Thông tin pháp luật sáng 14/10: Công an Đà Nẵng triệt phá đường dây cá độ bóng đá 10.000 tỷ đồng
Thông tin pháp luật sáng 12/10: Nam thanh niên giết 2 người, cướp tài sản rồi bình thản đi chơi game |
Thông tin pháp luật sáng 11/10: Xác minh nguồn gốc bộ xương người trong rừng keo hẻo lánh |
Đà Nẵng: Triệt phá đường dây cá độ bóng đá 10.000 tỷ đồng
Ảnh: Công lý & Xã hội |
Ngày 13/10, Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên với tổng số tiền cá cược trên 10.000 tỷ đồng.
Đường dây đánh bạc qua mạng quy mô cực lớn do Bùi Mạnh Trí (SN 1985, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) cầm đầu. Kết quả điều tra cho thấy, Bùi Mạnh Trí đã liên hệ với nhà cái Ibel ở nước ngoài để nhận các tài khoản cá cược Supper Master với trị giá mỗi tài khoản nhiều triệu USD để hoạt động cá độ bóng đá, các cược trực tuyến. Từ các tài khoản, Trí đã phân thành các tài khoản nhỏ hơn cho hàng loạt “đại lý”. Các “đại lý” này trực tiếp đánh bạc và phân chia hàng nghìn tài khoản "con" cung cấp cho những người tham gia đánh bạc.
Giúp sức đắc lực cho Trí điều hành đường dây này là Lê Hà Việt Hưng (SN 1985, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Trí được giao điều hành quản lý, xử lý vấn đề kỹ thuật và cắt chuyển các tài khoản Supper Master thành nhiều tài khoản Taster để chuyển cho các “đại lý” đánh bạc và phân phối cho các con bạc bên dưới. Trong quá trình hoạt động, Trí giao nhiệm vụ cho Bùi Văn Nhẫn (SN 1993, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) phụ trách việc thu, chung tiền thắng thua và đòi nợ. Vào thứ 2 hàng tuần, Trí cùng với Hưng, Nhẫn liên lạc qua ứng dụng Telegram để thống kê, tính toán, chốt tiền thắng thua.
Trong số các “đại lý”, Nguyễn Văn Hoàng (SN 1963, trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) được Trí chỉ đạo Hưng giao hẳn tài khoản Supper Master trị giá 1 triệu USD để Hoàng tự đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Hoàng tiếp tục nhờ Trần Đình Mười (SN 1983, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) phụ trách xử lý kỹ thuật và Nguyễn Ngọc Mai (là anh rể) giúp Hoàng quản lý tài khoản, thu tiền thắng thua. Hoàng thường xuyên liên hệ với Trí, Hưng, Nhẫn trao đổi về việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Đường dây đánh bạc qua mạng do Trí tổ chức có quy mô rộng lớn, từ trung tâm thành phố cho đến vùng ven và một số tỉnh lân cận. Trí và các đối tượng cầm đầu đường dây thu lợi bất chính với số tiền rất lớn từ chênh lệch tỷ giá USD do các đối tượng quy định và tiền hoa hồng. Bước đầu, xác định đường dây đánh bạc trên 10.000 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng từ tháng 5/2020 đến nay là trên 6.250 tỷ đồng.
Đáng nói, Bùi Mạnh Trí là chủ một doanh nghiệp, mở nhiều nhà hàng, quán bar ở các vị trí đắc địa. Đó cũng là nơi các đối tượng cầm đầu làm nơi giao dịch, che dấu hoạt động tội phạm, đồng thời dùng hoạt động kinh doanh làm bình phong cho mục đích rửa tiền. Hoạt động đánh bạc luôn kéo theo cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Trí và các đối tượng có liên quan sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan Công an.
Từ 5h sáng ngày 13/10 đến chiều tối cùng ngày, 100 CBCS Công an TP và lực lượng hỗ trợ của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (Bộ Công an) đã tiến hành khám xét các địa điểm, bắt giữ 11 đối tượng chủ chốt trong đường dây.
Bước đầu, Cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tỷ đồng, 2 ô tô, 27 ĐTDĐ, 5 thẻ tín dụng ngân hàng, 1 khẩu súng quân dụng cùng nhiều tang vật khác liên quan đến hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục truy bắt một số đối tượng cầm đầu đang bỏ trốn để điều tra, xử lý.
Hôm nay xử phúc thẩm vụ án gian lận thi cử ở Sơn La
Bị cáo Trần Xuân Yến tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: VOV |
Ngày 14/10, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT 2018 tại tỉnh Sơn La.
Theo quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, 5 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến - cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La: Lò Văn Huynh - cựu Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT; Nguyễn Minh Khoa - cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La; Nguyễn Thanh Nhàn - cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và Nguyễn Thị Hồng Nga - cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Bị cáo Trần Xuân Yến kháng cáo cho rằng, bản thân không phạm tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên kháng án.
Bị cáo Lò Văn Huynh thừa nhận đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, Huynh kháng cáo và cho rằng, bản thân không nhận hối lộ 1 tỷ từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa để nâng điểm thi cho 2 thí sinh.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa kháng cáo với nội dung, bị cáo không thực hiện hành vi đưa hối lộ số tiền 1 tỷ đồng cho bị cáo Lò Văn Huynh, không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, bản án sơ thẩm có những sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, thu thập bổ sung, đánh giá toàn diện các chứng cứ để chứng minh bị cáo không phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn kháng cáo với nội dung bị cáo chỉ giữ vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể, bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người thực hành, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Nhận hối lộ”.
Ngoài 5 bị cáo, bà Lê Thị Thanh Yến (vợ bị cáo Huynh) và ông Lê Thanh Sơn (em vợ bị cáo Huynh) đều có kháng cáo, yêu cầu xem xét trả lại vật chứng (tiền) trong vụ án không phải là tranh chấp dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định về án phí trong vụ án dân sự đối với bà Yến, ông Sơn là không chính xác. Ông Sơn, bà Yến là thân nhân liệt sỹ. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm về phần Quyết định buộc ông Sơn, bà Yến phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 43 triệu đồng.
Gã trai hỏi cưới cô gái làm vợ rồi lừa bán sang Trung Quốc
Ảnh minh họa |
Theo bản án sơ thẩm, năm 2017, khi đi làm thuê tại Trung Quốc, Vừ Văn Lềnh (SN 1990, ở Cao Bằng) gặp và quen Lầu Thị Say (SN 1985, ở Hà Giang).
Thời gian sau đó, Lềnh đi lên huyện Mèo Vạc chơi thì gặp Say và chồng. Say mời Lềnh về nhà chơi, bảo gã trai tìm phụ nữ, lừa để giao cho vợ chồng Say đưa sang Trung Quốc bán.
Khoảng tháng 8/2019, Lềnh xin được từ bạn số điện thoại của chị S. (SN 1986, ở Tuyên Quang). Lềnh gọi điện làm quen, tán tỉnh chị với mục đích đưa cô gái sập "bẫy tình", rồi giao cho vợ chồng Say bán sang bên kia biên giới.
Lềnh tỏ tình và hỏi cưới chị S. làm vợ rồi hẹn gặp chị ở chợ xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ngày 6/9/2019, Lềnh đi xe máy từ Cao Bằng, còn chị S. đi cùng em dâu từ Tuyên Quang đến Hà Giang gặp nhau như đã hẹn.
Gặp chị S., Lềnh đưa cô gái đi chơi. Sau lần gặp đó, chị S. tin tưởng và nhận lời yêu Lềnh.
Biết đã chiếm được trái tim cô gái, gã trai hứa sẽ cưới chị S. làm vợ, và bảo chị S., sau khi lấy nhau sẽ cùng sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền, đồng thời hẹn chị S., khi nào có thời gian anh ta sẽ lại đến thăm người yêu.
Vài ngày sau, Lềnh gọi điện thoại hẹn gặp chị S. bên bờ suối. Trong lúc tâm sự, Lềnh bảo người yêu, nếu chị S. đồng ý lấy anh ta thì phải cùng Lềnh sang Trung Quốc làm thuê. Thấy Lềnh nói vậy, chị S. gọi điện cho em trai, đưa cho Lềnh nói chuyện.
Qua điện thoại, Lềnh nói với em trai chị S. việc anh ta muốn lấy chị S. làm vợ, và nhận được câu trả lời: phải đến nhà gặp, hỏi ý kiến cha mẹ.
Về phía Lềnh, anh ta từ chối đến nhà ra mắt cha mẹ người yêu rồi tìm vợ chồng Say để bàn chuyện bán cô gái.
Ngày 14/9/2019, Lềnh lại hẹn đón chị S. về làm vợ. Gặp người yêu, Lềnh đưa chị S. đi chơi, lại hỏi cưới và chỉ nhận được câu trả lời: phải về nhà hỏi ý kiến gia đình.
Gã trai cố thuyết phục người yêu rằng, mọi người cưới vợ, lấy chồng không phải hỏi ý kiến bố mẹ trước, mà lấy nhau xong rồi mới thông báo cho bố mẹ hay.
Và nếu chị S. cứ nhất quyết bắt anh ta phải về nhà gặp gia đình chị S. nói chuyện thì... đành thôi. Dùng lời ngon ngọt, cuối cùng Lềnh đã thuyết phục được chị S. đồng ý đi theo làm vợ anh ta.
Sáng 15/9/2019, Lềnh đưa chị S. đến chỗ hẹn rồi báo cho Say biết. Thấy vợ chồng Say đến, Lềnh nói: “Đây là con dâu của bố mẹ”. Do tin tưởng, chị S. đã đi cùng vợ chồng Say vượt biên sang Trung Quốc, đi sâu vào nội địa, để rồi bị bán cho một gia đình người Mông bên Trung Quốc với giá 13.000 NDT.
Phi vụ này, Lềnh được Say trả cho 10.000 NDT (khoảng 32 triệu đồng) và anh ta đã phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình bằng mức án 8 năm, 6 tháng tù về tội Mua bán người.
Riêng Say đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục truy bắt.
Can ngăn chồng bạo hành vợ, hàng xóm bị hành hung
Ông Thái bị Hải cầm dao đe dọa, hành hung. Ảnh cắt từ camera an ninh |
Theo ông Nguyễn Vinh Thái (66 tuổi, trú xóm 1, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) – là nạn nhân bị Nguyễn Đình Hải (trú xóm 2, xã Nam Xuân) đánh trọng thương, sự việc xảy ra gần 24 giờ đêm 8/10.
Thời điểm đó, Hải gọi điện cho ông Thái ra trang trại để “nhờ tí việc”, vì trang trại của Hải và ông Thái ở gần nhau, nên ông Thái không nghi ngờ gì, vội lấy xe máy để đi.
Trên đường ra trang trại, ông Thái bị Hải khống chế, dùng dao đe dọa, rồi hành hung ông Thái nhiều lần, tuy nhiên ông Thái không dám kháng cự.
Theo ông Thái, nguyên nhân Hải đánh ông có thể do trong quá trình sinh sống, thấy Hải hành hung vợ, ông Thái có can ngăn nên Thái trả thù.
Toàn bộ sự việc được camera an ninh ghi lại. Sau khi đánh ông Thái gục xuống đất, Hải bỏ mặc ông Thái trong đêm khuya rồi mang dao đi về trang trại ngủ.
Ông Thái được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu, điều trị vết thương.
Hiện Công an huyện Nam Đàn đã lấy lời khai của ông Thái, đồng thời triệu tập Hải để điều tra làm rõ.