Thừa Thiên - Huế kích cầu lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nhiều lao động trẻ tham gia phỏng vấn tuyển dụng để sang Nhật làm việc. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế |
Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết cho 3.686 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giai đoạn này chủ yếu tập trung vào ba thị trường chính: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, có thu nhập khá cao và bảo đảm tính an toàn cho người lao động.
Tuy số lượng lao động tham gia còn hạn chế so với các tỉnh trong khu vực, nhưng chất lượng được cải thiện rõ rệt. Nhất là về thu nhập cao gấp 4 - 6 lần so với mức thu nhập từ lao động trong nước. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), người lao động khi làm việc tại nước ngoài được bố trí việc làm ổn định, thu nhập trung bình từ 16 - 20 triệu đồng/tháng đối với thị trường Đài Loan; 25 - 35 triệu đồng/tháng đối thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tạo điều kiện thay đổi đời sống của người dân, nhiều người từ nghèo trở nên khá giả, nhiều người trở về nước đã trở thành các nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Nguồn: Báo Dân sinh |
Cùng với cả nước, Thừa Thiên - Huế đã chú trọng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện số lượng người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít, do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách hỗ trợ tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về vốn vay, các khoản phí tư vấn, học phí. Nhiều người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không thể đi được vì không có vốn hoặc thiếu vốn, đang rất cần sự hỗ trợ cho vay thêm từ ngân sách địa phương.
Liên quan vấn đề này, ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, cùng với Nghị định 61 của Chính phủ về hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Nghị định 74 sửa đổi bổ sung Nghị định 61, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 về quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, diện bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, thân nhân người có công với cách mạng được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, đào tạo kiến thức cần thiết, hỗ trợ vay vốn và các chi phí như: visa, thị thực, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, hỗ trợ đào tạo nâng cao theo nhu cầu của nước tiếp nhận.
Ngoài ra, đối với những người đi làm việc ở nước ngoài không thuộc các nhóm đối tượng trên, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ khác với những năm trước đây, được tạo điều kiện nhiều hơn. Đó là được hỗ trợ ban đầu về học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ tín chấp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, thị trường lao động trong tỉnh có đặc thù riêng vì vậy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp rất quan trọng. Nguồn lực của tỉnh không lớn nhưng trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ có chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực đưa người lao động đi làm tại nước ngoài với mục tiêu giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Kế hoạch Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, năm 2021: 1.800 người; năm 2022: 2.000 người; năm 2023: 2.050 người; năm 2024: 2.050 người và năm 2025: 2.100 người. |