Tiến sĩ Việt trong top 5 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Úc
Cho phép các hãng hàng không trong nước tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt về nước
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa đồng ý chủ trương cho phép các hãng hàng không trong nước tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa vừa chấp thuận cho 9 chuyến bay riêng, do các doanh nghiệp tự lo mọi chi phí phòng ngừa COVID-19, điều trị cho những người Việt Nam được đưa về nước, nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
|
Người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh
Vừa qua, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã thay mặt Nhà nước Pháp trao Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho Giáo sư Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (theo sắc lệnh do Tổng thống Pháp ký ngày 23/9/2020). Đây là tấm Huân chương cao quý và danh giá dành trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho Nhà nước Cộng hòa Pháp.
|
TS Nông Ngọc Duy hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu quốc gia của Úc (CSIRO). Ngoài việc tham gia vào các dự án của Chính phủ và dự án đa quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu về an ninh năng lượng, lương thực và biến đổi khí hậu, mới đây, anh còn được phong làm Phó giáo sư tại Trường ĐH Griffith.
Nhiệm vụ của anh tại đây là xây dựng trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng và chính sách, giúp cải thiện mảng nghiên cứu kinh tế năng lượng và chính sách công cho nhà trường, sinh viên.
Hơn 10 năm trước, khi bắt đầu bước chân sang Úc, chàng trai trẻ Nông Ngọc Duy vẫn chưa mường tượng được con đường đi của mình trong tương lai sẽ như thế nào. Anh đi ra nước ngoài chỉ với một mong muốn duy nhất, là “xem môi trường học tập, làm việc và nghiên cứu trên thế giới ra sao”.
“Tôi vốn học ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quốc gia TP.HCM. Giảng viên của trường đa phần là những người từng học tập ở nước ngoài trở về nên sinh viên chúng tôi cũng được tiếp nhận khá nhiều kiến thức bổ ích.
Ngay đến giáo trình, tài liệu, thầy cô cũng đem về cập nhật cho sát với thực tiễn để truyền dạy cho sinh viên. Điều đó đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm nhiều vấn đề trong nước và thế giới. Chính sự khơi gợi ấy đã thôi thúc tôi sau khi học xong phải đi ra nước ngoài, trước hết là để mở mang tầm mắt”.
Ban đầu anh Duy đi học theo diện tự túc, vừa học vừa làm thạc sĩ về Kinh tế lượng tại Đại học New England (Úc). Sau 2 năm, anh tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ và giành được học bổng học lên tiến sĩ về xây dựng mô hình kinh tế tổng thể và nghiên cứu tác động của chính sách chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia.
“Trong khoảng thời gian đó, nhờ thành tích học tập xuất sắc bậc thạc sĩ, tôi may mắn được thầy tôi – GS Mahinda Siriwardana – tạo điều kiện cho cùng tham gia vào một số dự án của chính phủ Úc tài trợ, liên quan đến vấn đề giảm thiểu lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng nhờ quãng thời gian tham gia dự án cùng thầy, tôi đã học được phương pháp và lý thuyết, cùng với ứng dụng một số kiến thức để đánh giá chính sách về biến đổi khí hậu lên các quốc gia khác ngoài dự án nghiên cứu”.
Kết thúc quãng thời gian này, anh Duy đã có khoảng hơn 3 năm rời xa nước Úc để tới nghiên cứu và giảng dạy tại Trường ĐH Colorado State (Mỹ) và Trường ĐH Bonn (Đức).
“Làm việc tại Úc, tại Mỹ rồi lại qua Đức, tôi thấy các quốc gia đều chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, nhưng theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, ở Mỹ người ta thường làm nghiên cứu chuyên sâu với các nhóm nghiên cứu có quy mô lớn, liên kết trong nhiều lĩnh vực ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu; trong khi ở Đức lại chú trọng vào những hướng nghiên cứu mới”.
Qua đó, tôi cũng học thêm được nhiều điều về cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề, biết thêm những kinh nghiệm quý báu để phát triển năng lực làm nghiên cứu khoa học của bản thân”.
Hơn một năm sang Đức làm việc, khi biết chính phủ Úc đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc gia, anh Duy quyết định quay trở lại mảnh đất đầu tiên mình từng đặt chân đến để nghiên cứu và làm việc.
Hiện tại, TS Nông Ngọc Duy đang tham gia vào các dự án đa quốc gia, làm việc cùng nhiều nhà khoa học đến từ các nước như Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo, Mỹ, Canada, ... Hướng nghiên cứu của anh tập trung vào vấn đề an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Trước thực trạng gia tăng dân số, khai thác quá mức nhiên liệu hóa thạch, khí thải, rác thải nhựa, hướng nghiên cứu này cũng đang là vấn đề bức thiết đặt ra trên toàn cầu và được chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học ở nhiều quốc gia chú trọng đầu tư.
Đi ra nước ngoài, có một điều anh Duy luôn tự dặn bản thân để có thể tồn tại, là mình phải cố gắng hơn người bản địa rất nhiều lần.
“Nhiều người luôn nghĩ đi ra nước ngoài là rất sướng. Nhưng thực tế, có không ít khó khăn, vất vả mình phải đánh đổi. Vùng đất đầu tiên tôi đặt chân đến là Armidale với khoảng 22.000 dân, rộng trên 80km2. Có khoảng thời gian, hai vợ chồng tôi đã phải đeo trên vai túi báo địa phương nặng 10-15kg, để đem phát đến một nửa số dân trong vùng.
Đó là những ngày hè 5 giờ sáng phải dậy đi làm; đến 5 giờ chiều lại đi làm ở nhà hàng Thái; 9 giờ tối về đi phát báo địa phương cho đến 2 giờ sáng hôm sau. Có những lúc đầu gối như muốn cắm xuống đất, nhưng vẫn phải tự nhủ, đó là cơ hội mình phải nắm lấy”.
10 năm ở nước ngoài với rất nhiều đánh đổi và nỗ lực, kết quả nghiên cứu của TS Nông Ngọc Duy đã được ghi nhận. Trong năm 2020, anh được vinh danh là 1 trong 5 nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi hàng đầu nước Úc về lĩnh vực khoa học xã hội.
Giải thưởng này nhằm tôn vinh các nhà khoa học trẻ đang công tác tại Úc, có những bài báo khoa học xuất sắc trên các tạp chí đầu ngành ở nhiều lĩnh vực. Các nhà khoa học trẻ được vinh danh ở giải thưởng này không những phải đóng góp giải quyết các vấn đề của nước Úc mà còn tạo ra các giải pháp giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề ở các khu vực kém phát triển.
Nghiên cứu của TS Nông Ngọc Duy đã tạo ra những mô hình, phương pháp tiến bộ giúp đánh giá rõ nét, sâu rộng ảnh hưởng của các chính sách biến đổi khí hậu lên nền kinh tế Úc và các quốc gia khác như Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ,...
Giải thưởng này cũng ghi nhận đóng góp của anh trong các nghiên cứu giải quyết vấn đề về rác thải nhựa, băng tan trên Bắc Cực, an sinh xã hội của đồng bào thiểu số đối với các vấn đề thiên tai lũ lụt gây ra do biến đổi khí hậu,...
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Duy đã công bố được hơn 30 bài báo khoa học trên những tạp chí hàng đầu như Energy Economics, Applied Energy, Energy Policy, Energy, Journal of Environmental Management, Journal of Cleaner Production, Environmental Science and Policy,… Trong số đó, có 1/3 nghiên cứu của anh liên quan đến những vấn đề tại Việt Nam.
Dự án gần nhất TS Duy cùng 17 nhà khoa học người Việt ở trong và ngoài nước đang thực hiện liên quan đến vấn đề truyền tải và sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và nguồn năng lượng tái tạo ở tất cả các khu vực ở Việt Nam.
Ngoài các dự án hướng về Việt Nam, TS Nông Ngọc Duy cũng dành nhiều thời gian hỗ trợ các bạn trẻ phương pháp nghiên cứu khoa học và cách viết bài báo khoa học.
Anh Duy thẳng thắn nhìn nhận, điểm mạnh của các bạn trẻ ở Việt Nam là nhiệt tình, hăng hái làm nghiên cứu khoa học; tuy nhiên, mức độ tiếp cận vấn đề nghiên cứu vẫn chưa đạt được đến độ chuyên sâu và chuyên môn cần thiết.
“Trước đây, môi trường khoa học của Việt Nam tương đối mạnh trong khu vực, đặc biệt là khi so sánh với các nước như Indonesia hay Malaysia. Nhưng hiện tại, các quốc gia ấy lại đang phát triển mạnh mẽ.
Chúng ta phải cải thiện phương pháp nghiên cứu, tập trung theo hướng chuyên sâu, nâng tầm cách viết, cách trình bày kết quả, và tăng cường hợp tác trong nước cũng như trên thế giới.
Việc liên kết với các giáo sư, nhà nghiên cứu người Việt nổi tiếng trên thế giới rất hữu ích để đẩy nhanh quá trình học hỏi và chuyển giao tri thức, giúp cho các bạn trẻ có những phương pháp nghiên cứu tốt hơn, tiếp cận vấn đề đúng hướng hơn và có những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa hơn”.
TS Duy cho rằng, nhiều người không coi trọng cách viết một bài báo khoa học. Nhưng thực tế, dù kết quả nghiên cứu có tốt đến đâu, nếu cách truyền tải không mạch lạc, logic, cũng rất khó để người đọc, công chúng, các nhà hoạch định chính sách hiểu được ý nghĩa, tính ứng dụng của nghiên cứu ấy.
Bên cạnh đó, không ít nghiên cứu vẫn chỉ nằm trên giấy, khó ứng dụng vào thực tiễn cũng như để làm tài liệu tham khảo khoa học. Con số này, theo anh đánh giá, có thể lên tới 70% - 80% và chủ yếu rơi vào những nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí ít tên tuổi.
Nhưng không phải tất cả các nghiên cứu trên những tạp chí tốt, có tên tuổi lâu năm đều có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Việc “thị trường hóa” môi trường khoa học, theo TS Nông Ngọc Duy, có thể sẽ tạo ra những sản phẩm thiếu chất lượng, hời hợt về mặt khoa học, không được kiểm định đầy đủ và cũng không có tính ứng dụng cao trong thực tế.
“Nghiên cứu sẽ có giá trị cao khi đề cập và giải quyết những vấn đề bức thiết, nóng hổi trong cuộc sống. Đôi khi, những vấn đề nổi cộm được nhiều người tập trung nghiên cứu, tưởng chừng cũ nhưng không hẳn vậy.
Chẳng hạn như với lĩnh vực an ninh năng lượng hay an ninh lương thực, đó đều là những vấn đề rất rộng và đang được rất nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu. Nhưng nếu mình đi sâu vào từng khía cạnh rất nhỏ, tạo được điểm ‘mũi nhọn’ để phát triển thành lĩnh vực chuyên môn của mình, thì chắc chắn nghiên cứu ấy sẽ có sức ảnh hưởng và tác động được vào thực tiễn”, TS Nông Ngọc Duy khẳng định.
Để thực tiễn hoá các nghiên cứu hay tạo ra các nghiên cứu có sức ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học, TS Duy nhận định nhà nghiên cứu đầu tiên cần phải có sự kiên trì trong thời gian dài và không được nóng vội trong các nghiên cứu của mình.
Thúy Nga - Hữu Đức - Phương Thu
Việt kiều Úc Tạ Thu Hằng: Tôi đang tìm kiếm cơ hội để hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam
Là một người Việt tại Úc, PGS.TS Tạ Thu Hằng luôn mong muốn mang những nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y tế của mình về Việt Nam để phát triển, giúp đỡ quê hương đất nước.
|
VCA - nơi kết nối người Việt khắp nơi trên thế giới trong ngành Khoa học và Kỹ thuật hoá học
Nhóm hiện tại có gần 3.500 người theo dõi đến từ 45 quốc gia trên khắp thế giới.
|