Tiến bước dưới quân kỳ: Niềm tin và yêu thương nối liền tiền tuyến - hậu phương
Phía sau người lính
Không chỉ tôn vinh những chiến công hào hùng trên chiến trường, chương trình còn nhấn mạnh vai trò của hậu phương - nơi những người mẹ, người vợ đã thầm lặng hy sinh để người lính yên tâm chiến đấu.
Trong kháng chiến chống Mỹ, 70% số gia đình miền Bắc có người thân lên đường ra trận, nhiều gia đình hai thế hệ cha, con cùng chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Những người phụ nữ ở lại quê nhà một tay chăm sóc gia đình, một tay cầm cuốc trên đồng, tạo nên điểm tựa vững chắc để hướng đến chiến thắng
Một câu chuyện xúc động là của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tình báo Ba Quốc). Bà Đặng Thị Chính Giang, con gái Thiếu tướng Đặng Trần Đức, kể: "Bố nói với mẹ phải lấy một người để che đậy lý lịch để đi làm công tác. Mẹ tôi kể cũng choáng váng, mất mát. Bố nói với mẹ chỉ mất hai năm thôi, rồi lại sum họp nhưng không ngờ sau quyết định đó, 21 năm sau, cụ bà mới gặp được cụ ông. Người ta cứ nghĩ mẹ tôi bị chồng bỏ, bố tôi phản quốc".
Thế nhưng suốt 21 năm, bà Thanh, vợ của Thiếu tướng Đặng Trần Đức, cố mạnh mẽ, không rơi một giọt nước mắt nào trước mặt con. Bà chỉ giải thích ngắn gọn với các con rằng bố không phản quốc. Niềm tin ấy giúp gia đình bà vượt qua mọi thử thách, minh chứng cho lòng trung thành và tình yêu son sắt giữa thời chiến.
Bà Đặng Thị Chính Giang kể về bố mẹ trong chương trình "Tiến bước dưới quân kỳ". |
Câu chuyện của mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy cũng để lại nhiều cảm xúc. Năm 2008, ở tuổi 57 tuổi, bà Thủy trở thành người phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi nhất được phong bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cả chồng và con trai của bà đều công tác trong lực lượng không quân và hy sinh khi làm nhiệm vụ. Những kỷ vật của hai liệt sĩ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
"Bố mất, tôi nói với con trai không nên đi bay nữa mà về với mẹ. Nhưng con không nghe, nói yêu nghề này và sẽ đi theo nghề của bố. Tôi tự hào vì chồng, con đã cống hiến cho đất nước, nhân dân, hy sinh để cứu người", bà Thủy kể.
Những lá thư thời chiến
Những lá thư viết từ chiến trường là sợi dây kết nối yêu thương giữa người lính và hậu phương. Mỗi lá thư là một câu chuyện nhỏ nhưng mang sức mạnh lớn, thể hiện tình yêu gia đình thấm đẫm tình yêu đất nước.
Ông Hoàng Nam Tiến, con trai của cố Thiếu tướng Hoàng Đan, xúc động đọc lại những lá thư ba viết cho mẹ, bà Nguyễn Thị An Vinh.
Ông Hoàng Nam Tiến (ngoài cùng bên phải), con trai của cố Thiếu tướng Hoàng Đan đọc lại những lá thư ba viết cho mẹ. |
Trong thư ngày 5/11/1974, Thiếu tướng Hoàng Đan viết: "Em, từ một địa điểm cách em đúng ngàn dặm. Trong chiến hào bên súng địch - ta vẫn nổ, anh viết thư cho em. Vợ chồng nào cũng thương cũng nhớ nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhớ nhau nhiều nhất. Nhiều người nói khi đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại".
Ông Hoàng Nam Tiến kể, trong các lá thư gửi mẹ, ba ông thường kết bằng câu "anh thương em", "anh nhớ em" nhưng có một lá thư rất đặc biệt ngày 1/4/1975, ông lại kết bằng "Anh vẫn khỏe. Hẹn ngày gặp em trong chiến thắng".
"Ai cũng biết chiến tranh khi ấy khốc liệt thế nào. Và mỗi lần ba tôi ra đi, rất có thể sẽ không quay lại. Nhưng mẹ tôi luôn luôn tin rằng, với tất cả những gì mà gia đình dành cho ba tôi, ba tôi sẽ trở về.
Khi tôi đọc bức thư của ba, tôi chợt nhận ra tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, tình yêu gia đình thấm đượm tình yêu đất nước.
Đã có một thời kỳ, người ta biết vì đất nước họ có thể sống xa nhau nhưng đồng thời không thể tách rời hạnh phúc gia đình, tình yêu vợ chồng, tình yêu đôi lứa", ông Hoàng Nam Tiến nói.
Chương trình cũng tái hiện trích đoạn trong thư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm gửi mẹ ngày 10/6/1970: "Mẹ yêu ơi, nếu như con có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần. Dĩ nhiên lòng con bao giờ cũng ao ước được trở về với ba mẹ, với miền Bắc ngàn vạn yêu thương".
Một bức thư khác là của thượng úy Đỗ Sâm (Quân khu 5) gửi vợ vào tháng 4/1968 trước khi lên chiến trường Tây Nguyên chiến đấu: "Em hãy luôn tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục. Anh em mình cùng cố gắng trong đại gia đình vệ quốc".
Hay bức thư gửi gia đình của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng được chương trình nhắc lại có đoạn viết: "Dù cho chiến tranh có tàn khốc và man rợ đến đâu, có gây ra tang tóc, biệt ly, không thể nào cướp được đứa con trai của mẹ đâu. Tình yêu thương của bố mẹ, gia đình sẽ bảo hộ cho con. Cuối cùng, sau ngày chiến thắng nhất định con sẽ trở về với bố mẹ, vì vậy mẹ hãy yên tâm nhé!".
"Tiến bước dưới quân kỳ" không chỉ kể lại lịch sử mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về sức mạnh của tình yêu và niềm tin của con người Việt Nam trong thời khắc khốc liệt nhất. Những câu chuyện, những lá thư đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, đồng thời trở thành di sản tinh thần quý giá để thế hệ hôm nay trân trọng và tự hào. Trong bối cảnh hiện tại, những thông điệp từ chương trình không chỉ khơi gợi ký ức hào hùng mà còn nhấn mạnh ý nghĩa của hòa bình - điều mà những thế hệ trước đã đổ biết bao máu xương để giành lấy.