Thế giới toàn cảnh tuần 27/7-2/8/2015
Thời Đại Online điểm lại một số sự kiện quốc tế tiêu biểu nhất diễn ra trong tuần qua (27/7 - 2/8/2015):
Các nhân viên đội tìm kiếm di chuyển mảnh vỡ máy bay MH370. (Ảnh: CNN)
Dư luận thế giới đang hướng sự quan tâm về vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH370, với nhiều hy vọng và cả những nghi ngờ. Ngày 29/7, Không quân Pháp thông báo phát hiện một vật thể dài 2m nghi là mảnh vỡ thuộc phần cánh của chiếc MH370 ở vùng bờ biển thuộc đảo Reunion – cách nơi bị cho là vị trí máy bay rơi xuống khoảng 4.000km. Thông tin ban đầu cho thấy mảnh vỡ “rất giống một phần chỉ được lắp ráp cho máy bay Boeing 777”, cùng loại với MH370. Đồng thời, nguồn tin từ Australia khẳng định việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đang được tiến hành đúng khu vực vì mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực phù hợp với dòng chảy đại dương.
Nhân viên chức năng làm việc bên mảnh vỡ nghi của MH370. (Ảnh: AFP)
Ngày 31/7, giới chức Australia tuyên bố họ "ngày càng tin chắc” rằng mảnh vỡ dạt vào đảo Reunion của Pháp ở phía Nam Ấn Độ Dương thuộc về chiếc máy bay xấu số này. Với hàng loạt thông tin mới, hy vọng tìm thấy MH370 cùng với sự thật về vụ mất tích bí ẩn của nó đang được nhen nhóm. Mặc dù vậy, vẫn có những nghi ngờ về một “âm mưu” đằng sau mảnh vỡ mới xuất hiện. Tạm thời, mảnh vỡ trên sẽ được đưa về trung tâm nghiên cứu ở Pháp gần thành phố Toulouse để tiến hành phân tích.
Hiện trường tai nạn máy bay ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Hình ảnh cánh cửa thoát hiểm của máy bay Trung Quốc sau vụ "đốt máy bay". (Ảnh: Weibo)
Bên cạnh vụ MH370, tình hình an toàn hàng không trên thế giới lại tiếp tục nóng thêm với những sự cố ở Nhật Bản, Trung Quốc và Lào. Hồi đầu tuần, một máy bay đâm thẳng xuống vùng ngoại ô thủ đô Tokyo của Nhật, giết chết 3 người. Đến ngày 27/7, CCTV công bố vụ “đốt máy bay” tại Trung Quốc khiến người xem không khỏi giật mình, với hình ảnh của chiếc ghế hành khách cháy lỗ chỗ, trong khi cửa thoát hiểm máy bay đen kịt vì khói. Chỉ 1 ngày sau, hôm 28/7, giới chức Lào thông báo về vụ “mất tích” của trực thăng quân sự Mi-17.
Khieu Samphan (trái) và Nuon Chea. (Ảnh: Reuters)
Ngày 27/7, Tòa án quốc tế xét xử tội ác diễn ra dưới chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia (ECCC) mở phiên chất vấn nhân chứng, trong khuôn khổ phiên tòa thứ hai xét xử hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea và Khieu Samphan về tội diệt chủng, giết người hàng loạt. Hai bị cáo Khieu Samphan (84 tuổi) và Nuon Chea (89 tuổi) đối mặt với những cáo buộc giết người, diệt chủng trong phiên tòa thứ hai của ECCC. Theo dự kiến, phiên tòa này sẽ đưa ra phán quyết vào năm 2016. Tháng 8/2014, phiên tòa thứ nhất của ECCC đã đưa ra bản án chung thân đối với hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ này về tội ác chống lại loài người.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường trấn áp IS ở biên giới Syria. (Ảnh: AP)
Sau nhiều tháng trì hoãn, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hợp tác với Mỹ nhằm đẩy lùi các tay súng nhóm IS ra khỏi vùng đệm vừa được thiết lập dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ngày 29/7, trong bối cảnh IS thực hiện vụ đánh bom liều chết tại thị trấn biên giới Suruc, khiến 32 người thiệt mạng, và các vụ tấn công khác nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội nước này. Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân chiến lược Incirlik làm bàn đạp mở các cuộc tấn công nhằm vào IS. Với kế hoạch hợp tác này, cuộc tấn công của Liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm tiêu diệt IS hy vọng sẽ đạt được thêm những kết quả khả quan hơn.
Lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
Hiện trường sau vụ đánh bom ở Nigeria, làm 60 người chết. (Ảnh: Premiumtimesng)
Trong một diễn biến có liên quan, IS khiến cả thế giới phải “rùng mình ớn lạnh” vì một tài liệu mới được tiết lộ. Trong đó, nhóm khủng bố lên kế hoạch hợp nhất với al Qaeda và Taliban, cùng với nhiều nhóm cực đoan khác trên toàn thế giới để thành lập một “Vương quốc Hồi giáo thống nhất”; nhằm “kết thúc thế giới”. Ngoài ra, những tay súng IS còn đe dọa “sẽ giết đến người cuối cùng” dám đứng lên chống lại chúng. IS có vẻ đang muốn hiện thực hóa kế hoạch nói trên bằng một loạt vụ tấn công tại nhiều quốc gia: đánh bom khách sạn đặt Đại sứ quán Trung Quốc ở Somali, 2 vụ đánh bom xe và giao tranh với lực lượng quân sự ở Iraq, đánh bom ở thủ đô Sanaa của Yemen hay vụ đánh bom giữa chợ ở Nigeria…Một nguồn tin khác từ phía Nga còn khẳng định, IS tuyển mộ tân binh từ hơn 100 quốc gia, trong đó tập trung chủ yếu vào giới trẻ.
Tổng thống Ukraine Poroshenko phát biểu trước quốc hội nước này, tháng 7/2015
Ngày 31/7, Tòa án hiến pháp Ukraine mở đường cho phép Quốc hội nước này bỏ phiếu về những sửa đổi hiến pháp trong việc trao quyền tự quản cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Dự thảo sửa đổi hiến pháp được Tổng thống Petro Poroshenko đệ trình, trong đó đề cập tới việc trao cho các khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine quyền tự quản tạm thời trong vòng 3 năm. Đây là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên xung đột tại Ukraine đạt được hồi tháng 2 vừa qua tại Belarus. Dự kiến, các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 tới.
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện COC. (Ảnh: VOV)
Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) -Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 9 đã diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Malaysia, Anifah Aman khẳng định ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí tiến tới giai đoạn tiếp theo của đàm phán COC. Ngoài ra, các nước ASEAN cùng nhất trí thiết lập đường dây nóng cấp ngoại trưởng với Trung Quốc nhằm giải quyết các sự vụ khẩn cấp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Đây sẽ là đường dây nóng cấp ngoại trưởng đầu tiên có sự tham gia của Trung Quốc.
Súng vi sóng WB-1 được coi là vũ khí mới của Trung Quốc trên Biển Đông
Mặc dù có được những bước tiến trên bàn đàm phán, xung đột giữa Trung Quốc với các nước khác tại thực địa vẫn chưa hề lắng dịu. Nổi bật nhất là vụ Bắc Kinh “chặn” máy bay Lào đi vào vùng cấm bay trên Biển Hoa Đông do Trung Quốc tự thiết lập từ năm 2012. Ngoài ra, giới chức Trung Quốc còn cực lực lên tiếng phản bác Mỹ tham gia hoạt động quân sự ở Biển Đông, đồng thời lên tiếng “răn đe” Philippines. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định mục đích của cuộc tập trận quy mô lớn mà nước này tiến hành trên Biển Đông là hoạt động thường niên, “không nhằm vào một nước cụ thể nào”. Trung Quốc bị cho là dự định sử dụng loại vũ khí mới: súng vi sóng trong các cuộc chạm trán trên biển, đặc biệt là truy đuổi tàu cá Việt Nam.
12 Bộ trưởng Thương mại của những nước tham gia TPP trong cuộc họp báo nói về tiến độ đàm phán ở Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii, Mỹ, ngày 31/7/2015
Ngày 29/7, Bộ trưởng Thương mại các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Hawaii, Mỹ. Tuy nhiên, không có một tuyên bố chung nào được đưa ra sau đó. Phần lớn thỏa thuận đã được hoàn tất, hiện chỉ còn một số vấn đề căng thẳng cần tiếp tục thảo luận như: mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của các doanh nghiệp, các điều khoản về thị trường lao động và bảo vệ môi trường, giải quyết các tranh chấp.... Một trong những điểm nhấn quan trọng của vòng thương lượng lần này là Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất của TPP về cơ bản đã vượt qua được những bất đồng trong đàm phán song phương. Đây được coi là một động lực rất lớn để thúc đẩy đàm phán chung giữa các bên.
Trọng Sang