Thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong việc hình thành các sáng kiến chiến lược mới
Hội thảo diễn ra theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo APE, Bộ trưởng về vấn đề hội nhập của Ủy ban Kinh tế Á – Âu Sergey Glazev, Đại sứ thiện chí của UNESCO Ochirova Alexandra. Về phía Việt Nam có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga Nguyễn Quỳnh Mai.
Ban lãnh đạo Hội đồng các dân tộc Á – Âu tham dự Hội thảo tại đầu cầu Moscow. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký APE Andrey Belyaninov đã gửi lời chúc mừng đến các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa được tín nhiệm bầu vào các chức vụ quan trọng của đất nước. Ông cho biết nhân dân Nga luôn dõi theo những thành tựu của Việt Nam với tất cả chân thành và sự kính trọng, nhân dân hai nước đều chia sẻ những giá trị truyền thống. Ông Belyaninov chúc mừng Việt Nam hiện đã trở thành “con hổ mới nổi của châu Á” với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và thị trường rộng lớn. Đồng thời hy vọng hai nước sẽ cùng đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân trong thời gian tới.
Cùng chia sẻ quan điểm đó, Bộ trưởng Sergey Glazev khẳng định Việt Nam đang tích cực tham gia các tiến trình hội nhập khu vực, là tiên phong trong thiết lập khu vực thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ông bày tỏ vui mừng vì kim ngạch thương mại song phương Nga - Việt vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch COVID-19.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, học giả đánh giá cao sự phát triển năng động, cũng như vai trò, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; phân tích về khả năng kết nối các dự án và sáng kiến phát triển, cũng như tăng cường quan hệ đối tác, ngoại giao nhân dân trong không gian Á - Âu.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong bài tham luận “Vai trò của ngoại giao nhân dân trong việc duy trì, củng cố hòa bình, tình hữu nghị giữa các dân tộc và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các quan hệ đối tác ở khu vực”, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga thông báo vắn tắt về những mục tiêu và tầm nhìn đã nêu trong nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, trong đó có việc đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến giữa thế kỷ XXI.
Theo bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng ngoại giao nhân dân và sự đoàn kết giúp đỡ của quốc tế chính là một trong những nhân tố giúp Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch VUFO cũng nhấn mạnh, để phát huy vai trò trong việc duy trì, củng cố hòa bình, tình hữu nghị giữa các dân tộc và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các quan hệ đối tác ở khu vực, đối ngoại nhân dân cần tập trung bốn trọng tâm.
Trước hết, cần tăng cường tiếng nói chung mạnh mẽ thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, để duy trì, củng cố hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực, tập trung nỗ lực ứng phó với các thách thức chung.
Thứ hai, tích cực xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình hợp tác, các diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao... để phát huy vai trò kết nối, tạo dựng các khuôn khổ hợp tác mới, đưa các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả…
Thứ ba, cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân các nước như liên hoan nhân dân, diễn đàn hợp tác nhân dân, các tuần văn hóa, triển lãm, chiếu phim, thi nghệ thuật âm nhạc, hội hoạ, thể thao... để giới thiệu đất nước, con người, truyền thống, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Thứ tư, chú trọng thu hút sự tham gia của giới trẻ, các nhà khoa học, doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức... để mở rộng mạng lưới, xây đắp thêm những nhịp cầu hữu nghị.
Bà Svetlana Smirnova, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội đồng các dân tộc Á - Âu đánh giá tích cực về kết quả hội nghị lần này và tiềm năng hợp tác với Việt Nam, đồng thời chia sẻ về sự kiện “Ngày hội các dân tộc Á - Âu” dự kiến được tổ chức tại Việt Nam thời gian tới. Đây sẽ là một chương trình rất đa dạng, với nhiều hoạt động sôi nổi, gồm hợp tác thanh niên, giao lưu thể thao, diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu…
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, học giả đánh giá cao sự phát triển năng động, cũng như vai trò, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; phân tích về khả năng kết nối các dự án và sáng kiến phát triển, cũng như tăng cường quan hệ đối tác trong không gian Á - Âu. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại ở cấp độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân trong thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia.