Thắp sáng bản nhỏ nơi biên cương
Từ trụ sở xã Lâm Thủy, chúng tôi đi theo nhánh Tây đường Trường Sơn rồi rẽ vào quốc lộ 9B để vào bản Eo Bù - Chút Mút. Trước đây, nhằm phục vụ cho việc nâng cấp cửa khẩu Eo Bù - Chút Mút, đường 9B được mở rộng, trải nhựa, nhưng qua mỗi mùa bão lũ, lại bị sạt lở, xói mòn nhiều đoạn nên đi lại rất khó khăn.
Sau gần 1 tiếng đánh vật với con đường đầy ổ gà, ổ voi, bản Eo Bù - Chút Mút cũng hiện ra giữa lưng chừng đại ngàn mênh mông. Đón chúng tôi là anh Hồ Văn Bình, Trưởng bản, kiêm Bí thư Chi bộ bản Eo Bù - Chút Mút. Vừa dẫn khách đi thăm quan, Trưởng bản Hồ Văn Bình vừa chia sẻ: “Cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn bởi diện tích đất để canh tác đã ít, lại có độ dốc cao nên trồng cây gì năng suất cũng thấp. Thế nhưng, nhờ có Đồn Biên phòng Làng Ho thường xuyên giúp đỡ, nhất là từ khi có anh Đảm về làm Phó Bí thư chi bộ bản thì cuộc sống của bà con cũng đỡ hơn rất nhiều”.
“Anh Đảm” mà Trưởng bản Hồ Văn Bình nhắc đến là Thiếu tá Phạm Thành Đảm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Ho, người có 3 năm gắn bó với bà con bản Eo Bù - Chút Mút. Mối quan tâm lớn nhất của anh là tháo gỡ khó khăn của bản Eo Bù - Chút Mút để cuộc sống người dân đỡ vất vả. Điển hình như việc gần 4ha lúa nước 2 vụ - nguồn thu chính của các hộ dân trong bản. Mặc dù bà con đã làm chủ kĩ thuật canh tác, nhưng để đạt được năng suất cao, anh vẫn phải đôn đốc, theo sát từ việc làm đất, ủ giống, sạ đến thời kì bỏ phân, làm cỏ lúa. Điều anh trăn trở là hệ thống mương tưới tiêu được chính quyền địa phương đầu tư, tuy nhiên, trải qua thời gian đã xuống cấp trầm trọng, dù được Ban quản lý bản thường xuyên sửa chữa. Cũng bởi không đủ nước tưới tiêu mà vụ Hè - Thu, người dân chỉ canh tác được nửa diện tích và năng suất cũng không cao. Có một vài hộ dân tự mua máy về bơm nước vào ruộng, nhưng vì nhỏ lẻ, manh mún, nên “tiền lúa không đủ tiền điện”. Ai cũng hiểu, nếu có nước thì sẽ không phải bỏ phí ruộng, nhưng số tiền quá lớn nên bản không thể tự lo. “Nguyện vọng người dân là được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống mương nước để không chỉ gieo cấy được hết mà còn có thể mở rộng thêm diện tích lúa ruộng. Người dân muốn tự chủ được lương thực thay vì chờ đợi được hỗ trợ” - Thiếu tá Phạm Thành Đảm chia sẻ.
Vừa rồi, để kịp “chạy” bão số 5, Thiếu tá Phạm Thanh Đảm đã đề xuất với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho cử cán bộ, chiến sĩ cùng Tổ công tác tại Eo Bù - Chút Mút gặt lúa giúp dân. Có bộ đội về, lúa nhanh chóng được gặt, tuốt, phơi khô và đóng bao cất lên gác. Việc xong xuôi, lúc ấy mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Đến mùa mưa bão rồi, quốc lộ 9B dễ bị sạt lở, đường tắc có khi cả tuần. Giờ nhà nào cũng có gạo thì không phải lo lắng nhiều. Ông Hồ Văn Dưa chia sẻ câu chuyện của mình với giọng đầy xúc động: “Vợ chồng tôi không có con, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nên mùa vụ nào các chú BĐBP cũng đến giúp cấy rồi gặt lúa. Nhờ các chú Biên phòng mà cuộc sống của vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”.
Bản Eo Bù - Chút Mút đã có điện lưới quốc gia, tuy nhiên, vào mùa mưa bão thường xuyên bị mất điện. Tháng 2-2021, thông qua Đồn Biên phòng Làng Ho, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khởi công và đưa vào sử dụng công trình “Ánh sáng vùng biên” cho bản Eo Bù - Chút Mút. Các cột đèn năng lượng mặt trời được bố trí xung quanh bản, bởi vậy mà mỗi khi mặt trời khuất sau dãy núi, những nóc nhà của đồng bào Vân Kiều nơi đây thay vì chìm trong bóng tối lại sáng rực trong đêm. Nhờ có công trình “Ánh sáng vùng biên”, người dân như có thêm thời gian để hoàn thành nốt việc còn dang dở trong ngày. Bản nhỏ biên cương mỗi đêm lại rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ nô đùa dưới ánh điện đường.
Trân trọng tình cảm của gia đình Đại tướng, Tổ công tác Biên phòng tại bản Eo Bù - Chút Mút nhận trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng để công trình sử dụng được bền lâu. Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Làng Ho cũng thường xuyên tổ chức các phong trào “Ngày Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, làm thêm nhiều công trình thanh niên để bản Eo Bù - Chút Mút ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn.
Đến Eo Bù - Chút Mút để rồi thấy người lính Biên phòng ở đây không chỉ quan tâm, chăm lo cho bà con trong hiện tại, mà còn tính cả chuyện tương lai. Câu chuyện về cậu học trò nghèo Hồ Văn Đen là một điển hình. Sinh ra trong gia khó khăn bậc nhất của bản Èo Bù - Chút Mút, Hồ Văn Đen nhiều lần đã nghĩ đến việc thôi học cho đến khi được Đồn Biên phòng Làng Ho nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Không chỉ hỗ trợ em số tiền hàng tháng, các chú Biên phòng còn giúp Hồ Văn Đen lựa chọn hướng đi phù hợp nhất. Tháng 9-2020, nghe theo lời gợi ý của Thiếu tá Phạm Thành Đảm, Hồ Văn Đen nhập học vào Trường Công - Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình. Ở đây, Đen vừa được học văn hóa, vừa được học nghề. Chưa đầy 2 năm nữa, Đen vừa có Bằng Tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa có chứng chỉ nghề để có thể đi làm, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Rõ ràng, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự đồng hành, chung tay của những người lính Biên phòng mà cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở bản nhỏ nơi biên cương đã no ấm, tốt đẹp hơn.
Vững vàng “Vành đai thép” trên biên giới Đồng Tháp
Đồng Tháp có tuyến biên giới dài hơn 50km. Hiện tại BĐBP Đồng Tháp thường xuyên duy trì 26 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 cố định, 33 tổ công tác cơ động trên bộ và trên sông tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn.
|
Bình yên nơi bản làng biên giới xứ Thanh
Trong tiết trời oi ả, thật lý tưởng khi bạn rời xa nơi phố thị ồn ã để đến với Pù Luông, một điểm dừng chân ở vùng cao xứ Thanh để tìm về những vẻ đẹp nguyên sơ và bình yên nơi núi rừng, bản làng...
|
Vững vàng nơi biên cương Xín Mần
Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang có 4 xã giáp biên, địa hình phức tạp, mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn hiệu quả việc xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.
|