Thông tin pháp luật sáng 9/10: Phá đường dây dùng phiếu lĩnh lương hưu “rởm” mang cầm cố
Thông tin pháp luật chiều 8/10: Bắt nhóm cướp giật liên tỉnh tấn công cả cảnh sát |
Thông tin pháp luật sáng 8/10: Chửi bà hàng xóm vì làm "mất hứng hát", người đàn ông bị đánh tử vong |
Mở cửa nhà, tá hỏa phát hiện thi thể nữ giới được quấn khăn đang phân hủy
Cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc |
Chiều tối 8/10, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, các đơn vị nghiệp vụ đang điều tra làm rõ cái chết của một người phụ nữ trong ngôi nhà ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh.
Khoảng 14h ngày cùng ngày, ông Phan Hoàng Th. (xã Tam Lộc) mở cửa nhà mình thì tá hỏa phát hiện một thi thể được quấn khăn, đang phân hủy nặng nên trính báo công an.
Các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Nam cùng Viện kiểm sát sau đó đã có mặt tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong.
Qua khám nghiệm ban đầu, cơ quan chức năng xác định thi thể là nữ giới, chưa rõ thời gian tử vong do đã phân hủy nặng.
Được biết, gia đình ông Th. có 2 ngôi nhà, căn nhà ở xã Tam Lộc không còn ở hơn một tháng nay. Chiều cùng ngày, ông Th. về ngôi nhà này mở cửa thì hoảng hồn phát hiện vụ việc.
Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ việc có dấu hiệu hình sự và đang tập trung làm rõ kẻ gây án.
Bắt giữ kẻ giết bố đẻ do ảo giác
Lý Văn Tình. Ảnh: Công an Nhân dân |
Ngày 8/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng cho biết vừa tiến hành Bắt giữ đối tượng Lý Văn Tình (SN 1976) về hành vi giết người.
Trước đó, khoảng 17h ngày 7/10, Công an huyện Hoà An nhận được tin báo trên địa bàn xóm Bản Hoá, xã Dân Chủ, huyện Hòa An xảy ra một vụ giết người.
Ngay sau khi nhận tin báo, Công an huyện Hoà An đã triển khai lực lượng nắm tình hình, xác định và truy tìm hung thủ.
Với tinh thần khẩn trương, Công an huyện Hòa An đã xác định được hung thủ gây ra vụ án là Lý Văn Tình.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ban giám đốc, Công an huyện Hòa An đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bảo vệ hiện trường vụ án và giữ đối tượng Lý Văn Tình.
Theo cơ quan điều tra: Lý văn Tình là con trai ông Lý Văn Mậu (SN 1938). Đối tượng Tình đã giết bố đẻ bằng một con dao kim loại màu đen, dài khoảng 40 cm.
Nhận định ban đầu: do Tình nghiện rượu sinh ảo giác, nghĩ ông Mậu là con lợn nên đã dùng dao chém giết bố. Vụ việc đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Điều tra vụ cắt trộm dây điện ở sân bay Cát Bi
Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. Ảnh: Dân Trí |
Ủy ban an ninh hàng không đề nghị cục An ninh kinh tế A04, cục An ninh nội địa A02, Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố Hải Phòng vào cuộc làm rõ vụ dây điện sân bay Cát Bi bị kẻ gian cắt trộm.
Thông tin từ cơ quan an ninh hàng không, trong đêm 6/10, rạng sáng 7/10, đường cáp điện tại sân bay Cát Bi bị kẻ gian cắt trộm. Một số đoạn bị cắt trộm trước đó đã được khắc phục nhưng nay cũng bị kẻ gian phá hoại.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên, đường dây điện tại sân bay này bị cắt trộm. Trước đó, khoảng 9h30 ngày 5/10, lực lượng tuần tra sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đã phát hiện đường điện đầu đường băng 07 của sân bay bị kẻ gian cắt trộm.
Qua kiểm tra, đoạn cáp điện ba pha bị cắt dài khoảng 150m nằm phía trên đường dẫn qua sông Cầu Rào. Ngoài ra, kẻ trộm còn cắt 10 trụ hộp điều khiển đèn chớp phía giáp hàng rào sân bay.
Sau khi phát hiện vụ việc, Cảng hàng không Cát Bi và đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc đã cử lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đến bảo vệ hiện trường, đồng thời báo cáo Công an quận Dương Kinh, các phòng nghiệp vụ Công an TP.Hải Phòng để điều tra, xác minh.
Mặc dù đường điện sân bay này không ảnh hưởng tới các hệ thống đèn phục vụ máy bay cất hạ cánh và không ảnh hưởng tới hoạt động bay tại sân bay Cát Bi, tuy nhiên, xét về góc độ an toàn hàng không, đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn hàng không nếu tiếp tục xảy ra vụ việc tương tự.
Vì vậy, để ngăn chặn kẻ gian phá hoại, trộm cắp đường dây cung cấp điện đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Văn phòng Ủy ban An ninh hàng không đã đề nghị cục An ninh kinh tế (A04), cục An ninh nội địa (A02) - bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố Hải phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sớm xác minh, điều tra làm rõ sự việc trên và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, phía Ủy ban An ninh hàng không cũng đề nghị các đơn vị chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để sự việc tương tự tiếp tục xảy ra.
Phá đường dây dùng phiếu lĩnh lương hưu “rởm” mang cầm cố
Các bị cáo bị tuyên phạt tổng cộng 50 năm tù. Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đưa ra xét xử vụ án Hồ Văn Nhớ cùng 8 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tổng mức án gần 50 năm tù.
Các bị cáo trong vụ án gồm Hồ Văn Nhớ (41 tuổi), Lê Văn Tên (70 tuổi), Lê Hồng Nổi (58 tuổi), Hồ Văn Thiêm (65 tuổi), Nguyễn Anh Thái (64 tuổi), Hồ Văn Thế (80 tuổi), Lê Văn Ta (48 tuổi), Hồ Văn Lực (63 tuổi) và Vũ Đình Phương (70 tuổi, cùng ngụ huyện A Lưới).
Bị cáo Nhớ là cán bộ Bưu điện huyện A Lưới, được phân công phụ trách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho người dân và cán bộ hưu trí 3 xã ở A Lưới. Từ năm 2015, Nhớ cần tiền tiêu xài nên đã vay tiền của một số đối tượng (không rõ họ tên), dẫn đến mắc nợ một số tiền lớn. Nhớ thậm chí không thể nhớ cụ thể mình nợ bao nhiêu.
Đến tháng 6/2016, do không có tiền trả nợ, Nhớ đã nảy sinh ý định lừa đảo. Quá trình làm việc, Nhớ biết có một số cán bộ hưu trí đưa phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH đi cầm cố để vay tiền một số người dân trên địa bàn rồi hàng tháng dùng chính lương hưu này để trả.
Nhớ dò hỏi một số người cho vay tiền thì biết được họ sẽ cho vay nhưng phải có phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH thế chấp cầm cố, hàng tháng phải trả tiền gốc và lãi. Thời gian này, với chức trách nhiệm vụ của mình, hàng năm Nhớ đều được cơ quan giao quản lý, sử dụng phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH (chưa ghi các thông tin cá nhân cụ thể, nhưng đã có chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị) của tất cả cán bộ hưu trí và người hưởng trợ cấp BHXH thuộc 3 xã Nhớ phụ trách.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Nhớ tự mình ghi giả các thông tin cá nhân của một người nào đó vào phôi phiếu gồm 4 mục: tên, địa chỉ, số phiếu, số tiền được chi trả hàng tháng. Tiếp đó, Nhớ tìm các đối tượng Tên, Nổi, Thiêm, Thái, Phương, Thế (đều là những người dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới và trong độ tuổi nghỉ hưu sao cho gần giống với thông tin của người ghi trong phiếu do Nhớ bịa ra trước đó). Nhớ bày cho họ cách đóng giả làm người có tên trong phiếu.
Ban đầu, Nhớ trực tiếp đưa họ đến gặp những người cho vay tiền, nói dối là cần vay tiền để trồng cây, xây nhà… và sẽ cầm cố bằng phiếu của mình, hàng tháng trả tiền gốc và lãi. Mỗi phiếu vay 30-50 triệu đồng, trả hàng tháng 4-5 triệu đồng, trả thành 12 tháng (tương đương lãi suất 20%/ năm).
Để làm tin, mỗi người vay tiền đều phải viết giấy vay mượn tiền với người cho vay nên Nhớ, Tên, Nổi, Thiêm, Thái, Phương và Thế khi đóng giả làm người đi vay tiền đều phải trực tiếp viết và ký vào mục người vay tiền. Đồng thời, để người cho vay tin tưởng mình (hoặc tin tưởng vào những đối tượng mà Nhớ cho đóng giả tới vay tiền), Nhớ đã lấy danh nghĩa là cán bộ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của Bưu điện huyện A Lưới để đứng ra ký vào mục người làm chứng trong giấy vay mượn tiền, nhằm đảm bảo (giả) cho việc trả tiền gốc và lãi hàng tháng của người vay.
Mặt khác, Nhớ còn thỏa thuận mình sẽ là người đứng ra trả tiền gốc và lãi vay hàng tháng theo giấy vay tiền cho các chủ nợ đúng hạn, những người đi vay tiền không phải là người trả. Vì thế, những người cho vay tiền đều tin là thật, không nghi ngờ gì.
Trước thủ đoạn này, người cho vay tiền không hề nghi ngờ gì, luôn đồng ý cho vay số tiền theo yêu cầu của Nhớ. Những lần vay này thì Tên, Nổi ký vào mục người làm chứng (vì trước đó Tên, Nổi đã sử dụng tên giả của mình trong phiếu vay tiền), người được thuê ký vào mục người vay tiền.
Sau khi chiếm đoạt được tiền, người được thuê đưa tiền về cho Tên, Nổi, rồi Tên, Nổi lại đưa về cho Nhớ và được Nhớ trả công từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/lần. Tên, Nổi dùng tiền này trả công tiếp cho các đối tượng đóng thế từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/lần.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Nhớ sử dụng để trả nợ vay trước đó, tiêu xài cá nhân và dành một phần để trả tiền lãi hàng tháng cho người bị hại đầy đủ theo thỏa thuận nên không ai phát hiện ra, mà còn tiếp tục cho Nhớ (hoặc đồng bọn) vay tiếp.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2018, Nhớ và đồng bọn chiếm đoạt tiền của 5 bị hại với tổng số tiền trên 11 tỷ. Trong đó Nhớ thực hiện 226 lần, chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng. Tên thực hiện 188 lần, chiếm đoạt được hơn 9,3 tỷ đồng. Nổi thực hiện 50 lần, chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng. Thái thực hiện 3 lần, chiếm đoạt 140 triệu đồng. Thêm thực hiện 4 lần, chiếm đoạt 180 triệu đồng. Thế thực hiện 2 lần, chiếm đoạt 70 triệu đồng. Ta thực hiện 1 lần, chiếm đoạt 50 triệu đồng. Phương thực hiện 1 lần, chiếm đoạt 50 triệu đồng.
Tại phiên xử, bị cáo Lê Hồng Nổi và Hồ Văn Thế xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, tuy vậy đại diện VKSND tỉnh nhận thấy vẫn đủ điều kiện nên đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số nên được sự hỗ trợ từ các chuyên viên từ trung tâm hỗ trợ pháp lý nhà nước tỉnh.
Sau khi xét xử, tòa đã tuyên phạt Nhớ 17 năm tù; Tên 14 năm; Nổi 9 năm; Thiêm 2 năm 6 tháng tù; Thái 3 năm; Thế 1 năm 3 tháng tù. Ta, Lực và Phương 1 năm tù treo. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của những người bị hại.
Thông tin pháp luật chiều 7/10: Hai vợ chồng ông lão tử vong tại nhà với nhiều vết đâm |
Thông tin pháp luật sáng 7/10: Khởi tố bị can vụ mua bán dâm trên du thuyền hạng sang do 'tú ông' cầm đầu |