Thời khắc Brexit tới gần, nhiều ngân hàng gấp rút rời khỏi Anh
Theo đó, Paris đang bàn bạc kế hoạch thu hút một khối lượng lớn nhân viên thuộc ngành ngân hàng đến từ London nhằm cạnh tranh với các đối thủ đến từ các thành phố lớn như Frankfurt (Đức). Dẫn lời ông Benoit de Juvigny - Giám đốc Cơ quan Giám sát Các thị trường Tài chính Pháp (AMF) hồi đầu tháng 12/2016 tờ BBC cho hay các ngân hàng lớn đang xây dựng lộ trình chuyển đổi một số hoạt động kinh doanh sau sự kiện Brexit.
Nguyên nhân sâu xa được cho là bắt nguồn từ chính sách ưu đãi có tên Passporting- đặc quyền cho phép các công ty thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu EEA hoạt động tự do tại bất kỳ các quốc gia trong nhóm mà không cần các nước cho phép. Tuy nhiên, nguy cơ cao chính sách này sẽ bị chấm dứt ngay sau khi Anh rời khỏi EU mà không có một sự đảm bảo sẽ có một đặc quyền tương tự vậy được thay thế. Chính bởi sự không chắc chắn này mà nhiều công ty tài chính, đặc biệt là các ngân hàng quốc tế lên kế hoạch chuyển sang hoạt động ở những quốc gia thành viên EU khác.
Cũng theo BBC, có ít nhất khoảng 8 trung tâm tài chính đang tích cực gọi mời các ngân hàng đến đầu tư trong đó có Paris, Frankfurt, Dublin, Luxembourg, Amsterdam, Madrid, Bratislava và Valletta.
Cuộc chạy đua chiêu dụ các công ty tài chính càng trở nên gắt gao hơn bao giờ hết khi Thủ tướng Anh bà Theresa May sẽ tiến hành đàm phán quyết định rời khỏi EU trong tháng Ba tới. Các chuyên gia đến từ các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cảnh báo sẽ chuyến hướng đầu tư sang nước khác trong khối EU nếu bà Theresa May không tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thị trường trong nước.
Tại thời điểm này, các ngân hàng lớn đang tìm đường mở rộng chi nhánh của mình sang thị trường EU trước khi Vương quốc Anh ra đi. Trước tình hình đó, Thủ tướng May cho biết Chính phủ Anh đang xem xét những thỏa thuận phù hợp nhất đối với ngành ngân hàng.
Trong cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU của Anh vào năm ngoái, ngân hàng HSBC tiết lộ sẽ chuyển 1.000 nhân viên từ London sang chi nhánh ở Paris nếu người dân Anh ủng hộ Brexit. Theo tổ chức TheCityUK dự báo có tới 70.000 việc làm sẽ bị trống tại Anh trong thời gian sắp tới.
Lý do mà các ngân hàng đang chuyến hướng tới Paris là bởi đây là thành phố có hợp đồng hoán đổi lãi suất lớn nhất khu vực châu Âu với giá trị lên tới 141 tỷ USD so với ở Anh là 1,18 tỷ USD. Thêm vào đó, ngành ngân hàng ở Pháp mang tính tập trung nhiều hơn so với các quốc gia trong khu vực châu Âu khác. Hầu hết các trung tâm tài chính được đặt ở Paris trong khi ở Đức, các công ty này thường rải ở khắp vùng miền trên cả nước.
Tuy nhiên, mặc dù Paris sở hữu nhiều ngân hàng lớn nhất châu Âu trong đó có Societe Generale và BNP Paribas nhưng Pháp vẫn là quốc gia thụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực về lĩnh vực tài chính như Anh và Đức khi quốc gia này chỉ xếp thứ 29 theo đánh giá của tổ chức Global Financial Centres Index. Hơn thế nữa những quy định nghiêm ngặt về luật sử dụng lao động cũng khiến nhiều nhà đầu tư cũng phải "dè chừng" do từ trước đến nay họ luôn ép nhân viên của mình làm việc với cường độ cao trong một thời gian dài.
Đức Quỳnh