Thế giới toàn cảnh tuần 3-9/8/2015
Thời Đại Online điểm lại một số sự kiện quốc tế tiêu biểu nhất diễn ra trong tuần qua (3-9/8/2015):
Mảnh vỡ tìm thấy hôm 4/8, được cho là cửa sổ máy bay MH370
Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 có thêm nhiều diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu tuần, hôm 4/8, người ta tiếp tục tìm được một vật thể nhựa dạt vào đảo Reunion, nghi ngờ là cửa sổ của chiếc máy bay mất tích. Vị trí tìm thấy vật thể này cách nơi phát hiện mảnh vỡ hôm 1/8 chỉ vài trăm mét.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak xác nhận mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion hôm 29/7 thuộc về MH370
Chỉ sau đó 1 ngày, một chuyên gia trong nhóm tìm kiếm tuyên bố cam kết trả lời thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH370 muộn nhất là trong ngày 7/8. Vụ việc thêm gay cấn khi Thủ tướng Malaysia chính thức lên tiếng xác nhận mảnh vỡ cánh máy bay tìm thấy hôm 29/7 “chắc chắn thuộc về MH370” hôm 5/8. Ngược lại, giới chức Pháp, nước hiện đang giám định mảnh vỡ đầu tiên, tuyên bố một cách thận trọng rằng “chưa thể kết luận gì nhiều” về vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines. Bên cạnh đó, phía Australia khẳng định đã khoanh vùng chính xác vị trí tìm kiếm MH370, dựa trên các mô hình mô phỏng vật thể trôi mà nước này nghiên cứu.
Người nhà nạn nhân trên chuyến bay MH370 xông vào văn phòng chi nhánh Malaysia Airlines ở Bắc Kinh ngày 5/8. (Ảnh: QQ)
Những thông tin trái chiều từ các bên tham gia tìm kiếm MH370 đã làm gia đình các hành khách trên chuyến bay xấu số thêm hoang mang, phẫn nộ. Ngày 5/8, khoảng 10 người Trung Quốc là thân nhân của những người có mặt trên MH370 đã tập trung biểu tình bên ngoài văn phòng Malaysia Airlines tại Bắc Kinh. Những người này yêu cầu các cơ quan chức năng cho biết thêm thông tin, đồng thời tố cáo Malaysia tuyên bố vô trách nhiệm khi vụ việc còn chưa ngã ngũ. Bất chấp việc ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy đây là một vụ tai nạn máy bay thảm khốc, thân nhân của các nạn nhân trên chuyến bay này vẫn tin rằng người thân của họ còn sống và có thể đang bị mắc kẹt ở một nơi nào đó. Đáp lại sự phản đối của các gia đình hành khách MH370, giới chức Malaysia sau đó đã tuyên bố cần thêm thời gian để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, đồng thời cử một nhóm chuyên gia pháp y đến đảo Reunion hỗ trợ xác minh vụ việc. Ngoài ra, Pháp cũng tăng cường tàu tuần tra trên biển và máy bay trực thăng rà soát mặt đất để tiếp tục tìm kiếm các manh mối liên quan đến vụ mất tích bí ẩn này.
Nhật Bản dự định tặng 3 máy bay Beechcraft TC-90 King Air cho Philippines để tuần tra Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Bên cạnh vụ MH370, dư luận Việt Nam cũng như thế giới đang hướng về Biển Đông với nhiều nghi ngờ và hy vọng. Trong tuần, Mỹ đã lên tiếng cam kết hỗ trợ các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực biển, đồng thời Nhật Bản cũng đang có ý định sẽ tặng máy bay cho Philippines để tuần tra Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Kuala Lampur, tháng 8/2015. (Ảnh: Reuters)
Mỹ đang thể hiện tiếng nói quan trọng của mình trên thế giới, nhất là tại một khu vực có vị trí, vai trò chiến lược cả về quân sự cũng như thương mại như Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John đã có cuộc thảo luận trực tiếp với người đồng cấp Vương Nghị bên phía Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, sau đó ông Kerry tuyên bố không chấp nhận hành động ngăn cản tự do hàng hải, hàng không mà Bắc Kinh đang thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ hay chính cộng đồng các nước ASEAN cũng đồng loạt lên tiếng về động thái xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông. Tất cả đều nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, tuân theo luật lệ quốc tế và kiềm chế gây căng thẳng.
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Đá Xu Bi, gồm một phần dường như là đường băng dài 3.000m. (Ảnh: Digital Globe)
Trung Quốc, theo chiều ngược lại, đang có nhiều hành động “khả nghi” và đầy toan tính. Bị sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế, Bắc Kinh thẳng thừng tuyên bố “tránh né” đề cập đến vấn đề Biển Đông trên bàn đàm phán tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Malaysia. Cùng với đó, Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản bắt tay với Philippines đối phó Bắc Kinh. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã bất ngờ tuyên bố “tạm dừng” xây dựng trên Biển Đông, nhằm xoa dịu dư luận quốc tế. Hành động của Trung Quốc không thể che giấu được thực tế rằng nước này đang tích cực tăng cường lực lượng quân sự trên các vùng biển tranh chấp. Trong tuần qua, hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Bắc Kinh có thể đang xây dựng một đường băng dài 3.000m thứ hai trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một chuyên gia quân sự từ Singapore còn khẳng định Trung Quốc đang âm mưu thành lập một “hạm đội” các tàu đánh cá có vũ trang nhằm dễ bề khống chế và kiểm soát Biển Đông. Ngoài ra, chính các trang mạng quân sự của Trung Quốc cũng đăng tải nhiều hình ảnh, video nhằm khoe khoang sức mạnh quân sự, răn đe các nước khác.
Hiện trường sau vụ đánh bom ở trung tâm Thủ đô Kabul, Afghanistan hôm 7/8. (Ảnh: Reuters)
Cuộc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố trên thế giới diễn ra ngày càng cam go, ác liệt. Trong tuần qua, IS cùng với những nhóm khủng bố khác như Taliban, al-Qaeda…là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường và quân đội các nước. Tiêu biểu là thông tin IS đã hành quyết hơn 2.000 người tại tỉnh Nineveh của Iraq, hay vụ đánh bom giữa thủ đô Kabul của Taliban khiến hơn 100 người thương vong. Ngoài ra, IS cũng lần đầu tiên đăng tải một video bằng tiếng Đức, đe dọa trả thù đích danh Thủ tướng Angela Merkel. Một đánh giá của tình báo Mỹ cho rằng sau 1 năm không kích, lực lượng IS hầu như không suy yếu càng làm cộng đồng quốc tế thêm lo ngại.
Ảnh vệ tinh của siêu bão Soudelor khi tiến vào Đông Á.
Hai ông cháu trốn đằng sau trạm xe bus ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 7/8 để tránh những cơn gió "tử thần" của siêu bão Soudelor
Thiên tai tiếp tục hoành hành dữ dội, không chỉ ở châu Á mà lan sang cả châu Âu, châu Mỹ. Siêu bão Soudelor mạnh nhất năm nay quét qua Đông Á, giết chết nhiều người và phá hủy nghiêm trọng nhiều thành phố. Chỉ tính riêng Đài Loan đã có 4 người chết và hàng trăm nghìn người phải sơ tán do ảnh hưởng của bão. Ngoài ra, lũ lụt lớn ở các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…cũng đã khiến hàng chục người thiệt mạng, ảnh hưởng tới đời sống của hàng vạn hộ gia đình khác.
Lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy ở bang California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Nếu như châu Á gồng mình chống chịu bão lũ, thì châu Âu và châu Mỹ đã phải trải qua một tuần lễ nóng bức tột độ. Nhiệt độ tăng cao, cùng với gió mạnh và cây cối khô đã gây nên một loạt các vụ cháy rừng ở Mỹ, Tây Ban Nha. Trong đó, đợt cháy rừng khủng khiếp ở bang California, Mỹ kéo dài suốt nhiều ngày, với khoảng 20 đám cháy lớn đã thiêu rụi hơn 68.000 ha rừng, 91 công trình xây dựng. Ngoài ra, ở các nước như Italia và Đức, nhiệt độ đã lên cao tới mức kỷ lục. Ở một vài nước khác như Pháp, Bồ Đào Nha…, nắng nóng kéo dài khiến nông nghiệp điêu đứng, nông dân sống dở chết dở.
Ảnh vệ tinh căn cứ quân sự Parchin đang góp phần gây mâu thuẫn giữa Iran với các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân
Thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục làm nóng chính trường thế giới. Vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia và các nước đồng minh, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận mới đạt được với Tehran, đồng thời cảnh báo nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra nếu thỏa thuận không thể thực hiện. Tuy vậy, hình ảnh vệ tinh mà Mỹ có được lại nói lên một thực tế ngược lại, rằng Iran có vẻ đang che giấu hoạt động hạt nhân của mình ở căn cứ quân sự Parchin. Phản ứng với thông tin trên, phía Iran cực lực bác bỏ nghi ngờ của Washington, đồng thời cho rằng nhiều thông tin bất lợi đang được các thế lực thù địch truyền bá nhằm xuyên tạc chính sách của Tehran.
Chim bồ câu bay lên trong lễ tưởng niệm tại Hiroshima. (Ảnh: Reuters)
Những lời cầu nguyện đã vang lên khắp Hiroshima trong ngày thứ năm (6/8). (Ảnh: Reuters)
Một hoạt động đáng chú ý là Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima tại Nhật Bản. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng với đại diện đến từ hơn 100 quốc gia. Những nhà lãnh đạo trên thế giới đồng thanh kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân và theo đuổi hòa bình, thúc đẩy tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại và không dựa vào sức mạnh quân sự. Nhiều người dân trên khắp nước Nhật cũng như bạn bè thế giới chung tay cầu nguyện cho những nạn nhân đã ra đi mãi mãi sau 2 vụ nổ bom, đồng thời hy vọng cho một nền hòa bình ổn định, lâu dài cho tất cả người dân toàn cầu.
Trọng Sang