Cuối năm 2022: phấn đấu giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, nên giảm nhu cầu sử dụng, tuyển dụng nhân sự. Thực trạng này khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi tăng cao.
Để người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4% vào cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường lao động hồi phục, phát triển.
Trong đó, giải pháp trọng tâm là nâng cao chất lượng của các phiên giao dịch việc làm để cung gặp cầu về lao động; đồng thời chú trọng mở rộng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được chú trọng, phấn đấu đưa hoạt động này sôi động trở lại trong tháng 5, tháng 6.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường lao động hồi phục, phát triển. Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet |
Năm 2022, Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động, qua đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%.
Cụ thể, trong kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2022, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, qua rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng nguồn lao động trên địa bàn thành phố trước, trong và sau dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về. Đồng thời, rà soát doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang sử dụng chuyên gia, lao động nước ngoài, nhanh chóng xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc thủ tục để chuyên gia, lao động nước ngoài sớm làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng xây dựng phần mềm cung cấp thông tin nguồn lao động và kết nối cung cầu lao động trên địa bàn Thủ đô.
Để phát triển thị trường lao động, Hà Nội tiếp tục tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả của hệ thống sàn giao dịch việc làm; xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn…