Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - ADB trên các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm
Cùng dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Askawa; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, ngân hàng, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp riêng ngài Chủ tịch ADB và trao đổi mối quan hệ hợp tác hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tham dự lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam và ADB. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Phát biểu tại cuộc tiếp Chủ tịch ADB và lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, hiệu quả.
Khái quát về những chặng đường phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, có thể nói Việt Nam là dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh gây ra kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Có được những thành tựu này là nhờ tinh thần tự lực, tự cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có ADB.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không bao giờ quên các nước, bạn bè, đối tác quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất.
"Việt Nam trân trọng, biết ơn và đánh giá cao ADB là một trong những đối tác rất nhiệt tình với sự hỗ trợ hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông… Phục vụ nhu cầu phục hồi, phát triển cấp bách trong những năm tháng sau chiến tranh", Thủ tướng chia sẻ. |
Theo Thủ tướng, sau 30 năm, hợp tác giữa Việt Nam và ADB đã có nhiều kinh nghiệm hơn và đang ở trong giai đoạn trưởng thành, chín chắn nhất. Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai bên là không có giới hạn như phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, nhất là về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, các hoạt động hợp tác giữa ADB và Việt Nam càng cần sự trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án đầu tư phát triển mang tính chất xoay chuyển tình thế trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng mong muốn ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác phát triển khác, triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045. Thủ tướng đề nghị hợp tác giữa hai bên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân.
Thủ tướng cũng đề nghị ADB góp ý với Việt Nam các quy định, thể chế, thủ tục, chia sẻ để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm pháp lý của các nước khác; Việt Nam sẵn sàng tiếp thu. Thủ tướng cho biết sẽ phân công một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rút ngắn thời gian phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ của các đối tác tài trợ nói chung và của ADB nói riêng; tinh thần là giải quyết dứt điểm các vướng mắc, không để kéo dài, vướng ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, trường hợp vướng mắc tại quy định các luật, Chính phủ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tham quan khu trưng bày các hoạt động, dự án của Việt Nam từ nguồn vốn vay của ADB. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakaw ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế đồng đều của Việt Nam và cam kết của Việt Nam đối với các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu quan trọng như hành động khí hậu và trao quyền cho phụ nữ.
Song hành với các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, chiến lược ADB dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2026 là thúc đẩy tăng trưởng đồng đều, kinh tế xanh và phát triển khu vực tư nhân.
ADB cũng cam kết đóng vai trò là Ngân hàng Khí hậu khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ngài Chủ tịch cũng rất vui mừng khi Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã xây dựng một kế hoạch toàn diện cho quá trình chuyển đổi xanh. Bởi những cam kết này mang lại cho Việt Nam và khu vực con đường tốt nhất để tăng trưởng mạnh mẽ và lâu dài, bền vững và toàn diện. Chủ tịch Masatsugu Asakaw nhấn mạnh, đây cũng là một cơ hội đặc biệt để làm sâu sắc hơn sự hợp tác song phương.
Trong 30 năm qua (1993 - 2023), tổng số vốn tài trợ ADB dành cho Việt Nam đến nay đạt gần 18 tỷ USD cho khoảng 600 chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị... Đồng thời, ADB đã tài trợ 6,45 tỷ USD cho các giao dịch thương mại thông qua các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Thông qua các khoản tài trợ không hoàn lại, hoạt động tư vấn chính sách, ADB đã hỗ trợ cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nghiên cứu và hoạch định chính sách. Gần đây nhất, để ứng phó với đại dịch COVID-19, ADB đã hỗ trợ Việt Nam một số khoản viện trợ không hoàn lại hàng trăm triệu USD tài trợ thiết bị bảo hộ y tế; nâng cấp thiết bị y tế; sản xuất dược phẩm và cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nữ. |