10/1954, quân viễn chinh Pháp làm lễ hạ cờ.
Ngày 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đấy. Đến 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Hà Nội. Đó là quá trình tiếp quản Thủ đô.
Sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca có vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô là một sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy, vì đó chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Thủ đô hồi đầu kháng chiến toàn quốcTiểu đoàn chọn 215 người, trong số hơn 400 cán bộ chiến sĩ, chia làm 35 tổ vào tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, hai tổ vào tiếp quản Nhà máy nước và điện, mỗi tổ 13 người do đại đội trưởng và chính trị viên đại đội chủ công 261 chỉ huy.Hai ngày cùng canh gác chung với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn.
Tờ báo của Hà Nội ra số đầu đúng vào ngày 10/10/1954
5h sáng ngày 10/10/1954, Báo Thời mới, tờ nhật báo duy nhất của Thủ đô giải phóng, ra số đầu tiên chào mừng chiến thắng của quân dân ta, tập trung làm nổi cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và bộ đội trở về sau bao ngày mong đợi. Ông Hiền Nhân được cử làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của tờ báo này.